Nhà quan sát David Ignatius đã nhận định trên Washington Post rằng sự hỗn loạn trong và ngoài nước khiến Mỹ vẫn nằm trong vùng nguy hiểm cho tới khi chiến thắng của ông Joe Biden chính thức được xác nhận vào ngày 6/1 tới.
Mối đe dọa này đang khiến các quan chức cấp cao nước này lo ngại, trong đó bao gồm cả những thành viên đảng Cộng hòa từng ủng hộ ông Trump nhưng nay lại lo ngại Tổng thống có những hành vi vượt quá thẩm quyền của mình theo quy định trong Hiến pháp.
Những tuần cuối đầy biến động
Cuộc tranh cãi cuối cùng về kết quả bầu cử sẽ là tại cuộc họp của Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021 nhằm chính thức xác nhận số phiếu đại cử tri ngày 14/12/2020 với kết quả là ông Biden giành được 306 phiếu trong khi ông Trump giành được 232 phiếu. Việc xác nhận trên vốn là một sự kiện chủ yếu mang tính hình thức nhưng trong nỗ lực đảo chiều kết quả bầu cử, ông Trump đang yêu cầu đảng Cộng hòa trong Hạ viện và Thượng viện thách thức việc kiểm phiếu cũng như ngăn cản việc xác nhận chiến thắng của ông Biden trước Ngày Nhậm chức (20/1).
Chiến dịch phút chót này của ông Trump gần như chắc chắn sẽ thất bại tại Quốc hội. Dù vậy, điều đáng lo ngại hơn là những người ủng hộ ông Trump có thể gây nên tình trạng hỗn loạn trên đường phố ngày hôm đó. Một nhóm ủng hộ ông Trump mang tên "Những người phụ nữ vì Nước Mỹ trên hết" đã đề nghị tổ chức một cuộc mít tinh ngày 6/1 ở Washington trong khi ông Trump cũng cảnh báo về một "cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Washington ngày 6/1. Sự kiện này sẽ rất dữ dội".
Các quan chức chính phủ lo ngại nếu biểu tình bạo lực lan rộng, ông Trump có thể kích hoạt Đạo luật Chống nổi loạn để huy động quân đội. Sau đó, Tổng thống Trump có thể sử dụng "các khả năng của quân đội" để đảo chiều kết quả bầu cử ngày 3/11 ở các bang dao động như gợi ý của ông Michael Flynn - một cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump.
Lầu Năm Góc sẽ là tâm điểm của kế hoạch trên khi một số động thái bất thường gần đây cho thấy các quan chức ủng hộ Tổng thống Trump có lẽ đang tập hợp để đảm bảo việc tăng cường quyền lực của mình. Fox News đưa tin, Kash Patel, chánh văn phòng của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher C. Miller đã "đột ngột" về nước trong chuyển thăm châu Á đầu tháng 12. Ông Patel không giải thích về việc này nhưng từ giữa tháng 12, Tổng thống Trump đã thảo luận với các quan chức về việc ông Patel có thể sẽ thay thế giám đốc FBI Christopher C. Miller. Hiện ông Christopher Miller vẫn đang đảm nhiệm vị trí này.
Một kế hoạch bất thường nữa của Lầu Năm Góc là đề xuất hồi giữa tháng 12 của ông Miller về việc tách Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) khỏi Bộ Chỉ huy Mạng, cả hai cơ quan hiện đều do Tướng Naul Nakasone dẫn đầu. Tuy nhiên, kế hoạch đã trên sụp đổ do vấp phải sự phản đối từ lưỡng đảng.
Câu hỏi đặt ra là tại sao những người trung thành với Tổng thống Trump lại đề xuất tách NSA khỏi Bộ Chỉ huy Mạng? Một số quan chức cho rằng, Nhà Trắng có lẽ đang lên kế hoạch để bổ nhiệm một người đứng đầu NSA mới, có lẽ là Ezra Cohen-Watnick, thành viên trẻ tuổi theo quan điểm bảo thủ gần đây được bổ nhiệm để giám sát các hoạt động tình báo của Lầu Năm Góc.
Chiến tranh với Iran?
Những tuần cuối cùng của ông Trump ở Nhà Trắng có thể là một thùng thuốc súng bởi những nguy cơ từ các mối quan hệ với bên ngoài. Phía Mỹ cáo buộc rằng, lực lượng dân quân do Iran ủng hộ đã phóng hơn 20 quả rocket ngày 20/12 vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, với khoảng 9 quả tên lửa bắn trúng khu ngoại giao này song không gây thương vong nào cho người Mỹ.
Washington đã gửi những thông điệp mạnh mẽ và cứng rắn một cách công khai cũng như bí mật nhằm cảnh báo Tehran về bất kỳ hành động khiêu khích nào. Thông điệp cứng rắn nhất là dòng tweet hôm 23/12 của ông Trump, theo đó cảnh báo: "Nếu một người Mỹ bị thiệt mạng, tôi sẽ khiến Iran phải chịu trách nhiệm". Các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao cũng như Lầu Năm Góc nhận định, ông Trump không hề "nói suông" khi đưa ra những đe dọa đáp trả trên.
Một thời điểm nữa có thể gây nên sự hỗn loạn là ngày 3/1 tới – thời điểm đánh dấu 1 năm Mỹ không kích giết chết Tướng Iran Qasem Soleimani - chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds và lãnh đạo dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis. Bất kỳ hành vi bạo lực mới nào đều có thể châm ngòi cho những căng thẳng bùng nổ trong khu vực, kéo theo đó là một cuộc xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Iran trong những tuần cuối nhiệm kỳ của ông Trump.
Hiện nay, mặc dù Tổng thống Trump có thể không thành công trong việc thách thức kết quả bầu cử nhưng ông có thể gây nên những xáo trộn không hề nhỏ với nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung./.