3 trong số 8 nhà đầu tư là Daiwa PI Partners, SoftBank Ventures Korea và Beenos, đều đang cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại Nhật Bản. Các công ty đầu tư từ Hong Kong và những khu vực khác ở châu Á cũng tham gia đợt đầu tư được cho là lớn nhất cho một start-up Việt Nam này. Các khoản đầu tư cụ thể của từng bên không được công khai.
Sendo, ra mắt năm 2012, là nền tảng trực tuyến dành cho cá nhân và doanh nghiệp nhỏ bán sản phẩm của họ, tương tự như Mercari tại Nhật Bản. Đây là một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, với hơn 10 triệu sản phẩm đến từ khoảng 300.000 người bán.
Tổng giá trị giao dịch trong ba năm tính đến năm 2017 tăng gần 20 lần. Sendo sẽ sử dụng số vốn nhận được để mở rộng các dịch vụ, hướng đến mục tiêu tổng giá trị giao dịch đạt 1 tỷ USD vào năm 2020.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hàng năm 30%. Amazon dường như cũng muốn mở rộng sang thị trường này.
Nhóm nhà đầu tư muốn phối hợp phát triển cùng Sendo. SBI đang đầu tư vào các công ty tài chính công nghệ (fintech) ở châu Á, nghiên cứu quan hệ đối tác cho các hoạt động tài chính và thanh toán. Beenos sẽ cung cấp hiểu biết về thương mại điện tử họ có, tìm cách liên kết với các dịch vụ của chính họ. Các bên kỳ vọng sẽ thu hồi khoản đầu tư thông qua một số lựa chọn như IPO.
Sendo từng nhận khoản đầu tư gần 2 tỷ yen (18 triệu USD) từ ba công ty Nhật Bản, trong đó có SBI, năm 2014. Tăng trưởng ổn định từ đó đến nay đã thúc đẩy các nhà đầu tư khác như Daiwa và một nhánh của SoftBank Group tham gia đầu tư.