NI: Mỹ không thể cô lập Nga vì ông Putin quá khéo

Phạm Khánh |

Hôm 29/6, tờ The National Interest (NI) của Mỹ cho rằng, sau 2 năm lôi kéo phương Tây cô lập Nga, Mỹ vẫn về “tay trắng” bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin quá khôn khéo. Điều đó thể hiện rất rõ qua Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF).

Năm 2014, khi Nhà Trắng bắt đầu gây áp lực, ngăn cản lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn của Mỹ tham dự SPIEF, sự hiu quạnh tại diễn đàn này năm đó đã khiến thế giới nhận thấy Moscow bị cô lập.

Tuy nhiên, tại SPIEF năm nay, chính sách đó đã không còn hiệu quả bởi các doanh nghiệp Mỹ rất nhiệt tình tham dự.

Ngoài ra, kể từ năm 2012, các công ty trên toàn cầu (kể cả châu Âu) đã rất hăng hái tận dụng cơ hội Nga đang bị Mỹ “xa lánh”.

Điều đó có nghĩa là, trong 2 năm qua, các công ty Mỹ giả vờ cô lập Nga, còn các công ty châu Âu tìm cách tăng cường hợp tác với Nga.

Hai năm sau, Crimea vẫn là một phần của Nga, nền kinh tế Nga khó khăn nhưng vẫn hoạt động tốt ngoài “kỳ vọng” của phương Tây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn tiếp tục đón tiếp nhiều vị khách nước ngoài, thậm chí một số người Mỹ, tới thăm Moscow.

SPIEF vừa qua còn có sự tham gia của nhiều chính trị gia cấp cao khác như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Italy Matteo Renzi, và cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Hàng chục nhà lãnh đạo của các công ty Mỹ và châu Âu đều tham dự. Tại đây, ông Putin đã trực tiếp mời các doanh nghiệp Mỹ và phương Tây bắt đầu kinh doanh hoặc mở rộng các hoạt động kinh doanh hiện có tại Nga.

Trong chính sách đối ngoại, Moscow vẫn rất xem trọng việc phát triển các mối quan hệ với phương Tây về an ninh và kinh tế mặc dù vẫn đang nỗ lực biến Liên minh Á Âu thành một tổ chức hoạt động hiệu quả trong việc hội nhập kinh tế và phát triển các mối quan hệ hợp tác với các quốc gia phương Đông, đặc biệt là khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Ông Putin công nhận Mỹ là một cường quốc và thậm chí là cường quốc duy nhất trên thế giới hiện nay.

Đồng thời, ông tận dụng SPIEF để giải thích với những người tham dự về lý do nước Nga có chính sách đối ngoại cứng rắn trong những năm gần đây. Ông lặp đi lặp lại rằng nước Nga rất mong đợi hợp tác toàn diện với phương Tây sau Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, theo ông, điều này gặp khó khăn bởi sự bành trướng của NATO và việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa Đạn đạo.

Ngoài ra, ông cho biết, Moscow rất tức giận khi phương tây hỗ trợ cho các lực lượng nổi dậy có liên kết với Al Qaeda ở Bắc Caucasus và sự can thiệp của phương Tây gây mất ổn định ở nhiều khu vực khác của Nga.

Theo NI, tất cả các sự kiện mà ông Putin đề cập ở trên thực sự đã xảy ra chứ không phải để bào chữa cho những chính sách đối ngoại cứng rắn của Moscow.

Điều ông Putin thực sự muốn nói ở SPIEF chính là giải thích cho người dân phương Tây hiểu được các hành động của Nga.

SPIEF còn trở thành cơ hội cho Nga kí kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác phương tây. Các vị khách danh dự của SPIEF năm nay là Thủ tướng Italia Matteo Renzi và các doanh nghiệp của nước này.

Sau các cuộc đàm phán song phương, hai bên đã ký kết nhiều thỏa thuận nhằm phát triển mối quan hệ hợp tác Nga-Italia, bao gồm trong lĩnh vực không gian, năng lượng và sản xuất máy bay trực thăng.

Trong suốt diễn đàn, ông Putin luôn khẳng định, châu Âu đã bị ảnh hưởng bởi những bế tắc về địa chính trị hiện nay giữa Nga và Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ không hề có mối quan hệ kinh tế lớn với Nga nhưng lại ép châu Âu làm theo chính sách của mình.

Theo tờ TNI, lập luận này của ông Putin một lần nữa lại đúng. Những biện pháp trừng phạt Nga đã gây tổn thất rất nhiều cho các doanh nghiệp ở châu Âu.

Hầu hết châu Âu đều nhận ra điều này. Sau khi từ St. Petersburg trở về, Thủ tướng Italia Matteo Renzi phản đối kéo dài các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga. Theo ông, châu Âu đã bị thiệt hại tới 200 tỷ euro do các lệnh trừng phạt Nga..

Trong khi đó, Tổng thống Nga khẳng định không có ác cảm với EU, và mong muốn cải thiện quan hệ với các quốc gia châu Âu.

Ông nói: “Các cuộc gặp gỡ gần đây của chúng tôi với đại diện các doanh nghiệp Đức và Pháp đã chứng tỏ kinh tế châu Âu đang sẵn sàng và sẵn lòng hợp tác với đất nước chúng tôi.

Các chính trị gia cần phải bắt nhịp với doanh nhân, và cho thấy sự khôn ngoan, tầm nhìn rộng cũng như sự linh hoạt, thích nghi.

Chúng tôi phải lấy lại niềm tin vào các mối quan hệ Nga - châu Âu và khôi phục mối quan hệ tốt đẹp trước đây”.

TNI kết luận, dù chính sách tiếp theo của Mỹ là gì đi chăng nữa cũng không thể cô lập hay cắt đứt hoàn toàn các mối quan hệ với Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại