Nợ công hơn 3 triệu tỷ đồng, Bộ trưởng Tài chính khẳng định: "Vẫn trong giới hạn cho phép"

PV |

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận nợ công tăng cao và áp lực trả nợ đang rất lớn, nhưng ông khẳng định nợ công đang được kiểm soát chặt chẽ.

Trả lời tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 16/11 về các nội dung liên quan đến giải pháp tăng cường quản lý nợ công, công tác quản lý thuế, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận trong bối cảnh nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn, cần có lộ trình giảm bội chi, đảm bảo an toàn nợ công.

Bộ Tài chính đã tổng kết đánh giá, báo cáo các cấp có thẩm quyền, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07 về tái cơ cấu ngân sách Nhà nước và đảm bảo an toàn nợ công bền vững.

"Chúng tôi đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 về Kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016 – 2020, đã giới hạn chỉ tiêu an toàn nợ công, theo đó trần nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 54%", ông Dũng cho hay.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ xác định rõ mức bội chi ngân sách và lộ trình cắt giảm bội chi. Theo kế hoạch đã báo cáo thì năm nay bội chi là 3,5%, năm 2018 là 3,7%, năm 2019 sẽ xuống 3,6% và xuống còn 3,4% vào năm 2020.

Theo ông Dũng, kiểm soát bội chi là cực kỳ quan trọng để kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công và kiểm soát trần nợ công, trong đó giải pháp quan trọng là siết chặt bảo lãnh Chính phủ. Từ năm ngoái, cơ bản Chính phủ không bảo lãnh thêm dự án nào nữa, đặc biệt là các dự án của doanh nghiệp.

Nhiều giải pháp về quản lý nợ công được Bộ Tài Chính quyết liệt triển khai, như tiếp tục hoàn thiện thể chế, sẽ thông qua luật Quản lý nợ công sửa đổi; trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý nợ công; tăng cường sự phối hợp của các ngành trong quản lý ODA; chỉ đầu tư công chỉ tập trung cho các dự án quan trọng, có tác động lan tỏa...

Ông khẳng định, các giải pháp đang dần kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công, nếu giai đoạn 2011- 2015 tăng 18%, 2016 tăng 15%, thì đến 2017 chỉ tăng 9%.

"Chúng ta đang từng bước kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ công vẫn đang trong giới hạn cho phép", Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Trước đó, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) dù đánh giá cao nỗ lực của ngành Tài chính trong thời gian vừa qua, nhưng ông lo ngại nợ gốc và lãi vay phải trả tăng rất nhanh.

Theo báo cáo về nợ công của Chính phủ, nợ công năm 2016 được tính toán ở mức trên 2,8 triệu tỷ đồng (bằng 63,6% GDP) và dự kiến cuối năm 2017, con số nợ công khoảng 3,13 triệu tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại