Những thách thức pháp lý khi ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Thùy Linh |

Theo các chuyên gia pháp lý, Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý nếu ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý nếu quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có thêm tiền xây bức tường biên giới giữa Mỹ với Mexico.

Các chuyên gia về pháp lý nói rằng, hiện vẫn chưa rõ bước đi này sẽ diễn ra như thế nào, nhưng họ đồng ý rằng, câu hỏi của tòa án sẽ tập trung vào việc liệu tình trạng khẩn cấp có thực sự tồn tại ở biên giới phía nam hay không, cũng như những giới hạn trong quyền lực của tổng thống đối với các quỹ tiền từ thuế của người dân.

Tổng thống Trump không hài lòng với dự luật an ninh biên giới mà lưỡng đảng trong Quốc hội đã đạt được để tránh việc chính phủ Mỹ đóng cửa thêm lần nữa, vì nó chỉ bao gồm một phần nhỏ ngân sách mà ông muốn cho bức tường biên giới.

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Trump sẽ ký thông qua dự luật này nhưng cũng sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có ngân sách xây tường biên giới.

Tuy nhiên, động thái này nhiều khả năng sẽ kéo theo cuộc chiến pháp lý dai dẳng, thậm chí kéo dài tới khi ông Trump vận động tái tranh cử Tổng thống năm 2020, đồng thời làm gia tăng sự chỉ trích đối với ông từ những người vốn đã cáo buộc ông có khuynh hướng độc đoán và thất thường trong việc hoạch định chính sách.

Phe Dân chủ trong Quốc hội tuyên bố sẵn sàng có những hành động pháp lý. Họ đã phản đối việc cấp tiền xây bức tường biên giới và nói rằng đó là điều lãng phí và không cần thiết.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump đã cam kết xây bức tường biên giới và sẽ buộc Mexico phải trả tiền cho bức tường này.

Quyền ban bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống

Theo Hiến pháp, các quyết định về việc sử dụng nguồn quỹ từ người đóng thuế và hoạch định chính sách sẽ do Quốc hội đưa ra.

Tuy nhiên, một bộ luật năm 1976 cho phép Tổng thống “vượt mặt” Quốc hội và quyết định sử dụng nguồn quỹ trong trường hợp có tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đạo luật khẩn cấp quốc gia không định nghĩa cụ thể “tình trạng khẩn cấp” là như thế nào. Theo các chuyên gia pháp lý, điều này cho phép Tổng thống có thể dễ dàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Đạo luật cũng trao quyền cho Quốc hội kiểm định lại việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhưng đòi hỏi phải có sự đồng thuận của cả 2 viện. Điều này sẽ khó khăn trong bối cảnh hiện nay do Thượng viện do đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump chiếm đa số còn Hạ viện do đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát.

Mỹ đã có khoảng 30 sắc lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia có hiệu lực, trong đó có 1 sắc lệnh liên quan đến cuộc khủng hoảng con tin Iran năm 1979 và 1 sắc lệnh về dịch cúm lợn năm 2009.

Các bộ luật đặc biệt của Mỹ cho phép Tổng thống có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Một bộ luật cho phép Tổng thống có thể sử dụng ngân sách xây dựng của Bộ Quốc phòng nếu số tiền này vẫn chưa được phân bổ cho dự án nào. Trong khi một bộ luật khác cho phép Quân đội Mỹ đình chỉ các dự án dân sự và sử dụng các nguồn quỹ hay điều động nhân sự cho các dự án “thiết yếu đối với việc bảo vệ quốc gia”.

Kiện tụng tại tòa

Có rất ít tiền lệ về các vụ kiện tụng liên quan đến sắc lệnh tình trạng khẩn cấp của Tổng thống và các chuyên gia pháp lý cũng đang tranh cãi.

Elizabeth Goitein, luật sư tại Trung tâm Brennan về Tư pháp, nói rằng, có căn cứ để kết luận việc xây tường biên giới là bị cấm theo nhiều đạo luật cấp quyền cho sắc lệnh Tổng thống về tình trạng khẩn cấp.

Theo Tòa án tối cao Mỹ, cá nhân các nghị sỹ Hạ viện không thể khởi kiện ra tòa về sắc lệnh khẩn cấp của Tổng thống, nhưng Hạ viện với tư cách là một cơ quan thì có cơ sở pháp lý để khởi kiện.

Năm 2015, một tòa án thượng thẩm ở Washington nói rằng, Hạ viện với tư cách là một cơ quan có thể khởi kiện đối với cách thức chính quyền Tống thống Obama đã chọn để chi tiền cho một phần Chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, mà quốc hội Mỹ đã không đồng ý cấp ngân sách.

Các cá nhân hay doanh nghiệp bị hủy hợp đồng vì việc chuyển đổi ngân sách của quân đội, các chủ đất tư bị thu hồi tài sản cũng có thể khởi kiện ông Trump ra tòa, theo Robert Chesney, một giáo sư về luật an ninh quốc gia tại đại học Texas.

Tuy nhiên, có một vấn đề thực tế đối với Tổng thống Trump. Cho dù ông có thể chứng minh được tình trạng khẩn cấp có tồn tại, thì ông cũng sẽ phải tìm cách để lấy tiền xây tường biên giới từ số tiền còn lại trong khoảng 10,4 tỷ USD cho các dự án xây dựng quân đội trong năm tài khóa hiện tại kết thúc vào ngày 30/9.

Quân đội Mỹ không tiết lộ còn bao nhiêu tiền trong ngân sách xây dựng. Cũng chưa rõ liệu nguồn tiền còn lại này có đủ để đạt tiến triển đáng kể trong việc xây tường biên giới hay không./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại