1. Bầu Kiên
Dù đang chịu án tù song bầu Kiên vẫn đang sở hữu khối tài sản lớn trên thị trường chứng khoán
Ngày 20/8/2012, ông Nguyễn Đức Kiên (còn được gọi là bầu Kiên), nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị bắt, để điều tra liên quan tới các sai phạm trong hoạt động kinh tế tại 3 công ty con do ông làm chủ tịch Hội đồng quản trị (gồm Công ty Đầu tư thương mại B&B, Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Công TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội).
Bầu Kiên là thành viên HĐQT ACB từ năm 1994, và cùng người thân sở hữu rất nhiều cổ phần tại ngân hàng ACB cũng như Vietbank (ACB là cổ đông sáng lập).
Ông cũng từng là lãnh đạo tại hàng loạt công ty như công ty Thể thao ACB, công ty Thiên Nam, CTCP du lịch Chợ Lớn, CTCP Tập đoàn tài chính Á Châu, CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam…
Cuối 2013, bầu Kiên vẫn nằm trong tốp 25 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán, còn gia đình ông cũng nằm trong tốp 15. Bên cạnh đó, ông trùm ngân hàng một thời này còn rất nhiều các tài sản khác.
Tính đến thời điểm cuối năm 2018, vợ chồng bầu Kiên đang sở hữu khối tài sản có giá trị khoảng 3.052 tỷ đồng.
Theo bản cáo trạng lần 2 của VKSND Tối cao, cơ quan công an đã kê biên 3 bất động sản do ông Kiên và vợ đứng tên sở hữu, gồm: nhà và đất tại số 5 Hồ Biểu Chánh (phường 12, quận Phú Nhuận, TP HCM); nhà và đất ở số 22 Hoàng Dư Khương (phường 12, quận 10, TP HCM); hơn 2.400 m2 đất tại 78/6 Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh, TP HCM).
Chính ông bầu này tự công bố bí mật là “cổ đông chính” của ngân hàng Eximbank, ngân hàng tài trợ hàng năm cho V.League hàng chục tỷ đồng. Bầu Kiên tự tiết lộ là có cổ phần tại Kienlong Bank - ngân hàng được cho là do bầu Kiên và một đại gia ngành nội thất, bất động sản khác đứng tên thành lập.
Ngoài ra, Bầu Kiên là chủ sở hữu của khá nhiều chiếc siêu xe tiền tỷ, đồng thời, là chủ nhân của căn biệt thự 3 tầng bề thế, tại địa chỉ ngõ 27 Xuân Diệu, phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội, trên thửa đất rộng 500 mét vuông nhìn ra hồ Tây.
Thời gian gần đây, những thành viên trong gia đình ông bầu tai tiếng này cũng liên tục bán ra hàng triệu cổ phiếu Vietbank. Ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) đã bán toàn bộ 6,61 triệu cổ phần Vietbank, tương ứng thoái toàn bộ 2,035% vốn. Sau giao dịch, bầu Kiên không còn là cổ đông của Vietbank.
Từ ngày 24-25/7, bà Nguyễn Thúy Lan, ông Đào Văn Kiên và bà Nguyễn Thúy Hương đã thoái lần lượt 2,05%, 1,93% và 2,02% vốn của Vietbank.
Tuy vậy, bà Đặng Ngọc Lan - vợ bầu Kiên, hiện vẫn là thành viên HĐQT của nhà băng này và sở hữu gần 15 triệu cổ phần VBB (theo mệnh giá 10.000 đồng), tương đương 4,6% vốn điều lệ của Vietbank.
2. Hà Văn Thắm
Nếu liệt kê chính xác, ông Hà Văn Thắm rất có thể là tỷ phú USD xếp thứ 2 của Việt Nam sau ông Phạm Nhật Vượng
Sau 3 năm, đại án OceanBank đã đi đến hồi kết bằng những bản án với các bị cáo liên quan. Trong đó, "đại gia" Hà Văn Thắm lĩnh án chung thân do tội Tham ô tài sản, cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay tại các tổ chức tín dụng.
Trước khi bị bắt vào tháng 10/2014, ông Hà Văn Thắm, sinh năm 1972, từng là ông chủ nhiều thương hiệu nổi tiếng như Oceangroup (bất động sản), OceanBank (ngân hàng), Ocean Hospitality (khách sạn, du lịch), Kem Tràng Tiền, bánh Givral (thực phẩm), hệ thống OceanMart (bán lẻ), Chứng khoán Đại Dương (OCS)...
Ông Hà Văn Thắm trở nên nổi bật hơn bao giờ hết từ giữa 2010 với cương vị là chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (OGC), khi đó chưa đến 40 tuổi. Ocean Group của ông Thắm được biết đến là một tập đoàn kinh tế đa ngành, từ bất động sản, khách sạn, tài chính, truyền thông và thương mại thực phẩm...
Chỉ một thời gian ngắn sau đó OceanGroup đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán thời bấy giờ, với vốn hóa thị trường lên tới hơn 10.000 tỷ đồng. Năm 2011, ông Thắm lọt top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán và còn nằm trong nhóm này 2 năm sau đó.
Trong lĩnh vực bất động sản, OceanGroup có nhiều dự án khá nổi tiếng, trải từ Bắc chí Nam như: VNT Tower Nguyễn Trãi, StarCity Lê Văn Lương, StarCity Center, StarBowl (Phạm Ngọc Thạch),...
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Thắm và OGC là cổ đông lớn chi phối tại OceanBank, Ocean Sercurities,...
Ông Thắm còn trực tiếp và gián tiếp sở hữu nhiều doanh nghiệp như Ocean Hospitality (75%), Bảo Hà, Công ty TNHH VNT, Đại Dương Thăng Long, Ocean Media (50%),... và có thời điểm là thành viên HĐQT Vinamilk, VS Industry Việt Nam…
Cú thâu tóm Kem Tràng Tiền hay “khu đất vành khăn hơn 5ha” thuộc khu đô thị mới Đông Nam Trần Duy Hưng (Hà Nội)... là những lần mà tên tuổi “đại gia” này phủ kín mặt báo.
Với khối tài sản khổng lồ sở hữu tại OceanBank, Ocean Hospitality (OCH), Ocean Sercurities (OCS), DN tư nhân Hà Bảo, Công ty TNHH VNT, Đại Dương Thăng Long, hay Ocean Mark,… nếu cân đo đong đếm chính xác, ông Hà Văn Thắm rất có thể là tỷ phú USD xếp thứ 2 của Việt Nam sau ông Phạm Nhật Vượng.
3. Đoàn Văn An
Ngoài việc nắm giữ cương vị lãnh đạo cấp cao tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu - GPBank, ông Đoàn Văn An (SN 1958, phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sân gôn Ngôi sao Chí Linh, Ủy viên HĐQT độc lập không điều hành Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện.
GPBank tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Ninh Bình, được đổi tên và chuyển đổi mô hình hoạt động vào năm 2007, vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.
Cáo trạng truy tố các bị cáo thể hiện, trong năm 2009 và 2010, để có tiền tăng vốn điều lệ tại GPBank theo quy định tại Nghị định số 141/2006/NĐ-CP, ngày 22-11-2006 của Chính phủ và sử dụng vào những việc khác, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã sử dụng 3 công ty để phát hành 3.380 trái phiếu bán cho Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance) và thu về 3.380 tỷ đồng.
Số tiền nêu trên, sau đó được cựu Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT GPBank sử dụng hơn 2.611 tỷ đồng để nhóm cổ đông của Tạ Bá Long và Đoàn Văn An mua cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ của ngân hàng này.
Ngoài ra, Long và đồng phạm còn sử dụng 512,6 tỉ đồng để trả lãi trái phiếu và phí tư vấn phát hành trái phiếu. Số tiền còn lại hơn 255,7 tỷ đồng, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An “bơm” vào hoạt động đầu tư, kinh doanh của 3 doanh nghiệp liên quan.
Trước khi vướng vòng lao lý, “hoan lộ” của vị doanh nhân vốn xuất thân từ một Cử nhân Ngoại ngữ gốc Hải Dương này được đánh giá là khá hanh thông, đặc biệt là kể từ đầu những năm 90.
Theo đó, ông Đoàn Văn An chính thức bước vào nghiệp kinh doanh từ năm 1989 sau khi gia nhập Công ty đá quý Việt Nam, song chỉ gắn bó ở đó trong một thời gian ngắn (khoảng 2 năm).
Từ năm 1991 đến năm 1998, ông An chuyển sang công tác tại Viện Khoa Học Việt Nam.
Kế đó, vị Phó Chủ tịch GPBank sau này lại chuyển sang làm việc tại Công ty TNHH Thung Lũng Vua và đảm nhận cương vị Phó Tổng giám đốc đến năm 2002. Kể từ thời điểm này, đường công danh của ông đã nhanh chóng rộng mở khi liên tục nắm giữ những cương vị đầu tàu tại hoàng loạt những doanh nghiệp lớn.
Từ năm 2002, doanh nhân Đoàn Văn An là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sân gôn Ngôi sao Chí Linh và kể từ tháng 6 năm 2004, ông đảm nhiệm thêm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Dầu khí Việt Nam cho đến khi bị NHNN ra quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ vào cuối tháng 5/2015. Ngoài ra, ông An hiện cũng là Ủy viên HĐQT độc lập không điều hành Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện.
Theo bản cáo bạch được phát hành vào ngày 5/8/2010 của GPBank, tỷ lệ sở hữu của cá nhân Phó Chủ tịch Đoàn Văn An tại ngân hàng là 4,650% Vốn điều lệ, tương ứng với 9.300.200 cổ phần.
4. Vũ "nhôm"
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB) gây thiệt hại hơn 3.608 tỉ đồng mà Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm) bị đề nghị truy tố tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, để đảm bảo cho quá trình thi hành án, nhiều tài sản, cổ phần của những người liên quan đã bị kê biên, trong đó có các tài sản của Vũ "nhôm".
Trong vụ án này, sau khi khởi tố bị can, cơ quan điều tra đã ra các quyết định kê biên một số tài sản do Vũ "nhôm" đứng tên hoặc thuộc sở hữu của Vũ "nhôm". Đó là toàn bộ cổ phần của ngân hàng DAB mà Vũ "nhôm" và Công ty Bắc Nam 79 sở hữu, cùng nhiều nhà đất.
Cụ thể, căn nhà tại địa chỉ 78-80-82-84 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng rộng 447m2 do gia đình Vũ nhôm sinh sống đã bị kê biên. Căn nhà này do Phan Văn Anh Vũ và vợ đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đồng thời, toàn bộ số cổ phần DAB mà Vũ "nhôm" đứng tên sở hữu hoặc Công ty Bắc Nam 79 sở hữu cũng bị phong tỏa để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Phan Văn Anh Vũ với sự hậu thuẫn, buông lỏng quản lý của 2 cựu thứ trưởng Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân và một số cán bộ công an đã thâu tóm 7 nhà, đất công sản và dự án bất động sản có tổng diện tích 27.000 m2 đất, trị giá là hơn 2.500 tỷ đồng.
Ngoài những tài sản trên, cơ quan điều tra còn kê biên thêm 120m2 đất tại quận 2 (TPHCM), 353m2 đất ở huyện Cần Giờ (TPHCM), 102m2 đất ở quận Bình Tân (TPHCM) và 85m2 đất ở TP Nam Định (tỉnh Nam Định).
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn kê biên hơn 125 triệu cổ phần DAB do Công ty Bắc Nam 79 và 17 đối tượng liên quan sở hữu.
Trong đó, Công ty Bắc Nam 79 sở hữu 50 triệu cổ phần, Phan Văn Anh Vũ 13,652 triệu cổ phần, Trần Phương Bình 15 triệu cổ phần, Nguyễn Thị Kim Xuyến 1,7 triệu cổ phần, Nguyễn Thị Ngọc Vân 712.000 cổ phần và nhiều cổ phần khác mang tên người thân của ông Trần Phương Bình.