Ninh Bình: "Nông dân sáng sớm mở mắt ra đã có 400 nghìn đồng"

Bảo Bình |

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh nêu ví dụ lời kể của một nông dân trên sóng truyền hình để miêu tả về những thành công bước đầu từ việc xây dựng nông thôn mới.

"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ"

Sáng 16/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. 

Chia sẻ những câu chuyện về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương mình, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh cho biết, tỉnh đã quán triệt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ".

Ninh Bình: Nông dân sáng sớm mở mắt ra đã có 400 nghìn đồng - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo đó, từ việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất, dồn điền đổi thửa, xây dựng hạ tầng, chính sách an sinh xã hội, huy động đóng góp… đều được công khai. 

Bên cạnh 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới được đề ra, Ninh Bình quy định thêm tiêu chí số 20 về "Ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân" để xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Theo đó, chỉ khi nhận được từ 90% số phiếu nhất trí đồng tình trở lên của người dân thì địa phương mới được xem là đủ điều kiện để xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Kết quả, hơn 7 năm qua, Ninh Bình đã huy động được gần 33.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nguồn huy động từ sự đóng góp của người dân là trên 8.100 tỷ đồng. 

Người dân cũng hiến hơn 1.000ha đất để dồn điền đổi thửa, xây dựng giao thông nông thôn, huy động trên 1 vạn ngày công.

Nói về những thành tựu từ việc xây dựng nông thôn mới, bà Nguyễn Thị Thanh đã nêu một ví dụ sinh động.

Đó là trường hợp người nông dân ở xã Khánh Thành huyện Yên Khánh khi trả lời trên truyền hình, đã nói một cách mộc mạc rằng ông mở mắt ra đã có 400 nghìn đồng. 

"Đó là thực tiễn, có được như vậy là nhờ gì, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, trong chuyển đổi tái cơ cấu nông nghiệp", báo Dân việt ghi nhận phát biểu của bà Nguyễn Thị Thanh tại Hội nghị.

Trước đó, khi bắt đầu bước vào xây dựng nông thôn mới, Ninh Bình là địa phương có xuất phát điểm thấp, bình quân chỉ đạt 5 tiêu chí/xã, có xã mới đạt 1 -2 tiêu chí; cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn lực có hạn, một bộ phận người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Có hội quán có tới 5 Đại tá về hưu

Cũng tại Hội nghị Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ về 2 mô hình tự quản của người dân đã được xây dựng tại địa phương.

Trong đó, Bí thư Đồng Tháp bày tỏ sự tâm huyết đặc biệt trong việc gây dựng mô hình hội quán.

Ông Hoan chia sẻ, qua nhiều cuộc đối thoại với nông dân, ông vẫn băn khoăn với câu hỏi, nông dân Việt Nam thông minh, cần cù, điều kiện tự nhiên ưu đãi mà sao vẫn không thành công, đa phần người dân vẫn sống nghèo, sống khổ bên cạnh ruộng đất màu mỡ. 

Đi tìm câu trả lời, ông lý giải lại với người nông dân tại địa phương, lý do là do nông dân Việt Nam chưa có tinh thần hợp tác, hoạt động sản xuất mới chỉ mamh mún, nhỏ lẻ kiểu "đèn nhà ai nhà nấy rạng".

"Mọi sự hỗ trợ của chính quyền đều vô nghĩa nếu người dân không thay đổi. Điều đó có nghĩa cần thay đổi từ chính quyền quản lý thành quản trị xã hội.

Người dân phải tự vận động cùng với chính quyền chứ không phải cầm đồng tiền được đưa cho mãi, sẽ nảy sinh sự chây ỳ, sự đổ thừa…", Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan.

Từ đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đặt vấn đề, cần tổ chức không gian để người dân kết nối, ban đầu đơn thuần chỉ là ngồi uống nước chè với nhau chia sẻ những chuyện gia đình, cuộc sống.

"Khi tôi mới đưa ra ý tưởng đó cũng nhiều người can gián, bảo sẽ không ai muốn "vác tù và hàng tổng" đâu nhưng tôi kiên nhẫn động viên. Chỉ là một mái hiên nhà với bộ bàn ghế đơn sơ kê ra cho bà con ngồi với nhau thôi mà. 

Từ mô hình sơ khai đó, hội quán ngoài việc là góc uống nước chè, người dân đã tiếp xúc, kết nối với nhau và liên kết với doanh nghiệp để phục vụ việc tiêu thụ nông sản. Họ vui vẻ và tự nguyện, sẵn sàng sinh hoạt dưới tán xoài cũng được, không cần trụ trở nguy nga, không nề hà thuốc nước…" báo Dân trí ghi lời kể của Bí thư Lê Minh Hoan.

Đến giờ, tại Đồng Tháp, người nuôi cá vào hội quán nuôi cá, người trồng xoài thì vào hội quán trồng xoài, người làm khô, làm mắm… cũng vậy. 

Thực tế, không hiếm những cuộc sinh hoạt tới 12h đêm để hướng dẫn kỹ thuật chăm xoài, trồng quýt. Có hội quán có tới 5 Đại tá về hưu, có người còn xung phong đứng lên làm Chủ nhiệm.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại