Những siêu vũ khí Nga "đập tan" đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ

Trung Phạm |

Không những đã chủ động phát triển các hệ thống phòng thủ đáp trả đòn tấn công chớp nhoáng của Mỹ, Nga dường như cũng không hề đi sau Mỹ về các khả năng tấn công siêu thanh.

Mối đe dọa tiềm ẩn từ "Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu" (PGS) do Mỹ phát triển là một trong những thách thức lớn nhất đối với quân đội Nga.

PGS là hệ thống tấn công bằng vũ khí phi hạt nhân, được Mỹ phát triển để tiêu diệt các mục tiêu ở bất cứ địa điểm nào trên phạm vi toàn cầu trong thời gian giới hạn 1 giờ.

Hệ thống PGS được thiết kế để tấn công các mục tiêu di động và cố định quan trọng nhất, gồm các trạm chỉ huy - điều khiển được bảo vệ chắc chắn, các bệ phóng tên lửa đạn đạo cơ động và cất giấu ngầm…

Chương trình PGS của Mỹ đã buộc Nga phải tiến hành các bước đi cần thiết để phát triển các hệ thống phòng thủ và vũ khí siêu thanh cho riêng mình nhằm đối phó với mối đe dọa đang dần lộ diện. Và thực tế, những nỗ lực này của Nga đã tỏ ra khá thành công.

Hệ thống phòng thủ

S-500

Nga đang phát triển một hệ thống tên lửa đất đối không di động thế hệ mới - S-500 với mục đích, tất nhiên kết hợp với nhiều hệ thống khác, để đánh chặn các mục tiêu siêu thanh (như tên lửa hành trình) di chuyển ở vận tốc lên tới 7 km/h.

Nhờ tính năng cơ động, S-500 có thể dễ dàng "bắn rồi chạy" để tránh các đòn phản công trấn áp. Hệ thống phòng không này có tầm bắn lên tới 600 km và có thể cùng lúc đánh chặn tới 10 mục tiêu đạn đạo và siêu thanh. Tốc độ phản ứng của nó chỉ từ 3 đến 4 giây.

Các tổ hợp S-500 đầu tiên có thể sẽ được triển khai xung quanh Moscow và vùng trung tâm nước Nga ngay trong năm 2020. Phiên bản S-500F dùng cho hải quân trang bị cho tàu khu trục lớp Leader tới đây dự kiến cũng sẽ được triển khai trong giai đoạn khoảng từ 2023 - 2025.

Những siêu vũ khí Nga đập tan đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ - Ảnh 1.

Hệ thống tên tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik

A-235 Nudol

Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo siêu thanh A-235 Nudol đang được Nga tiến hành thử nghiệm để thay thế cho phiên bản trước đó là A-135.

Với vận tốc ước đạt 10 km/giây, cùng với khả năng tác chiến đối phó với tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), A-235 có thể được sử dụng để chống trả vệ tinh và các tên lửa hành trình siêu thanh.

Do có khả năng cơ động nên nó có thể được triển khai ở bất cứ đâu, kể cả tại lãnh thổ các quốc gia bạn bè.

A-235 sẽ trang bị các tên lửa có khả năng hoạt động ở cả 3 tầm bắn: tầm xa, dựa trên mẫu tên lửa đánh chặn 51T6, có thể phá hủy các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 1.500 km; tầm trung, trên phiên bản nâng cấp 58R6, được thiết kế để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 1.000 km; và tầm ngắn (dựa trên mẫu 53T6), với tầm hoạt động 350 km.

Các hệ thống tấn công siêu thanh

Với việc đã chủ động phát triển các hệ thống phòng thủ chống trả PGS trong tương lai, Nga dường như cũng không hề đi sau Mỹ về khả năng tấn công siêu thanh.

Moscow đã tiến hành các đợt thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh tầm xa Zircon trang bị cho các tàu chiến và tầu ngầm hiện đại, tiên tiến. Bên cạnh đó, Nga còn đang phối hợp cùng Ấn Độ phát triển tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos II.

Nga đã thử nghiệm thành công đầu đạn phóng siêu thanh Yu-74 chuyên chở bằng ICBM. Các phương tiện đánh chặn ngoài tầng khí quyền của Mỹ có thể chỉ hoạt động ở độ cao khoảng trên 100 km.

Trong khi đó, gần như tất cả quỹ đạo bay của đầu đạn phóng siêu thanh Yu-74 sẽ diễn ra ở độ cao dưới 100 km, khiến cho việc đánh chặn bằng hệ thống đánh chặn đặt trên mặt đất (GBI) hoặc SM-3 đặt trên tàu hiện có là không thể.

Theo báo cáo "A Threat to America's Global Vigilance, Reach, and Power: High-Speed, Maneuvering Weapons" (Tạm dịch: Mối đe dọa đối với sự cảnh giới, tầm với và Sức mạnh Mỹ:

Các vũ khí cơ động, tốc độ cao) công bố cuối năm 2016 do một nhóm các chuyên gia cao cấp trình lên cho Ủy ban Nghiên cứu Không quân của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, Mỹ đang bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua công nghệ phát triển cả vũ khí phòng thủ, tấn công tốc độ cao.

Chính sách nhằm đạt lợi thế đơn phương thông qua phát triển các hệ thống tấn công chớp nhoáng toàn cầu của Mỹ dường như đã thất bại. Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã sở hữu nhiều đột phá công nghệ để đối phó với tham vọng này của Mỹ.

Moscow đã có những phương tiện hiệu quả để chống trả các hệ thống PGS cùng với khả năng phát động các đòn tấn công thông thường chớp nhoáng, khiến Washington phải cân nhắc rất kỹ trước khi tấn công chúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại