Thu nhặt hơn 3,2 tấn đầu đạn
Tính đến ngày 4/1, lực lượng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh, Lữ đoàn 229 - Bộ Tư lệnh Công binh và các đơn vị chức năng đã thu lượm được 3,2 tấn đầu đạn.
Hiện, các lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức thu lượm các mảnh kim loại và tập trung tuyên truyền người dân không được tự ý thu lượm các mảnh kim loại để đảm bảo an toàn.
Hai ngày nay, trường Mầm non Văn Môn gần hiện trường vụ nổ tạm ngừng đón học sinh để dọn dẹp, khắc phục cơ sở vật chất bị hư hại sau vụ nổ. Một số nhà dân bị thiệt hại sau vụ nổ đã dựng lại mái, gột rửa đất cát, đồ đạc trong nhà.
Ngày 4/1, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã thăm viếng và hỗ trợ 5 triệu đồng đối với mỗi gia đình có người tử vong trong vụ nổ; hỗ trợ mỗi người bị thương 2 triệu đồng.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh đã thăm viếng và hỗ trợ 3 triệu đồng đối với mỗi gia đình có người tử vong; hỗ trợ mỗi người bị thương 1 triệu đồng.
Trung tâm Xử lý bom mìn - Bộ Tư lệnh Công binh thăm viếng và hỗ trợ 10 triệu đồng đối với mỗi gia đình có người tử vong; hỗ trợ mỗi người bị thương 3 triệu đồng.
Những hộ không có nhà ở, trước mắt, huyện và xã tổ chức thuê nhà cho các hộ ở trong thời gian sửa chữa nhà bị hư hại.
Tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ phải có hội đồng
Theo lời khai của ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1964 ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong), chủ vựa phế liệu phát nổ, khoảng tháng 12/2016, ông có thu mua của một cán bộ tại Trung tâm Xử lý bom mìn thuộc Bộ Tư lệnh Công binh (Bộ Quốc phòng) khoảng 7 tấn đầu đạn cũ loại 12 ly 7 và 14 ly 5 về để tháo dỡ phế liệu; số đầu đạn trên được tập kết tại khu vực sân vườn nhà ông Tiến và xảy ra vụ nổ.
Lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, đang phối hợp điều tra làm rõ nguồn gốc số vật liệu gây ra vụ nổ kinh hoàng trên.
Trao đổi với Báo Giao thông, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, quy trình về xử lý, tiêu hủy vũ khí hay vật liệu nổ đều đã được quy định chi tiết trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Theo đó, về trình tự, thủ tục tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, sau khi có quyết định tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, cơ quan quân sự, cơ quan công an cấp huyện, đơn vị quân đội cấp trung đoàn trở lên phải thành lập hội đồng tiêu hủy và xây dựng phương án tiêu hủy.
Thành phần hội đồng tiêu hủy bao gồm: Đại diện cơ quan tiêu hủy là chủ tịch hội đồng; đại diện cơ quan kỹ thuật chuyên ngành và cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về môi trường cấp huyện, UBND cấp xã nơi có địa điểm tiêu hủy là thành viên hội đồng.
Phương án tiêu hủy phải bảo đảm an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường;
Sau khi tiêu hủy, phải tiến hành kiểm tra tại hiện trường, bảo đảm tất cả vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiêu hủy đã bị làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng.
Kết quả tiêu hủy phải được lập thành biên bản, có xác nhận của chủ tịch và các thành viên hội đồng.
Trong vụ nổ xảy ra ở Bắc Ninh, Thượng tướng Võ Trọng Việt cho rằng, lời khai của người chủ thu mua phế liệu về việc mua số đầu đạn phát nổ của một cán bộ thuộc Trung tâm Xử lý bom mìn thuộc Bộ Tư lệnh Công binh mới chỉ là lời khai ban đầu nên chưa thể kết luận gì.
Mọi việc phải chờ cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ, nếu lời khai đó là đúng mới xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan.
Chính quyền không thể vô can
Trong khi đó, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Việt Trường khẳng định, qua những vụ việc trước đây và vụ Bắc Ninh mới đây nhất đã cho thấy đang có lỗ hổng lớn về công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ.
Ông Trường cho rằng, nguyên nhân vẫn có những sự việc đáng tiếc như vậy là do chúng ta còn nhập nhằng giữa phế liệu và vũ khí, vật liệu nổ.
Theo ông Trường, cần sớm điều tra số lượng vật liệu nổ là bao nhiêu, gồm những loại gì, còn những loại nào tiềm ẩn nguy cơ.
“Theo báo chí, số liệu đầu đạn phát nổ là vài tấn chứ không ít, nên nhất thiết phải truy xuất nguồn gốc số đầu đạn này từ đâu ra.
Không loại trừ trường hợp nó được tuồn ra từ một cơ sở nào đó đang quản lý những loại vũ khí, vật liệu nổ hết hạn sử dụng và đang chờ xử lý”, ông Trường nhận định và cho rằng, chính quyền địa phương không thể “vô can” trong vụ việc này.
Bởi, việc cấp phép cho người dân kinh doanh cơ sở phế liệu ở giữa khu dân cư đông đúc cũng là một lỗ hổng. Hơn nữa, số đầu đạn, số vật liệu nổ đã tồn tại ở đây rất lâu, với số lượng lớn mà chính quyền không biết là thiếu trách nhiệm.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó tư lệnh Quân khu 2 cũng nhận định, nếu là phế liệu đồng nát thì không thể nổ được, hậu quả vụ nổ lớn như thế chỉ có thể là vũ khí, vật liệu nổ chưa qua xử lý.
“Hiện nay, trong quân đội có rất nhiều vũ khí gọi là vũ khí cấp 5, gồm các loại không còn sử dụng được trong huấn luyện, chiến đấu nên được thải loại rồi đem đi tiêu hủy. Những vũ khí này vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát nổ.
Vì thế, nếu việc quản lý các loại vũ khí cấp 5 này không chặt chẽ, để những người trong cơ quan quản lý có hành vi tiêu cực mang ra ngoài bán cho các cơ sở phế liệu là vô cùng nguy hiểm”,
Tướng Sùng Thìn Cò cảnh báo và cho biết, những loại này phải do quân đội quản lý, phân loại và tiêu hủy, quy trình làm cũng rất nghiêm ngặt.
“Thông thường, lực lượng quân đội có bãi tiêu hủy riêng, sau đó đào hố sâu, chôn các vật liệu này xuống rồi kích nổ, hoặc cho hóa chất để các vật liệu nổ này hỏng mới tiến hành xử lý.
Nếu có bất kỳ sai phạm nào trong việc này, chắc chắn Bộ Quốc phòng sẽ có hình thức xử lý nghiêm”, Tướng Sùng Thìn Cò cho hay.
Một số cá nhân Trung tâm xử lý Bom mìn có liên quan Sau khi sự cố nổ kho phế liệu tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) xảy ra, Bộ Tư lệnh Công binh đã thành lập đoàn công tác gồm các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ Tư lệnh đến hiện trường kiểm tra và làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh để xác định nguyên nhân ban đầu của vụ nổ. Qua khảo sát, bước đầu đoàn công tác nhận định: Vụ nổ do tập trung số lượng lớn các loại đạn 23mm, 14,5mm, 12,7mm (trong đó chủ yếu là đạn 12,7mm), có thể lẫn đạn phốt pho gây cháy, kích nổ toàn bộ khối đạn. Theo thông tin ban đầu, vụ nổ trên là do vật liệu nổ thu gom sau rà phá và xử lý đạn, có liên quan đến một số cá nhân thuộc Trung tâm Xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh. Hiện nay, các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng đang tích cực điều tra, xác minh để xử lý nghiêm vụ việc trên. |