Soi đèn ở chợ cá cảnh “âm phủ”
Với tín đồ cá cảnh (cá kiểng), không ai không biết đến khu chợ Lưu Xuân Tín (quận 5, TPHCM). Điểm đặc biệt, chợ họp nhộn nhịp nhất từ 3 giờ đến 6 giờ sáng; sau đó “biến mất” lạ thường. Sau 6 giờ, khúc đường Trần Hưng Đạo - Lưu Xuân Tín lại ngược xuôi xe cộ.
Khi mặt trời còn chưa ló dạng, chợ cá cảnh “âm phủ” đã bắt đầu nhộn nhịp. Những bọc cá đủ các loại như bảy màu, blue tarzan, tiger, full gold, full red guppy, beta, cá đĩa, ba đuôi… có giá khoảng 150.000-200.000 đồng/bọc (50-60 con); thậm chí có cả cá tiền tỷ như cá koi, la hán… được bơm sẵn oxy bày la liệt trên mặt đường. Khách hàng - đa số là nam giới - thích loại nào sẽ cầm đèn pin soi vào bọc cá để ngắm nghía, trả giá trước khi quyết định xuống tiền.
“Tôi nghe về chợ cá cảnh này từ lâu nhưng nay mới tới mua lần đầu. Cá ở đây đẹp, đa dạng chủng loại và giá lại mềm hơn khi mua tại cửa hàng. Hôm nay tôi chọn được bọc cá ba đuôi rất ưng ý nhưng giá chỉ 200.000 đồng để bổ sung vào hồ thủy sinh trong nhà” - anh Hùng (ngụ quận 4) vui vẻ nói.
Tầm 4 giờ, chợ cá cảnh sầm uất nhất, kẻ mua người bán chật kín cả con đường. Dựng chiếc xe honda cũ kỹ được độ thêm hai thanh gỗ phía sau chất đầy những bọc cá cảnh, anh Nguyễn Thanh Tâm (42 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cùng cậu con trai cẩn thận chuyển từng bọc cá cảnh xuống vệ đường. Vừa xuống hàng, khách đã sà vào xem. Anh Tâm chuẩn bị thêm cây đèn pin vừa chiếu sáng các bịch cá để khách dễ lựa chọn.
Theo lời anh Tâm, ngoài số cá tự nhân giống tại nhà, anh còn đến nhiều nhà vườn thu mua thêm cá cảnh để chủng loại thêm phong phú. “Trước đây tôi cung cấp cho các cửa hàng cá cảnh, nhưng sau này phải cạnh tranh nhiều, có khi còn bị bị ép giá, rồi thêm đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua khiến việc làm ăn càng khó khăn hơn. Do đó, tôi quyết định đem cá ra chợ tự bán tới nay đã gần 3 năm. Bán cá thỏa đam mê, lời trung bình khoảng 500.000 đồng/ngày đủ đắp đổi qua ngày” - anh Tâm nói.
Theo lời người bán, chợ cá cảnh này ra đời từ trước năm 1975. Thương nhân ở nhiều quận huyện như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, quận 6, quận 8... tập họp tự phát trên tuyến đường này để mua bán cá cảnh. Ban đầu chỉ vài ba người, dần dần nhiều thêm. Con đường nhỏ trở thành khu chợ mua bán cá cảnh tấp nập với số lượng giao dịch lớn hàng đầu cả nước. Cá cảnh các loại từ khắp các tỉnh Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long ... và cả các huyện ngoại thành TPHCM đều được quy tập về đây, sau đó phân phối ngược về cho các cửa hàng kinh doanh cá cảnh trên cả nước.
Anh Mười - chủ cá cảnh Mười được mệnh danh là “ông trùm” của khu chợ bởi độ thâm niên cũng như quy mô kinh doanh. Xua tay từ chối danh “ông trùm”, anh Mười cười hiền lành bảo, mình cũng chỉ kinh doanh nhỏ thôi. Do có điểm bán cố định nên bán được cả ngày lẫn đêm. “Mỗi đêm có cả trăm ngàn con cá cảnh xuất đi các nơi. Giá cá cảnh tại chợ thường thấp hơn khoảng 20% so với trong tiệm. Do đặc thù chợ chỉ họp vài tiếng lúc gần sáng, người mua kẻ bán cá cảnh cầm đèn săm soi cá đã trở thành nét độc lạ khiến khu chợ nổi tiếng” - anh Mười dí dỏm nói.
Chợ bình yên
Cách chợ cá cảnh “âm phủ” không xa, một khu “chợ đàn ông” khác là những hàng bán côn trùng, sâu bọ nằm rải rác vỉa hè bên hông Trung tâm thương mại Thuận Kiều Plaza (quận 5).
Từ tờ mờ sáng, những “tiểu thương” bắt đầu dọn hàng. Từ sâu non, cào cào, châu chấu, dế lửa đến cả rết, giun đất, thằn lằn, rắn liu điu … đều nằm lúc nhúc trong những chiếc thùng xốp tạm khiến bất kỳ ai yếu bóng vía đều phải rùng mình. Những người bán ở đây chủ yếu đến từ các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, thậm chí có người mang côn trùng từ Tây Ninh lên để bán. Một số người phải lấy hàng từ đầu mối, nhưng cũng có người trực tiếp đi bắt ngoài đồng, bỏ vào rọ rồi mang đến bán.
Bật cười khi tôi hỏi vì sao có cái tên “chợ đàn ông” ở nơi bán côn trùng này, chị Thìn (48 tuổi, ngụ quận 8) gần 30 năm buôn bán tại đây giải thích, do khách chủ yếu là đàn ông. Các ông có sở thích chơi chim, cá nên thường mua sâu bọ, côn trùng về cho chúng ăn, thế là “chết tên” khu chợ đàn ông từ đó.
Đang trò chuyện, một vị khách đi xe máy tới, chị Thìn đếm 5 bịch cào cào, một lon sâu gạo… bỏ vào bao xốp. Khách đưa 30.000 đồng rồi phóng xe đi thẳng. Chị cho hay, ở tất cả những “quầy” hàng, người bán đều cột sẵn côn trùng vào bịch ni-lông, giá từ 2.000 - 5.000 đồng/bịch. Vì quá rẻ nên khách đến mua cũng không kì kèo, trả giá, chỉ hỏi loại cần rồi cứ vậy trả tiền.
Đôi bàn tay đen sạm và dậy mùi hăng hắc do thường xuyên tiếp xúc với côn trùng, bà Lan (gần 60 tuổi) - một trong những người bán ở đây lâu nhất chia sẻ, từ trước năm 1975 ở đây đã là nơi chuyên bán chim, gà chọi…
Sau đó, một số người mới đem sâu tới bán cho người ta mua về nuôi chim. Thấy bán được, có người nuôi rồi đem ra đây giao mối nên hình thành ra chợ - bà Lan cho biết.
Bốc thẳng tay vào đám sâu bọ lúc nhúc, ông Tám (ngụ huyện Hóc Môn) đã bán hàng tại chợ được 10 năm cười xòa khi thấy chúng tôi rùng mình. Ông kể, lúc đầu cũng ngán nhưng bán riết rồi quen. Giờ thằn lằn, rắn, rết, sâu bọ… gì ông cũng dùng tay không bắt dễ như chơi. “Nhiều năm trước, cào cào châu chấu ở các quận, huyện ngoại thành nhiều vô kể nhưng giá rẻ bèo, “chiến lợi phẩm” chỉ sau vài giờ bắt không dưới 2 kg nhưng bán chỉ vài ba chục ngàn đồng. Còn bây giờ, một bịch cào cào chỉ vài con nhưng giá 5.000-7.000 đồng tùy loại nhưng không có để bắt. Các mặt hàng mình bán đều do người ta nuôi, có thương lái bỏ sỉ, mình bán lấy công làm lời” - ông Tám thật tình nói.
Từ ngày có “chợ” sâu bọ, dân chơi chim khắp nơi về đây vào mỗi sáng để mua bán chim hoặc để nói chuyện tào lao xí đế. Tiếng chim hót, tiếng dế kêu, tiếng cào cào búng tanh tách… là những hình ảnh quê quen thuộc với nhiều người. Chính vì vậy, khu chợ độc đáo này không chỉ là nơi mưu sinh mà đã trở thành một nét văn hóa thú vị của người Sài thành, mang dáng dấp góc quê yên bình không dễ tìm thấy nơi chốn phồn hoa đô hội...