Dẫn lý do không có khả năng trả nợ và thiếu tài sản trang trải cho số nợ ấy, Ngân hàng Huishang - một trong các chủ nợ - yêu cầu tái cơ cấu bằng cách tiến hành phá sản Tsinghua Unigroup. Tsinghua Unigroup cũng là công ty mẹ của Unisoc, nhà thiết kế chip điện thoại di động lớn nhất Trung Quốc. Đơn kiện nộp lên Tòa án Nhân dân trung gian thứ nhất của thành phố Bắc Kinh.
Tsinghua Unigroup từng được xem là niềm hy vọng lớn nhất của Trung Quốc trong nỗ lực tự cường bán dẫn giữa căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung. Trong nhiều năm, chính phủ đầu tư số tiền khổng lồ vào tập đoàn cùng các nhà sản xuất chip khác như SMIC. Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2019, Tsinghua Unigroup được chính phủ tài trợ nhiều nhất trong số 21 nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu.
Năm 2015, Tsinghua Unigroup đề nghị mua lại công ty memory chip Micron Technology của Mỹ với giá 23 tỷ USD nhưng không thành công. Cũng trong năm này, Chủ tịch Unigroup Zhao Weiguo được cho là muốn mua lại cổ phần trong TSMC, công ty gia công chip số 1 thế giới, nhưng bị nhà sáng lập TSMC Morris Chang từ chối.
Dù vậy, tháng 11/2020, gã khổng lồ gây khiến các nhà đầu tư sốc khi vỡ nợ trái phiếu trị giá 1,3 tỷ NDT và từ đó vỡ nợ thêm nhiều lần nữa. Theo nguồn tin nội bộ, bộ phận chip của tập đoàn không đạt được doanh thu như dự kiến. Phần lớn số tiền đầu tư được chuyển sang các bộ phận không liên quan và không có lãi như bất động sản, cờ bạc trực tuyến và một nhà sản xuất điện thoại Ấn Độ.
Unisoc dường như là điểm sáng duy nhất của Unigroup. Theo hãng nghiên cứu CINNO, Unisoc là “hắc mã mạnh nhất thị trường” chip di động Trung Quốc. Nikkei đưa tin Tsinghua Unigroup có thể tìm cách bán cổ phần trong Unisoc để huy động tiền mặt.
(Theo SCMP)