Nỗ lực cô lập Nga tại Liên hợp quốc giảm dần sau 6 tháng xung đột ở Ukraine

Thùy Dương |

Các nhà ngoại giao phương Tây phải đối mặt khó khăn khi tìm cách duy trì quyết tâm quốc tế nhằm cô lập Nga về mặt ngoại giao.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp về vấn đề duy trì hòa bình và an ninh ở Ukraine tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 29/7. Ảnh: Reuters

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp về vấn đề duy trì hòa bình và an ninh ở Ukraine tại trụ sở Liên hợp quốc ngày 29/7. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters ngày 17/8, vào một tối tháng 6, tại địa điểm của phái bộ Nga tại Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), hàng chục đại sứ Liên hợp quốc từ châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Á đã tham dự tiệc chiêu đãi để kỷ niệm ngày quốc khánh Nga, chưa đầy 4 tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Đại sứ Liên hợp quốc Nga Vassily Nebenzia nói với đại diện các nước tham dự tiệc chiêu đãi: “Chúng tôi cảm ơn tất cả các bạn vì đã ủng hộ và có quan điểm phản đối cuộc chiến chống Nga”. Trước đó, ông đã cáo buộc các quốc gia mà ông không nêu tên là đang cố gắng tẩy chay Nga và nền văn hóa của nước này.

Đám đông các đại sứ tham dự tiệc chiêu đãi đã cho thấy những khó khăn mà các nhà ngoại giao phương Tây phải đối mặt khi tìm cách duy trì quyết tâm quốc tế nhằm cô lập Nga về mặt ngoại giao.

Các nhà ngoại giao phương Tây thừa nhận rằng ngoài các cuộc họp ra thì họ bị hạn chế và không biết làm cách nào khác để nhằm vào Nga. Ông Richard Gowan, Giám đốc Tổ chức Ngăn ngừa Khủng hoảng Quốc tế cho biết: “Khi xung đột ở Ukraine kéo dài, tìm ra những cách hiệu quả để trừng phạt Nga càng trở nên khó khăn hơn”.

Trong một số trường hợp, các nước phương Tây đang né tránh thực hiện một số động thái cụ thể, lo sợ không thu hút được các nước ủng hộ. Tỷ lệ phiếu trắng gia tăng trong một số cuộc bỏ phiếu cho thấy ngày càng có nhiều người không muốn công khai chống Nga.

Theo các nhà ngoại giao, Liên minh châu Âu (EU) đã cân nhắc một kế hoạch vào tháng 6 để bổ nhiệm một chuyên gia của Liên hợp quốc nhằm điều tra các vi phạm nhân quyền ở Nga, nhưng EU đã gác lại ý tưởng này vì lo ngại gần một nửa Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên của Liên hợp quốc ở Geneva có thể phản đối.

Ông Olaf Wientzek, Giám đốc văn phòng tại Geneva của Tổ chức Konrad Adenauer (Đức), cho biết: “Các quốc gia đang đặt câu hỏi: Liệu có thực sự khôn ngoan khi nằm trong số những quốc gia phản đối Nga?”.

Phái đoàn của Nga tại Liên hợp quốc ở Geneva cho biết các nước phương Tây biết quá rõ rằng không thể cô lập Nga vì Nga là một cường quốc toàn cầu.

Tại cuộc bỏ phiếu kín ở Geneva để chọn quốc phục đẹp nhất tại một buổi chiêu đãi vào tháng 6, một nhà ngoại giao Nga đã chiến thắng và bà đã được tặng một hộp sôcôla. Phái đoàn Ukraine đã bỏ ra ngoài.

Với tư cách là nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên, Nga có thể tự bảo vệ mình khỏi các động thái quan trọng như các biện pháp trừng phạt, nhưng họ cũng đã vận động để giảm bớt tỷ lệ ủng hộ đối với các động thái ngoại giao của phương Tây ở những nơi khác.

Trước cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên vào tháng 4 nhằm đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền, Nga đã cảnh báo các nước rằng bỏ phiếu đồng ý hoặc bỏ phiếu trắng sẽ bị coi là không thân thiện và sẽ có hậu quả đối với quan hệ song phương với Nga.

Cuộc bỏ phiếu nói trên do Mỹ dẫn đầu đã thu được 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng.

Trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hồi tháng 7, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết 17 quốc gia châu Phi đã bỏ phiếu trắng và cho rằng Mỹ phải chú ý đến điều này.

Trong vòng một tuần sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine ngày 24/2, gần 3/4 Đại hội đồng đã bỏ phiếu khiển trách Nga và yêu cầu nước này rút quân. Ba tuần sau, Đại hội đồng lại tiếp tục chỉ trích Nga đã tạo ra tình huống nhân đạo nghiêm trọng.

Một quan chức ngoại giao cấp cao châu Á nói rằng tinh thần ủng hộ hành động cô lập Nga sẽ suy yếu, vì các nghị quyết hồi tháng 3 đã ở mức cao và không ai muốn hành động thêm trừ khi Nga vượt qua lằn ranh đỏ.

Một số nhà ngoại giao cho rằng những lằn ranh đỏ như vậy có thể là tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc hóa học, dân thường thiệt mạng hàng loạt hoặc sáp nhập lãnh thổ Ukraine.

Các nước phương Tây đã thành công khi tập trung vào các cuộc bầu cử tại các cơ quan Liên hợp quốc. Lần đầu tiên kể từ khi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF được thành lập vào năm 1946, Nga đã không được bầu lại vào hội đồng quản trị vào tháng 4 và không giữ được ghế tại các cơ quan khác.

Nhưng tại Tổ chức Y tế Thế giới vào tháng 5, khoảng 30 nước mà có một nửa nằm ở châu Phi đã không tham gia bỏ phiếu về nghị quyết liên quan Ukraine.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của châu Phi nói: “Điều khó hiểu nhất đối với chúng tôi là người ta đang kéo dài vô thời hạn một cuộc xung đột như thế này”.

Ukraine đã kêu gọi trục xuất Nga khỏi Liên hợp quốc. Nhưng việc thực hiện động thái chưa từng có này cần phải có khuyến nghị của Hội đồng Bảo an và điều này có thể bị Nga ngăn chặn, sau đó cần có một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại