Sáng nay 17/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tiếp tục đăng đàn trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội trước khi chuyển sang phần trả lời của Bộ trưởng Thông tin và truyền thông.
Trong phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội đã đưa ra số liệu cho thấy tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của NHNN và Ủy ban Kinh tế có sự khác biệt và đặt câu hỏi với Thống đốc.
Cụ thể, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng thực chất nợ xấu vẫn còn cao theo nhận định của Uỷ ban Kinh tế, khác so với nhận định dưới 3% của báo cáo NHNN. Vậy con số nợ xấu thật chất là bao nhiêu, đại biểu đặt câu hỏi.
Cũng liên quan tới vấn đề nợ xấu, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt câu hỏi về tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Theo đại biểu Tám, quá trình này chưa diễn ra được như mong muốn. Nợ xấu đã kiểm soát dưới 3% nhưng vẫn còn rất cao. Thống đốc hãy cho biết nguyên nhân của vấn đề trên? Mục tiêu 2020 căn bản xử lý xong nợ xấu và tái cơ cấu tổ chức tín dụng có làm được không?
Làm rõ thắc mắc của đại biểu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết con số nợ xấu NHNN báo cáo là số liệu nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng. Số liệu cập nhật đến cuối tháng 9/2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 2,34% tổng dư nợ, giảm so với mức 2,46% vào cuối 2016.
Tuy nhiên, theo Thống đốc nếu đánh giá đầy đủ và thận trọng, một số khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, nợ xấu nội bảng và nợ đã bán cho VAMC thì nợ xấu và nợ tiềm ẩn của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 9/2017 là 566.000 tỷ, tương đương 8,61%, giảm hơn 1% so với cuối năm 2016.
"NHNN báo cáo là nợ xấu nội bảng còn nếu cả nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ tiềm ẩn thì sẽ cao hơn", Thống đốc cho biết.
Cũng theo Thống đốc, trong quá trình tổng kết việc thực hiện tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, thì còn một số hạn chế.
NHNN đã đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan và giải pháp khắc phục của những hạn chế. Trên cơ sở này, NHNN đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
"Trong thời gian qua, nền kinh tế tuy đã phục hồi nhưng còn khó khăn. Trong khi đó, hoạt động tổ chức tín dụng gắn liền với diễn biến của nền kinh tế. Nền kinh tế có khó khăn thì hoạt động của tổ chức tín dụng cũng khó khăn.
Tổ chức tín dụng vừa cung ứng vốn cho nền kinh tế, đầu tư phát triển, đồng thời tích cực thực hiện nỗ lực tái cơ cấu, xử lý hạn chế. Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đạt kết quả chưa như mong muốn", ông Hưng cho biết.
Cũng theo Thống đốc, một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho quá trình này còn bất cập. Do đó, NHNN đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu tại Kỳ họp thứ 3 và tại Kỳ họp thứ 4 trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
"Đây là giải pháp quan trọng, cơ bản, có tính lâu dài để xử lý triệt để tồn tại, hạn chế, yếu kém trong hoạt động của tổ chức tín dụng", Thống đốc nói.
Ngoài ra, thị trường vốn nước ta có đặc thù là phát triển chưa có bước tiến mạnh, dù đầu năm nay đã phát triển khá hơn. Do đặc thù này nên nguồn vốn của nền kinh tế phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Thị trường vốn chưa phát triển mạnh khiến quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng có một số khó khăn.
Một nguyên nhân nữa là năng lực điều hành, quản trị của một số tổ chức tín dụng còn hạn chế cũng khiến quá trình tái cơ cấu chưa đạt yêu cầu, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.