Nỗi "ám ảnh kinh hoàng" mang tên những "thượng đế" khó chiều ở các cửa hàng tiện lợi

Minh Nhân |

Ở nhiều cửa hàng tiện lợi, việc khách hàng có những hành vi thiếu ý thức như: xả rác bừa bãi, nằm ngủ la liệt, trộm cắp hàng hóa,... được xem là những "nỗi ám ảnh kinh hoàng" mà nhiều bạn sinh viên làm việc part time đôi khi chả biết thổ lộ cùng ai.

Hiện nay ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn xuất hiện rất nhiều cửa hàng tiện lợi phục vụ 24/24.

Mang văn hóa từ những quốc gia phát triển khác nhau vào Việt Nam, các chuỗi cửa hàng này "thổi" một làn sóng mới về cách tiêu dùng, sinh hoạt của người dân.

Trước đây nhiều người lấy cớ trời nắng nóng "khó thở" nên ồ ạt kéo đến các cửa hàng "oanh tạc", không thiếu nhiều cảnh "dở khóc dở cười" từ nằm ngủ la liệt, xả rác bừa bãi, ngồi "hưởng sái" điều hòa từ giờ này tới giờ khác, thậm chí là mang theo thú cưng để cùng "tận hưởng niềm vui".

Nhưng hiện nay, thực trạng này vẫn chưa thể chấm dứt!

Điển hình mới đây nhất là vụ việc xảy ra ở một cửa hàng tiện lợi trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Lại về vấn đề ý thức dọn dẹp rác thải sau khi sử dụng, nhiều người vẫn quen miệng "biết rồi khổ lắm nói mãi", nhưng nói mãi nhắc mãi rồi cũng có ai nghe đâu!

"Lúc này là 4h sáng khi đến giờ dọn dẹp quán, nhân viên có yêu cầu rất nhẹ nhàng lịch sự với nhóm bạn trẻ tầm 25 đến 30 người rằng ai có rác trên bàn thì vui lòng bỏ vào thùng giúp.

Đáp lại lời cô nhân viên là một loạt ánh mắt và lời lẽ khó chịu. Mọi người đứng dậy đi ra ngoài và lảng tránh đống rác mà mình vừa xả ra, có người để rác của mình... sang bàn bên cạnh để đỡ phải dọn...", một tài khoản facebook chia sẻ vụ việc.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên những thượng đế khó chiều ở các cửa hàng tiện lợi - Ảnh 1.

"Tàn tích" hoang tàn sau trận đánh chén mà nhiều nhóm khách hàng rời đi không thèm "ngoái đầu nhìn lại".

Mặc dù trên tường và ở mỗi bàn ăn đều có dán giấy nhắc nhở "Vui lòng bỏ rác vào thùng sau khi sử dụng. Hãy là người có ý thức. Xin cảm ơn" nhưng dường như chúng đều trở nên vô hình.

Cách đó không xa cũng "tồn tại" một thùng đựng rác kích thước khá lớn với bảng chỉ dẫn cẩn thận, tuy nhiên chẳng hiểu sao rác vẫn thích "nằm lại" trên bàn nhiều hơn.

Phải chăng đến nay người ta vẫn đang cố tình không muốn hay không thèm hiểu ý nghĩa của cụm từ "cửa hàng tự phục vụ".

Đã gọi là "tự phục vụ", đơn giản rằng khách hàng sẽ là trung tâm: tự order món ăn, tự lấy đồ ăn và phải tự dọn dẹp!

Nếu ăn uống xong xuôi mong muốn có người đến tận bàn dọn bát đĩa hay vỏ chai cho mình như ở những quán ăn, cửa tiệm khác thì không nên đến cửa hàng tiện lợi làm gì!

Nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên những thượng đế khó chiều ở các cửa hàng tiện lợi - Ảnh 2.

"Mảnh giấy" chễm chệ giữa bàn bỗng chốc trở nên "vô hình".

Những nỗi "ám ảnh kinh hoàng" khác mang tên những "thượng đế khó chiều"

Phần lớn nhân viên ở đây đều là sinh viên còn rất trẻ, làm việc theo ca với mong muốn tự trải nghiệm và kiếm thêm thu nhập. Một ca làm part time thường kéo dài 8 tiếng, bắt đầu từ 6h và tuần hoàn 24 tiếng mỗi ngày.

Với nhiều sự lựa chọn phần việc như thu ngân, dọn sàn, sắp xếp hàng hóa, chế biến thức ăn,... nhân viên tự thay phiên nhau hoàn thành công việc được giao.

D. (SN 1997) đã làm việc ở một cửa hàng tiện lợi trên đường Phan Kế Bình (quận Ba Đình, Hà Nội) được 8 tháng cho biết ngoài tình trạng rác thải bừa bãi nằm "ngổn ngang" trên bàn mỗi khi khách rời đi thì cô còn thấy nhiều người tự ý đổ thức ăn thừa ra bàn, sàn.

"Đồ uống như milo, nước giải khát có bạn dùng không hết đổ bừa xuống sàn. Điều đáng nói là bạn ấy không báo cho bọn mình để còn kịp thời dọn dẹp, mà cứ thế im lặng bỏ đi".

Nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên những thượng đế khó chiều ở các cửa hàng tiện lợi - Ảnh 3.

Đồ uống đổ tràn lan trên mặt sàn, nhân viên lại được phen lau chùi "bở hơi tai".

Với "bãi chiến trường" mà khách hàng để lại, sau 1 thời gian chưa kịp lau chùi ngay thì vết bẩn sẽ dính chặt ở mặt sàn, không hề đơn giản để loại bỏ.

"Nếu phát hiện ngay từ đầu có thể dùng khăn lau 1 lần là có thể sạch nhưng giờ thì cực hơn rồi, phải dùng tới cả nước tẩy rửa".

Trước đây tại một cửa hàng tiện lợi ở Sài Gòn cũng xảy ra tình cảnh tương tự khi nhóm học sinh sau khi ăn uống thay vì dọn dẹp đã cầm cả tô mì còn thừa đổ xuống chân bàn, "tiện tay" đổ luôn 2 chai sữa ra 3 chiếc bàn.

Các em sau đó còn đùa giỡn khiến ghế ở cửa hàng đổ ngang đổ dọc.

Điều này với nhiều người có thể chỉ là sự vui đùa nhưng vô tình đè nặng công việc của các bạn nhân viên.

Nếu chọn làm việc ca 3 (10h đêm - 6h sáng), tình cảnh gặp phải những vị khách oái ăm cũng là điều hiển nhiên.

D. kể có những hôm khách ở lại khuya còn tổ chức đánh bài hét lớn, nói tục ảnh hưởng đến không gian chung của mọi người. Cũng có bạn "vui tính" phì phèo trên tay thuốc lá điện tử, thản nhiên nhả khói như chốn không người.

Thậm chí có nhiều người tự do "biến" bàn ghế thành của riêng, nằm ngủ chẳng ngại ngần gì: Ở đây vừa mát lại phục vụ xuyên đêm, tội gì về nhà cho nóng nực!!!

"Những người hút thuốc lá bình thường họ sẽ ra ngoài còn những người dùng thuốc lá điện tử không như thế.

Ngoài ra có một nhóm các bạn kéo nhau vào chơi bài làm ầm ĩ cả lên, bọn mình có nhắc nhở nhưng không được, buộc phải mời họ ra ngoài", D. tâm sự.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên những thượng đế khó chiều ở các cửa hàng tiện lợi - Ảnh 4.

Hai thanh niên lăm lăm thuốc lá điện tử hồn nhiên phì phèo nhả khói.

Muôn kiểu nằm ngủ vô tư ở cửa hàng tiện lợi: Chỉ cần dàn ghế lại là có chỗ ngả lưng ngay mà!

Ở những cửa hàng tiện lợi chỉ có tầm 4 nhân viên trực bán hàng cho mỗi ca làm việc, có những ngày số lượng khách kéo đến đông không thể kiểm soát hết, tình trạng mất đồ cũng diễn ra thường xuyên.

D. chia sẻ, đều đặn tháng nào kiểm đếm cũng thấy mất hàng, chỉ đến khi check camera mới biết có nhiều trường hợp trộm cắp.

"Vì kệ hàng ở đây xếp dọc nên nhân viên rất khó quan sát phía bên trong. Vào thời điểm tan trường, học sinh kéo đến đông đúc, xếp hàng dài nên bọn mình cũng không xem xét hết được.

Trước đó một em học sinh lớp 8 bị bắt quả tang trộm đồ trong vòng 2 tuần liên tiếp, giá trị tiền hàng lên đến hơn 1 triệu 500".

Nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên những thượng đế khó chiều ở các cửa hàng tiện lợi - Ảnh 5.

Thậm chí còn nằm chơi điện thoại thoải mái như ở nhà nhé!

"Làm thêm vất vả nhưng mình muốn tự tích cóp tiền cho những dự định riêng"

Sinh viên khi đi làm thêm ở bất kỳ đâu đều chấp nhận chi phí cơ hội liên quan đến việc đồng hồ sinh học, thời gian biểu bị đảo lộn.

Nữ nhân viên 9X thẳng thắn chia sẻ cô học kém đi nhiều vì lịch học trùng chéo với lịch làm việc dẫn đến kết quả không được như ý muốn.

"Có những hôm làm ca sáng đến 14h mới được nghỉ, về nhà cũng gần 15h, mình nghỉ ngơi tí 16h lại đi học. Phải thừa nhận là mình học giảm sút đi nhiều nên nếu muốn tiếp tục đi làm chắc kỳ sau mình sẽ xem xét lại các môn học sao cho hợp lý".

Dù công việc có những phiền muộn nhưng D. nói cô thích làm ở đây vì có nhiều người bạn cùng chia sẻ buồn vui. Dù có khó khăn khi làm quen với từng đợt nhân viên mới nhưng một thời gian sau mọi người đều rất vui vẻ với nhau.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên những thượng đế khó chiều ở các cửa hàng tiện lợi - Ảnh 6.

Một bạn nhân viên khác phân loại rác sau khi khách hàng cứ tự ý đổ tất cả vào một chỗ.

Đặc biệt tiền lương ổn định, nhân viên còn có thưởng và trợ cấp đầy đủ nên D. vẫn duy trì công việc này. Cô bạn tâm sự dù bố mẹ vẫn có khả năng tạo điều kiện nhưng dẫu sao 9X vẫn thích tự tiêu đồng tiền mồ hôi công sức đổ ra hơn.

"Mình có nhiều dự định lắm, nhất là tự đi du lịch nên sẽ cố gắng làm việc và tích cóp để có thể hiện thực hóa tất cả.

Công việc tuy vất vả nhưng mình tin sẽ sắp xếp ổn thỏa, nhất là tự bản thân sau này có cơ hội trải nghiệm ở những mảnh đất khác nhau".

Nguồn ảnh: Hóng Express

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại