Nỗi ám ảnh tột cùng và cơn đau thắt nghẹn phía sau những thước phim “Ranh giới”

Khánh Đăng |

Bộ phim tài liệu “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Viết Phong đã không chỉ lay động mọi xúc cảm của người xem mà còn để lại những nỗi ám ảnh về một “cuộc chiến” khốc liệt.

Tối qua (8/9), bộ phim tài liệu "Ranh giới" do đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Viết Phong thực hiện tại khu K1 - Bệnh viện Hùng Vương được phát sóng trên khung giờ VTV Đặc biệt đã để lại cho người xem nhiều xúc cảm khó tả. Khu K1 là khu điều trị lớn nhất, được hoán cải từ một toà nhà của bệnh viện, để dành cho việc điều trị các thai phụ bị nhiễm Covid-19.

Bộ phim không có lời bình mà để cho hình ảnh và âm thanh thực "lên tiếng". Xuyên suốt bộ phim là hình ảnh đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu vật lộn từng giây, từng phút để giành giật sự sống cho các sản phụ bị nhiễm Covid-19 nặng.

Nỗi ám ảnh tột cùng và cơn đau thắt nghẹn phía sau những thước phim “Ranh giới” - Ảnh 1.

Hình ảnh các y bác sĩ cùng tiến hành cấp cứu cho một bệnh nhân trong cơn trở dạ. Ảnh cắt từ bộ phim "Ranh giới".

Ở đó, người ta thấy được sự cuống cuồng, thảng thốt, vội vàng, lo lắng, buồn thương của các y bác sĩ khi đối diện với những ca cấp cứu. Ở đó ngập tràn những giọt nước mắt (hạnh phúc lẫn đớn đau), những sự tiếc nuối khôn cùng, sự giằng xé tâm can vì những cuộc điện thoại thông báo cho người thân bệnh nhân… và cả những gương mặt thẫn thờ sau những ca trực.

Ở đó, người ta cũng thấy được cả sự chăm sóc trìu mến (hình ảnh bác sĩ buộc tóc cho bệnh nhân) và cả những câu vỗ về chứa chan tình người. Ở đó, có những sự thiếu thốn đến "nghiệt ngã" về trang thiết bị y tế và cả chế độ ăn uống cho các y bác sĩ. Ở đó có những hộp cơm vón cục, nguội lạnh và những bước chân nặng trịch.

Có cả hình ảnh người cha đau đớn đến tận cùng khi xin ra khỏi cách ly đến bệnh viện để nhìn mặt đứa con gái lần cuối mà không được phép nhìn vì con gái vừa qua đời mắc Covid-19 quá nặng, phải nhìn qua hình ảnh được chụp từ điện thoại.

Và ở đó, còn có cả tiếng khóc của những sinh linh bé nhỏ - tiếng khóc của sự sống nảy mầm và hồi sinh từ cái chết.

Tất cả đều xoáy vào lòng người xem những thổn thức, ám ảnh, đau buồn và thương cảm. Chưa bao giờ, người ta thấy rõ sự mong manh của ranh giới sống - chết đến thế. Chưa bao giờ người ta cảm nhận đến tận cùng sự khó nhọc, vất vả, hiểm nguy và hy sinh của y bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch đến thế.

Nỗi ám ảnh tột cùng và cơn đau thắt nghẹn phía sau những thước phim “Ranh giới” - Ảnh 2.

Cận cảnh gương mặt của một sản phụ vừa trải qua cơn phẫu thuật. Ảnh VTV.

Ngay khi bộ phim phát sóng, trên mạng xã hội đã có rất nhiều câu "giá mà... giá như" của những người đang khoẻ mạnh và cả của những người vừa bước qua cửa sinh tử do mắc Covid-19. Nếu nhiều người được xem bộ phim này sớm hơn, chắc hẳn họ đã thay đổi về suy nghĩ và hành động.

Nếu họ được xem thước phim này sớm hơn, họ đã có những sẻ chia và cảm thông với ngành y trong công cuộc chống dịch như chống giặc. Và hơn hết là họ đã bớt đi những lời than vãn, tăng lên những hành động thiết thực và nghiêm khắc với bản thân hơn trong việc phòng dịch của chính mình.

Theo đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, anh cùng 3 cộng sự đã có 21 ngày đi vào tâm dịch TP. Hồ Chí Minh để thực hiện những thước phim này. Cả ê-kíp 4 người đã chia làm 2 tốp để làm hai đề tài khác nhau. Riêng anh với quay phim Viết Phong chọn khu K1 – Bệnh viện Hùng Vương để thực hiện phim "Ranh giới". Bộ phim được anh đặt tên là "Ranh giới" để truyền một thông điệp mạnh mẽ về sự sống và cái chết trong tâm dịch.

Nỗi ám ảnh tột cùng và cơn đau thắt nghẹn phía sau những thước phim “Ranh giới” - Ảnh 3.

Hình ảnh em bé vừa lọt lòng mẹ đang được các y bác sĩ vỗ về. Ảnh cắt từ bộ phim "Ranh giới".

"Người bình thường mắc Covid-19 đã rất khổ rồi thì không hiểu các thai phụ mắc Covid-19 sẽ vật vã như thế nào. Chính sự tò mò này đã khiến tôi quyết tâm theo đuổi. Nơi chúng tôi chọn tác nghiệp là khu K1 - Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh, nơi điều trị cho rất nhiều sản phụ đã bị nhiễm Covid-19. Vào được ngày thứ 2 thì tôi nhớ một buổi tối, tôi được chứng kiến đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương thuyết phục bệnh nhân để cố gắng giữ được cho họ thở dù họ đôi khi không chấp nhận, phản đối nhưng các bác sĩ vẫn rất nhẫn nại.

Nếu không nghe theo bác sĩ thì chỉ số SPO2 của bệnh nhân sẽ tụt rất nhanh. Ranh giới sống chết lúc này bộc lộ rõ nhất, chỉ trong khoảnh khắc là thai phụ có thể bị ngất xỉu, mê man. Khi ấy, tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh quá. Chính vì vậy, tôi quyết định đặt tên phim là "Ranh giới" và dự định nói về ranh giới sự sống, cái chết, rồi sự ra đời của các em bé ở trong này", đạo diễn Tạ Quỳnh Tư bộc bạch.

Nỗi ám ảnh tột cùng và cơn đau thắt nghẹn phía sau những thước phim “Ranh giới” - Ảnh 4.
Nỗi ám ảnh tột cùng và cơn đau thắt nghẹn phía sau những thước phim “Ranh giới” - Ảnh 5.

Hình ảnh người cha đau đớn, vật vã, bàng hoàng... khi nhận tin con gái đã qua đời gây ám ảnh trong phim "Ranh giới". Ảnh cắt từ bộ phim "Ranh giới".

Sau bộ phim này, một bộ phim về chủ đề tương tự có tên "Ngày con chào đời" của ê-kíp Tạ Quỳnh Tư cũng sẽ lên sóng vào 20h10 ngày 22/9 - khung giờ VTV Đặc biệt. Theo đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, ý tưởng cho phim tài liệu "Ngày con chào đời" lúc đầu cũng có trong phim "Ranh giới". Nhưng sau đó anh tách ra thành một phim nữa, làm riêng về các "sinh linh bé nhỏ" cất tiếng khóc chào đời nơi tâm dịch.

Ra đời trong hoàn cảnh mẹ bị nhiễm Covid-19, các em bé chịu đủ mọi sự thiệt thòi. Những tưởng khi sinh ra sẽ được bình an, nhưng những tuần tiếp theo, các em buộc phải xa mẹ, sống trong những khu cách ly, cũng bị nhiễm Covid-19 rồi cũng trải qua nhiều lần xét nghiệm, kiểm tra. Khoảnh khắc mẹ con không được gặp nhau rất xót xa.

"Sự khắc nghiệt đi đến tận cùng khi những giọt sữa mẹ quý giá nhất dành cho con trong những ngày đầu chào đời lại phải vắt đổ đi vì mẹ bị nhiễm Covid-19 và các con được chăm bằng nguồn sữa bột. Những điều đó thể hiện sự khắc nghiệt, ngặt nghèo trong mùa dịch nhưng ở sâu đâu đó vẫn là tình yêu thương của mọi người trong gia đình và nỗi niềm của người mẹ người cha đang phải đi cách ly vẫn hướng về con mình, vẫn đau đáu một nỗi niềm, ước mơ, khát vọng được nhìn thấy con", đạo diễn Tạ Quỳnh Tư trải lòng thêm về phim "Ngày con chào đời".

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư hy vọng, hai bộ phim sẽ có sự tác động mạnh mẽ đến người xem và tác phẩm của anh sẽ khiến suy nghĩ của nhiều người thay đổi, cũng giống như chính chuyến công tác lần này, thực hiện phim lần này đã khiến bản thân anh thay đổi rất nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại