Trong bài viết "Bắc Cực sẽ trở thành Biển Đông tiếp theo?" đăng ngày 17/5/2020 trên Tạp chí các vấn đề quốc tế của Mỹ The National Interest (TNI), tác giả bài viết Anya Gorodentsev (thuộc trường Đại học Vermont, Mỹ) đặt vấn đề: Tại sao Trung Quốc tự xưng mình là "quốc gia cận Bắc Cực" trong khi điểm cực bắc xa nhất của quốc gia này cách Bắc Băng Dương gần 1.609 km?
Tác giả tiếp tục phân tích: Khi vấn đề biến đổi khí hậu thế kỷ 21 bắt đầu làm lộ ra tài nguyên dầu khí chưa được khám phá cũng như mở ra tuyến đường vận chuyển hàng hóa đầy tiềm năng, Trung Quốc bắt đầu tìm cách tham gia vào khu vực này với hy vọng tận dụng các nguồn lực vận chuyển toàn cầu và mỏ hydrocarbon nơi đây.
Năm 2018, Trung Quốc công bố chính sách Bắc Cực, chính thức tuyên bố ý định tích cực tham gia vào các vấn đề Bắc Cực với tư cách là một cổ đông lớn, đồng thời tự xưng là một "quốc gia cận Bắc Cực". Động thái này dù vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế nhưng Trung Quốc vẫn cố tìm cách "bù đắp" cho việc thiếu biên giới địa lý trên Bắc Băng Dương bằng cách đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và các cuộc thám hiểm khoa học.
Tạm thời chưa bàn đến những toan tính phía sau của Trung Quốc như bài viết nêu trên. Ở góc độ khoa học, dưới con mắt của các chuyên gia khảo sát địa chất, Bắc Cực hiện đang chứa những nguồn tài nguyên thiên nhiên đắt giá nào?
Thứ nhất: Dầu khí
Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) ước tính rằng Bắc Cực có thể nắm giữ phần lớn trữ lượng dầu khí còn lại chưa được khai thác trên thế giới và dự đoán phần lớn trong số này nằm ở ngoài khơi.
Theo đánh giá của Arctic.ru, hiện tại, khu vực này sản xuất khoảng một phần mười lượng dầu của thế giới và một phần tư khí đốt tự nhiên. Các đánh giá gần đây cho thấy rằng một phần đáng kể trữ lượng xăng dầu chưa được khám phá của thế giới nằm ở Bắc Cực.
Phần lớn các nguồn dầu khí và khoáng sản tại Bắc Cực đang được 8 quốc gia thuộc Hội đồng Bắc Cực (là 8 quốc gia có chủ quyền đối với các vùng đất trong Vòng Bắc Cực, gồm: Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ) khai thác.
Các mỏ dầu lớn tại các quốc gia Vòng Bắc Cực. Ảnh: Arctic.ru
Khai thác dầu thương mại bắt đầu từ những năm 1920 tại Vùng lãnh thổ Tây Bắc của Canada. Trong những năm 1960, các mỏ hydrocarbon rộng lớn đã được phát hiện ở Nga; bang Alaska của Mỹ; và Canada. Trong nhiều thập kỷ qua, các vùng lãnh thổ Bắc Cực của Nga, Alaska, Na Uy và Canada đã sản xuất hàng tỷ mét khối dầu khí. Các mỏ khí lớn nhất là ở khu vực ven biển Alaska và Siberia.
Trong số 8 quốc gia thuộc Hội đồng Bắc Cực, Nga là nước được đầu tư nhiều nhất vào hoạt động thăm dò và khoan dầu khí đại dương Bắc Cực. Dầu khí chiếm hơn 50% thu ngân sách nước này.
Thứ hai: Các nguồn khoáng sản khác
Tại khu vực phát triển nhất của Bắc Cực - vùng lãnh thổ Bắc Cực của Nga - hiện có trữ lượng lớn niken, đồng, than, vàng, uranium, vonfram và kim cương. Việc khai thác tài nguyên khoáng sản tại đây được Nga đặc biệt chú ý và phát triển.
Siberia rất giàu quặng của hầu hết các kim loại có giá trị kinh tế, chẳng hạn như niken, vàng, molypden, bạc và kẽm. Ngoài ra còn có lượng lớn than, thạch cao và kim cương.
Hầu hết các tài sản khoáng sản này tập trung trên Bán đảo Kola (một bán đảo miền tây bắc Nga, nằm hoàn toàn trong Vòng Bắc Cực) - nơi các sông băng đã quét sạch lớp đất trên cùng từ hàng ngàn năm trước, do đó làm cho các mỏ dễ tiếp cận hơn rất nhiều. Hóa thạch ngà, từ ngà voi ma mút cũng đang trở nên ngày càng có sẵn ở Siberia.
Cộng hòa Sakha (một chủ thể liên bang của Nga) mang lại khoảng 25% nguồn cung kim cương thô của thế giới. Đồng, sắt, thiếc, bạch kim, palladi, apatit, coban, titan, kim loại hiếm, nguyên liệu gốm, mica và đá quý cũng được tìm thấy ở miền bắc nước Nga.
Khu vực Bắc Mỹ chứa các túi uranium, đồng, niken, sắt, khí tự nhiên và dầu. Vàng sa khoáng, than đá và thạch anh được khai thác ở tỉnh Yukon của Canada. Tại Greenland, băng tinh thạch, than đá, đá cẩm thạch, kẽm, chì và bạc được sản xuất.
Thứ ba: Tài nguyên sinh vật
Tài nguyên sinh vật được ví như món quà tuyệt vời của vùng Viễn Bắc (Far North). Ước tính một phần năm nước ngọt và một số con sông lớn nhất thế giới được tìm thấy ở đó.
Khu vực này chứa một trong những khu vực hoang dã cuối cùng và rộng lớn nhất, liên tục trên Trái Đất và là nơi sinh sống của hàng trăm loài thực vật và động vật đặc hữu. Hàng triệu con chim di cư từ khắp nơi trên thế giới sinh sản và sống theo mùa ở Bắc Cực và một loạt các động vật có vú sống ở vùng biển đại dương Bắc Cực.
Các loài cá như cá hồi, cá tuyết và cá minh thái (Pollocks) có rất nhiều ở vùng biển Bắc Cực và cận Bắc Cực, hỗ trợ các nghề cá thương mại có giá trị kinh tế lớn. Nơi đây cũng là nhà của loài tuần lộc Bắc Mỹ.
Nói tóm lại, con người đang thu được rất nhiều lợi nhuận kinh tế từ nguồn tài nguyên vô cùng phong phú tại Bắc Cực.
Bài viết sử dụng nguồn: Arctic.ru, Oceaneconomics.org, Nationalinterest
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.