Việt Nam
Tết là dịp các thành viên trong gia đình quây quần. sum vầy bên nhau. Ảnh sưu tầm.
Tại Việt Nam, Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm, được gọi là Tết Nguyên Đán hay Tết Cả.
Khác với Tết Tây, Tết Nguyên Đán được tính theo chu kỳ của mặt trăng nên thường sẽ xảy ra sau đó khoảng 1-2 tháng.
Vào những ngày cuối năm, con cháu trong gia đình ở khắp mọi miền đất nước tề tựu về quê sum họp cùng gia đình. Sau cả năm bận rộn, đây là dịp mọi người có thể ngồi cạnh nhau kể những câu chuyện trong một năm vừa qua.
Theo quan niệm từ lâu đời, Tết là những ngày mở đầu một năm mới nên mọi người thường dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mua sắm đồ mới "lấy hên".
Nhiều gia đình còn kỳ công làm cây nêu treo trên mái nhà để xua đuổi ma quỷ, gói bánh chưng, bánh tét và làm nhiều món ăn đặc trưng khác.
Giao thừa là thời khắc cực kỳ quan trọng nên các gia đình rất chú trọng nghi thức này. Mỗi gia đình thường sẽ chuẩn bị hai mâm cỗ, một cúng gia tiên trong nhà, một cúng các vị thần linh ở ngoài trời.
Các hoạt động thường diễn ra vào dịp Tết là đi du xuân, lễ chùa, hái lộc, xông đất đầu năm,… Trẻ con thường sẽ được người lớn lì xì những phong bao đỏ thắm hàm ý sẽ hay ăn chóng lớn và gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Trung Quốc
Từ phố phường cho đến nhà ở, người dân thường trang trí đèn lồng và câu đối đỏ nhằm mang đến sự may mắn cho năm mới.
Người Trung Quốc bắt đầu chuẩn bị cho dịp Tết từ ngày 8/12 âm lịch. Lúc này, khắp phố phường đỏ rực những đồ vật trang trí trông vô cùng sặc sỡ và bắt mắt.
Họ cũng dọn dẹp thật sạch sẽ nhà cửa với quan niệm xóa bỏ những thứ xui xẻo ra khỏi nhà.
Theo truyền thống, người dân Trung Quốc thường trang trí nhà cửa bằng rất nhiều vật dụng màu đỏ như câu đối, đèn lồng, chùm pháo vì có quan niệm rằng, cứ vào ngày cuối cùng mỗi năm sẽ xuất hiện con quái vật chuyên quấy phá dân lành nhưng lại vô cùng sợ màu đỏ và tiếng ồn.
Vào dịp Tết, bánh tổ là loại bánh không thể thiếu trong bàn ăn của mỗi gia đình.
Bánh tổ được làm từ gạo nếp tuyển chọn nên có độ kết dính cao, có ý nghĩa rằng những người thân trong gia đình sẽ thêm gắn kết, keo sơn.
Số 6 và số 8 được coi là tài lộc và may mắn nên người Trung Quốc thường bày ra 6-8 ngăn kẹo bánh mời khách, được gọi là "khay sum họp".
Cũng giống như Việt Nam, người Trung Quốc cũng hay lì xì cho nhau, tặng kèm theo đó một túi cam hoặc quýt vì màu vàng và màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và giàu sang.
Hàn Quốc
Trong văn hóa Hàn Quốc, ngày lễ lớn nhất trong năm chính là Tết Nguyên đán, hay còn gọi là Seollal, ngày xua đuổi linh hồn xấu xa, điều xui xẻo và chào đón điều tốt lành.
Cũng giống như ở Việt Nam, Tết Seollal bắt đầu từ ngày 1/1 Âm lịch và thường kéo dài trong 3 ngày.
Trong dịp nghỉ Tết, hầu hết các doanh nghiệp Hàn Quốc đều đóng cửa. Người dân nghỉ làm để trở về thăm quê hương, quây quần bên gia đình.
Vào đêm 30 Tết, tất cả mọi người đều phải tắm gội bằng nước nóng để thanh tẩy cơ thể, sau đó sẽ mặc hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc) và tiến hành lễ cúng tổ tiên.
Mâm cỗ ngày Tết ở Hàn Quốc cũng rất được coi trọng. Đặc biệt, không thể thiếu món canh bánh gạo (Tteokguk).
Người dân nơi đây thường có thói quen hỏi nhau đã ăn bao nhiêu bát Tteokguk bởi họ quan niệm ăn bao nhiêu bát Tteokguk sẽ lớn thêm bấy nhiêu tuổi.
Người Hàn cũng thực hiện nghi thức cúi lạy, thể hiện sự kính trọng sâu sắc của người trẻ dành cho những người lớn tuổi trong gia đình.
Người cúi lạy sẽ phải quỳ xuống sàn nhà và mở rộng cánh tay của mình ra. Đàn ông đặt bàn tay trái qua tay phải, còn phụ nữ đặt bàn tay phải qua bàn tay trái.
Triều Tiên
Tết Nguyên đán được coi là một ngày lễ Tết ở Triều Tiên kể từ năm 1989.
Tết của người dân Triều Tiên kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục truyền thống không thể thiếu như dán hình động vật lên cửa để cầu may, xem bói, đón trăng mọc…
Vào đêm 30 Tết, mọi người trong gia đình cùng nhau quét dọn nhà cửa, treo câu đối, tranh Tết, làm cơm Tết và quây quần bên nhau để chuẩn bị đón thời khắc chuyển giao của đất và trời.
Sáng mùng 1, người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ đại diện làm lễ tạ ơn gia tiên.
Trong mâm cỗ Tết của người Triều Tiên không thể thiếu món Ttok-kuk, một món ăn được chế biến từ bánh gạo, đậu xanh và nước cơm. Món ăn này được cho rằng có thể giúp mọi người sống lâu hơn.
Singapore
Giống như Việt Nam, Tết Nguyên đán ở Singapore là một trong những ngày lễ trọng đại nhất trong năm.
Những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra với Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay, kéo dài từ mùng 1 tết cho đến 15 tháng Giêng âm lịch.
Vào dịp lễ tết, người Singapore thường ăn bánh tang yuan (bánh trôi tàu) với ý nghĩa đoàn viên, sum họp.
Ngoài ra, mâm cỗ Tết nơi đây cũng không thể thiếu các món ăn khác như Yusheng (cá sống), Chang shou mian (mỳ trường thọ), Pencai (món ăn bao gồm thịt heo, thịt gà, nấm, hải sản, bào ngư, hải sâm, sò điệp),…
Malaysia
1/4 dân số Malaysia là người Hoa kiều, vì vậy Tết Nguyên đán là một dịp rất quan trọng với họ. Nó cũng được coi là kỳ nghỉ chính thức tại quốc gia này.
Vào tối giao thừa pháo hoa sẽ được bắn tại tháp đôi Petronas. Các hoạt động như múa lân, sư tử diễn ra tại khu phố người Hoa.
Giống như bao quốc gia đón Tết Nguyên đán khác, đây cũng là dịp để người dân ở Malaysia có dịp đoàn tụ, quây quần bên nhau.