"Nó bê đê thì sao? Nó bê đê mà nuôi được mẹ nó!"

SKYE |

Với những người LGBT+, không có gì hạnh phúc bằng một cái Tết được gia đình mở lòng, chấp nhận nửa kia của mình. Có những niềm vui như nắng mới, để chúng ta nhận ra rằng ngày Tết đâu chỉ phảng phất nỗi buồn khi nghe thấy câu hỏi: “Bao giờ lấy vợ hả con?”

Tìm những câu chuyện vui đầu năm để chia sẻ về những người LGBT+ không phải câu chuyện đơn giản. Nhiều người yêu Tết vì ở đó có gia đình, nhưng cũng sợ Tết vì nỗi buồn thoáng qua của mẹ khi nhìn sang hàng xóm có con nhỏ đề huề, khi thấy năm nay con nhà cô này, chú kia giới thiệu vợ/chồng sắp cưới. Những tâm sự nghèn nghẹn, nỗi buồn phảng phất lấp đầy dòng chia sẻ. Có người sợ Tết vì phải đối mặt với gia đình.

Nhưng đâu đó cũng có niềm vui bừng lên trong nắng xuân, khi ngày Tết thực sự được mở lòng - được gia đình đón nhận.

"Ủa nó bê đê đúng không, hèn chi không lấy vợ?" 

"Nó bê đê thì sao, nó bê đê mà nó nuôi được mẹ nó, cho mẹ nó tiền ăn Tết chứ đâu như con mấy người có cho được mấy người đồng nào không, có con bê đê như thế tui càng vui, khỏi đẻ con đẻ cái gì tui già rồi đỡ nuôi đỡ khổ". - Mẹ của một cậu con trai đồng tính đã đáp lời hàng xóm như vậy.

Và đây là câu chuyện của họ

Mất hơn 4 năm để nhận sự tin tưởng của gia đình

Một người miền Tây, một người từ Đông Nam Bộ nhưng đã học tập ở Sài Gòn cả chục năm, Hồng Phúc và Toàn cũng đã ở bên nhau 7 năm.

Phúc nhớ lại năm ngoái, khi về nhà bạn trai ăn Tết và gặp mẹ Toàn. Những mùa Tết đầu tiên quen nhau đầy ắp nỗi lo lắng, dè dặt không biết rồi bố mẹ sẽ phản ứng ra sao nếu dẫn nửa kia về ăn Tết.

Nó bê đê thì sao? Nó bê đê mà nuôi được mẹ nó! - Ảnh 1.
Nó bê đê thì sao? Nó bê đê mà nuôi được mẹ nó! - Ảnh 2.

Câu chuyện của Hồng Phúc và Đức Toàn không phải điển hình trong những tâm tư man mác ngày Tết của người LGBT, nó như chút nắng bừng lên sau ngày sương mờ.

Phúc kể: "Bọn mình mới chỉ come out với bên gia đình của bạn Phúc, còn gia đình mình thì chưa chính thức (mặc dù ở nhà thì cũng mặc định là hai đứa cứ "dính" với nhau suốt mấy năm nay rồi). 

Mấy năm gần đây thì mỗi lần hai đứa về nhà mình thì mẹ của mình lại lôi hai đứa ra hỏi chừng nào lấy vợ, rồi con cái sau này tính như nào. Thường thì mình cũng chỉ ngồi nghe thôi chứ ít khi phản biện lại, vì cũng biết là mẹ đang lo lắng sau này khi mấy đứa mình về già mà lại không có con cái để dựa vào.

Lý do mình chưa come out với nhà mình chủ yếu là do mình cũng không có ý định nói thẳng ra. Hai đứa cũng thường xuyên cùng nhau về nhà và việc gì trong nhà bạn ấy cũng làm cùng, đến mức mẹ mình không coi bạn ấy là khách, mà coi như con trong nhà. 

Nếu mình về một mình mà không có bạn ấy là cả mẹ, cả anh chị lẫn các cháu sẽ hỏi "Ủa Toàn đâu? sao không về chung?" Nhiều lúc mình không biết mình hay bạn mới là con của mẹ nữa.

Nó bê đê thì sao? Nó bê đê mà nuôi được mẹ nó! - Ảnh 3.

Toàn (trái) và Phúc hạnh phúc vì nhận được sự đồng thuận của gia đình.

Lúc đầu mọi người cũng nghi hoặc, nhưng dần dần hai đứa chứng minh được việc hai đứa ở bên nhau không phải là sự kiện đặc biệt, thậm chí việc bạn kia xuất hiện trong gia đình mình, lại giúp đỡ gia đình trong nhiều việc hơn, nên mọi người đều có sự tôn trọng cho hai đứa, và như là một sự thật ngầm hiểu dù không nói ra. Nhưng tất nhiên là phải mất cả 4-5 năm thì hai đứa mới có được sự tin tưởng này".

Nó bê đê thì sao? Nó bê đê mà nuôi được mẹ nó! - Ảnh 4.

Cả 2 thường xuyên cùng nhau đi du lịch

Rồi những nỗi sợ hãi, lo lắng cũng dần qua đi khi Tết là dịp để đoàn viên sum họp, để nhận ra rằng gia đình vẫn luôn yêu thương mình. Những ngày Tết giờ vẹn tròn hơn khi Hồng Phúc có thể thoải mái về nhà bạn trai mình, bởi mẹ của Toàn đã coi cậu như một thành viên trong gia đình.

Phúc chia sẻ: "Bây giờ cứ tới Tết là mẹ Toàn sẽ hỏi "chừng nào Phúc nó về nhà mình cùng ăn Tết?", thậm chí còn coi mình như là con trong nhà để "sai việc" vào ngày Tết nữa cơ. Mỗi lần Tết về là mẹ Toàn chủ động mời mình về ăn Tết chung, rồi nếu mà có ai lắm chuyện hỏi kháy kiểu chừng nào nó lấy vợ là mẹ bạn ấy đáp lại liền. 

Nếu có họ hàng hay hàng xóm hỏi chuyện khi nào Toàn lập gia đình thì mẹ Toàn sẽ trả lời hộ mình luôn: "Lấy vợ làm gì, cứ để hai đứa nó ở vậy rồi nuôi tui thôi. Con cái nheo nhóc chi cho khổ vậy!".

Nó bê đê thì sao? Nó bê đê mà nuôi được mẹ nó! - Ảnh 5.

Tình cảm của cặp đôi cuối cùng đã được gia đình mở lòng.

Phúc hiểu rằng những người hàng xóm cũng không đi theo cuộc đời mình mãi được và ngày Tết rồi cũng qua đi, điều quan trọng là có được sự tin tưởng và ủng hộ của gia đình. Cái Tết của Phúc dường như đã không còn là một gánh nặng hay nỗi bực dọc với những câu hỏi từ cha mẹ. Vẫn còn đó đôi lời tâm sự hỏi han từ cha mẹ mỗi dịp Tết, nhưng cậu chọn im lặng để những khoảng thời gian ít ỏi bên gia đình được trọn vẹn hơn.

"Với những lời hỏi han trong dịp Tết, đôi khi mình chọn cách im lặng. Dịp Tết thì mình cũng thường dành thời gian cho gia đình vì chỉ có lúc đó mới được ở cạnh mẹ lâu nhất. Vì mẹ mình là người gốc Bắc nên Tết cũng đùm đề, chuẩn bị nhiều thứ, thời gian nói chuyện cũng không nhiều, nên mấy lúc mẹ có nói đến việc lập gia đình hay con cái sau này thì mình cũng chỉ cười cười cho qua, hoặc nói kiểu "giờ tiền còn đang lo kiếm, cưới vợ đẻ con chi ai nuôi hộ mình", rồi mẹ thấy vậy cũng cho qua.

Còn từ phía nhà Toàn thì mẹ bạn ấy ban đầu khi come out cũng khó chấp nhận. Nhưng dần dần hai đứa chứng minh bằng việc tự chủ tài chính, sống tự lập hơn và dùng một phần tiền để gửi về chăm sóc cho mẹ. Cuộc sống giờ cũng thoải mái hơn và không còn vất vả nữa; vì vậy nên trong khoảng 2 năm gần đây mẹ có quý mình hơn và thậm chí còn nói là tự nhiên có hai đứa con trai ở trong nhà mình".

Để Tết thực sự bình an, hạnh phúc

"Tết bọn mình cũng nhớ nhau nhiều lắm, nhưng biết rằng hết Tết sẽ lại được gặp nhau thôi, rồi sẽ có lúc bọn mình về Tết thường xuyên hơn", Phúc chia sẻ. Ngày Tết cũng cận kề, người miền Đông người miền Tây, cậu và người yêu lại tất bật ngược xuôi đi thăm non hai nhà trước khi mỗi người trở về với gia đình. 

Quê Toàn ở Gò Công, Tiền Giang còn Phúc người Đồng Nai; có năm Tết đến, Toàn đèo Phúc về đến Đồng Nai rồi mới chạy xe tít tắp về Gò Công. Đã không còn sự chia tách "gia đình Phúc" hay "gia đình Toàn" khi hai cậu đã coi nửa kia là một phần gia đình.

"Có khi xa nhau đến cả nửa tháng trời trong Tết, nhưng vẫn gọi cho nhau đều ấy mà. Mỗi lúc gọi điện như vậy, bọn mình lại chào cả nhà, như người con ở xa không về ăn Tết được".

Không phải ai cũng có được những cái Tết trọn vẹn được gia đình chấp nhận khi xung quanh vẫn đầy những lời đàm tiếu, kỳ thị. Đó không phải một con đường bằng phẳng, một phép màu để khoảnh khắc giao thừa qua đi, người ta bỗng mở lòng với bạn.

"Để có được sự chấp nhận của gia đình, mình luôn nghĩ hai điều quan trọng nhất chính là sự kiên nhẫn và yếu tố thời điểm. Kiên nhẫn là để đạp lên những nghi hoặc, những dò xét tò mò và thậm chí là tự mình sẽ chọn phương án im lặng để tránh đi những mâu thuẫn không cần thiết, vì sự thật là dù người ta có chấp nhận thì đôi khi cũng vẫn chỉ là miễn cưỡng. 

Mình dù ở nhà mình hay ở nhà bạn kia thì vẫn chọn lựa phương án kín đáo. Dù sao Tết cũng là thời điểm cả gia đình dành cho nhau nên sự ồn ào tranh cãi chỉ làm mọi người mất vui.

Nó bê đê thì sao? Nó bê đê mà nuôi được mẹ nó! - Ảnh 6.

Những cái nắm tay đã tự nhiên hơn

Thời điểm come out đối với mình là khi hai đứa đã đủ chín chắn, đủ tự lập và có khả năng tài chính, tự lo được cho cuộc sống của mình; lúc đó thì câu chuyện ngày Tết nó sẽ xoay quanh cơm - áo - gạo - tiền nhiều hơn chuyện vợ chồng con cái.

Thời gian với gia đình mỗi dịp Tết không nhiều, mình chỉ mong sao cả gia đình sẽ vui vẻ bên nhau; mình không cần gì nhiều hay sự công nhận của ai cả, chỉ cần ba mẹ vui thì đó đã là một ngày Tết hạnh phúc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại