Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề, ít nhất 2 người chết, 11 người mất tích

Hoàng Đan |

Theo thống kê bước đầu của cơ quan chức năng, tính đến tối 3/8 đã có ít nhất 2 người tử vong, 11 người mất thông tin liên lạc và có nhiều thiệt hại nặng nề về vật chất do bão số 3 gây ra.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, bão số 3 sau khi đổ bộ đã gây mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Cụ thể: tại Quảng Ninh lượng mưa là 271mm, Lạng Sơn 320mm, Bắc Giang 201mm, Hưng Yên 234mm, Hà Nam 260mm, đặc biệt là Thanh Hóa 285mm; cục bộ tại xã Tam Chung (Mường Lát) 328mm, xã Na Mèo (Quan Sơn) 332mm. Riêng tại Hà Nội, lượng mưa đo được là 213mm.

Hiện, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn đang có mực nước thấp. Trong đó, 17 hồ thủy điện, thủy lợi vừa và nhỏ đang xả tràn; riêng hồ chứa Trung Sơn tại Thanh Hóa xả nước 1.742m3/s (mực nước hạ lưu ở mức thấp).

Tại Thanh Hóa: Do lượng mưa cục bộ quá lớn nên tại 7 xã vùng cao: Sơn Diện, Sơn Thủy, Nà Mèo, Sơn Hà, Tam Lư, Trung Tiến, Trung Thượng thuộc huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã bị nước lũ cô lập. Bản Sa Ná với hơn 200 hộ vẫn bị cô lập với bên ngoài.

Có 1 người chết do sạt lở đất là Vàng A Lâu, sinh năm 1986, trưởng bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát; 24 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, Quốc lộ 217, 219 bị sạt lở một số điểm.

Tính đến 16 giờ ngày 3/8, theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện Quan Sơn, nước lũ đã thiệt hại hoàn toàn 24 nhà; 18 nhà bị trôi; 4 nhà bị sập; 17 nhà bị sập một phần. Huyện đã di dời khẩn cấp 8 hộ, 33 khẩu; sơ tán 76 hộ, 245 khẩu.

Những thống kê mới nhất về thiệt hại nặng nề về người do bão số 3 gây ra - Ảnh 1.

Một người dân tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) trước cơn lũ lớn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Lũ đã cuốn trôi 17 người, hiện đã cứu được 6 người, còn 11 người mất thông tin liên lạc (trong đó, bản Sa Ná, xã Na Mèo có 9 người; bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy có 2 người).

Tại tỉnh Bắc Kạn: Khoảng 12h15 ngày 3/8, trên Quốc lộ 3, đoạn qua địa phận thôn Bản Giác (xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới) đã xảy ra một vụ lở đá làm chết một người đang đi trên đường.

Cụ thể, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra mưa lớn từ đêm 2/8 đến sáng 3/8. Mưa lớn khiến đất ngấm no nước, sạt trượt khiến nhiều tảng đá với với khối lượng ước tính khoảng 500m3 đã lăn xuống tại khu vực km142 +700 thuộc địa phận thôn Bản Giác.

Những thống kê mới nhất về thiệt hại nặng nề về người do bão số 3 gây ra - Ảnh 3.

Thi thể nạn nhân tử vong được đưa khỏi hiện trường vụ sạt lở tại Bắc Kạn.

Khi đá lở rơi xuống Quốc lộ 3 đã va vào xe máy của hai người đang đi trên đường là bà Trần Thị Tư (sinh năm 1943) và người cháu ruột là Trần Kim Tuấn (sinh năm 2002), cùng trú ở thôn Tân Khang, xã Hòa Mục.

Hậu quả, bà Trần Thị Tư bị đá vùi lấp dẫn tới tử vong; em Trần Kim Tuấn bị thương nặng đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện Chợ Mới. Tuyến Quốc lộ 3 bị ách tắc cục bộ, giao thông tê liệt.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng của tỉnh Bắc Kạn đã có mặt, khẩn trương tìm cách đưa thi thể bà Trần Thị Tư ra khỏi đống đất, đá; huy động phương tiện, máy móc thông đường.

Tại Hà Nội, mưa lớn diện rộng, kéo dài đã làm sạt lở đê ở huyện Thường Tín, đoạn qua xã Tự Nhiên.

Cụ thể, tại vị trí K94+300 đến K94+500 đê hữu Hồng thuộc xã Tự Nhiên đã xảy ra sự cố sạt lở cách đê sông Hồng 500m và cách chân đê bối của xã Tự Nhiên 120m.

Chiều dài sạt lở khoảng 140m tại ba vị trí, tạo thành vách dựng đứng có chiều cao từ 3 - 5m. Trong đó, có một vị trí sạt lở sát vào móng công trình phụ của một hộ dân.

Trong khu vực nội thành, theo Công ty Thoát nước Hà Nội, lượng mưa tại các quận đều đạt mức trên 100mm.

Những thống kê mới nhất về thiệt hại nặng nề về người do bão số 3 gây ra - Ảnh 4.

Mưa lớn gây ngập tại khu vực đường thuộc quận Long Biên (Hà Nội).

Do mưa lớn diễn ra xuất hiện một số điểm dềnh nước ảnh hưởng đến giao thông như phố Thụy Khuê (dốc La Pho), Hoàng Mai (từ ngõ 169 đến đường vào UBND phường Hoàng Văn Thụ), Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi (trước cổng ĐH KH&NV), Nguyễn Huy Tưởng, Quan Nhân... 

Sau khi mưa ngớt, nước đã rút hết, giao thông đi lại bình thường.

Khu vực phía Tây thành phố: do mực nước các sông dâng cao nên xuất hiện các điểm úng ngập Trần Bình, Phan Văn Trường, Hoa Bằng, Đại lộ Thăng Long (ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui dân sinh số 3,5,6, km9+656), đường Tố Hữu (từ Lương Thế Vinh đến Trung Văn), Phùng Khoang, Triều Khúc… với mức độ ngập từ 0,20-0,40m.

Khu vực Long Biên: do mực nước trên hệ thống các sông đang ở ngưỡng cao nên xuất hiện điểm ngập nước trên phố Ngọc Lâm, ngõ 80 Hoa Lâm, Cổ Linh (ngã tư Cổ Linh–Đàm Quang Trung) với mức độ ngập từ 0,1-0,2m.

Tại các điểm ngập nước, Công ty đã huy động nhân lực tua vớt rác tại miệng thu, khơi thông dòng chảy, phối hợp hướng dẫn giao thông và bố trí các xe bơm di động, xe hút, téc tại các điểm úng ngập để giải quyết thoát nước.

Tại Quảng Ninh: Bão đã làm sạt lở 1 điểm trên Quốc lộ 279 với khối lượng đất đá khoảng 35m3. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành dọn đảm bảo an toàn giao thông.

Mưa lớn đã làm nước lũ trên sông biên giới Ka Long (TP Móng Cái) và sông Tiên Yên dâng cao.

Sáng 3/8, trên sông Ka Long đoạn thuộc km2 đã có 1 đò chở bột mì đứt neo bị nước lũ cuốn trôi. Rất may, Đội kiểm soát Biên phòng km1, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái kịp thời cứu hộ, giúp chủ đò neo đậu an toàn.

Còn tại huyện Tiên Yên bão số 3 đã làm đắm 1 chiếc tàu tại phố Long Châu, thị trấn Tiên Yên. Hiện tại, tàu đã được trục vớt xong (không gây thiệt hại về người).

Trước đó, trong chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình có người thân bị chết, mất tích do mưa lũ, đồng thời chia sẻ những khó khăn, mất mát của chính quyền và người dân vùng lũ do báo số 3 gây ra.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả bão, mưa lũ, đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ cấp bách để ứng phó mưa lũ sau bão số 3.

Danh sách 11 người mất tích do mưa lũ tại Quan Sơn, Mường Lát (Thanh Hóa)

1. Bùi Văn Hoạt (trú ở bản Na Tao, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát. Ông Hoạt quê ở làng Ngán, xã Điền Trung, huyện Bá Thước).

2. Hà Văn Tiêu (ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn)

3. Hà Văn Chấn (ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn)

4. Hà Thị Vứng (ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn)

5. Vi Thị Thúy (ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn)

6. Hà Văn Quỳnh (ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn)

7. Hà Thị Thăm (ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn)

8. Ngân Văn Kiêm (ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn)

9. Vị Thị Ọi (ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn)

10. Hoàng Thị Yến (ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn)

11. Lò Thị Quạm (ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn).


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại