Chiều 13/7, thông tin từ luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư Hà Nội), cho biết bị cáo Đặng Văn Hiến - người bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án tử hình về tội Giết người đã có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xóa.
Theo đơn trình bày, ngày 12/7, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm để xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Đặng Văn Hiến. Tuy nhiên, HĐXX đã tuyên y án tử hình đối với bị cáo. Do đó, bị cáo đã viết đơn cầu cứu lên Chủ tịch nước và Chánh án TAND Tối cao, VKSND Tối cao mong được cứu xét để giảm án.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.
Theo bị cáo Hiến, từ năm 2008 đến 2016, Công ty Long Sơn bất chấp sự chỉ đạo của Trung ương đến địa phương đã tổ chức nhiều đợt phá rẫy, nhà của người dân gây thiệt hại hàng trăm ha cây trồng.
Ngày 23/10/2016, Nghiêm Xuân Thiên Sửu (Phó giám đốc Công ty Long Sơn) và Phan Công Thiện (Quản lý công ty), đã tổ chức lực lượng khoảng 30 người mang theo hung khí, áo giáp cùng các phương tiện cơ giới vào phá tài sản của gia đình bị cáo.
Trước hành động trái pháp luật của Công ty Long Sơn và nguy cơ cả gia đình phải ra đường sống, bị cáo đã bức xúc dùng súng thể thao chống lại. Vụ việc gây hậu làm 3 người chết, 13 người bị thương.
"Vì hành vi này, tôi bị hai cấp tòa tuyên phạt mức án tử hình vì cho rằng có tính chất côn đồ, không có khả năng cải tạo, giáo dục. Giờ tính lại, tôi thấy hành động của mình là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, đã gây ra sự đau thương cho gia đình các bị hại. Tuy nhiên, trong vụ án này hành vi phạm tội của tôi cũng xuất phát từ lỗi của Công ty Long Sơn", bị cáo Hiến viết.
Bị cáo cũng trình bày, sau phiên tòa xét sử sơ thẩm và tại phiên phúc thẩm, đại diện gia đình các nạn nhân đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho mình. Mặc dù gia đình khó khăn nhưng bị cáo đã tác động gia đình bồi thường thêm cho người thân các bị hại.
Người nhà bị cáo suy sụp sau phiên tòa phúc thẩm.
Bị cáo chia sẻ: "Bản thân tôi là người dân tộc thiểu số, nghèo khó từ Lạng Sơn vào Đắk Nông và phải ở nơi sơn cùng để tìm kế sinh nhai. Lúc thực hiện hành vi phạm tội, tôi đã định kết liễu đời mình nhưng được người dân động viên ra đầu thú để nhận sự khoan hồng của pháp luật.
Chính lúc ra đầu thú, các chiến sĩ Bộ Công an đã rơi nước mắt khi chứng kiến hoàn cảnh của gia đình tôi, các anh đã động viên tôi về chính sách khoan hồng của nhà nước".
Từ những gì đã trình bày, bị cáo Hiến mong muốn các cấp có thẩm quyền sẽ cân nhắc xem xét kỹ hồ sơ vụ án cũng như hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội để quyết định sinh mệnh một tử tù.
"Chỉ còn vỏn vẹn 7 ngày nữa, tôi đang nằm trong ranh giới sự sống và cái chết. Dù còn chút hy vọng mong manh trong thời khắc này, tôi vẫn mong các cấp thấu hiểu được bản chất sự việc vì tôi cũng là nạn nhân.
Tôi xin hứa, nếu được một lần tái sinh trong đời tôi sẽ cải tạo tốt để trờ thành một công dân tốt, để con thơ không mất bố, vợ không mất chồng và có điều kiện báo đáp đặc ân của Nhà nước" – những chia sẻ đầy nước mắt của bị cáo trong đơn.