Hai nhân vật trong số những người giàu có nhất Trung Quốc đều từng có "khởi đầu" từ việc bán hàng dạo trên đường phố, theo Nikkei Asian Review (Nikkei).
Ông Nhậm Chính Phi (nhà sáng lập, CEO tập đoàn viễn thông Huawei) từng bán thuốc giảm cân và bình chữa cháy trên đường phố trước khi thành lập tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc.
Ông Mã Vân (Jack Ma, đồng sáng lập, cựu chủ tịch điều hành Alibaba) từng bán những món đồ lặt vặt ở Chiết Giang trước khi thành lập Alibaba - "gã khổng lồ" trong ngành thương mại điện tử.
Vào các thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, các sạp bán hàng trên đường phố được coi là những dấu hiệu đầu tiên của kinh tế thị trường tại Trung Quốc. Ngày nay, chúng lại một lần nữa trở lại tâm điểm chú ý và trở thành chủ đề tranh luận "nóng" trong giới lãnh đạo Trung Quốc.
Đề xuất về "nền kinh tế vỉa hè" gây tranh cãi
Nikkei cho biết, hôm 1/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến thăm thành phố cảng Yên Đài, thuộc tỉnh Sơn Đông, và ông đã ghé thăm một số sạp hàng rong tại đây. Ông Lý cũng đã dành lời khen ngợi cho các chủ sạp hàng này, đồng thời tuyên bố rằng "nền kinh tế vỉa hè" sẽ là "nguồn cung ứng việc làm quan trọng" và là "một phần làm nên sức sống của Trung Quốc".
Vài ngày trước đó, Thủ tướng Lý từng đề cập và nhấn mạnh về khả năng tạo việc làm của các sạp hàng rong trong một buổi họp báo sau kỳ họp Quốc hội Trung Quốc. Rất nhanh chóng, cụm từ "nền kinh tế vỉa hè" đã trở thành một "thuật ngữ" mới gây sốt trong dư luận.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ghé thăm sạp hàng rong tại thành phố cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. Ảnh: Kyodo
Chủ đề về "nền kinh tế vỉa hè" đã nổi lên trong bối cảnh Trung Quốc đang có tỷ lệ thất nghiệp rất cao do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong khi nhiều người lao động cố gắng tìm kiếm việc làm, thì nhiều công ty lại đang gặp khó khăn và không có nhu cầu tuyển thêm nhân lực.
Một ý kiến ước tính tỷ lệ thất nghiệp thực tế tại Trung Quốc có thể lên đến 20%, nếu tính cả đối tượng lao động di cư mất việc làm tại các khu đô thị và buộc phải trở về quê.
Vậy Trung Quốc nên làm gì để thoát khỏi "cơn bão" kinh tế này? Ai sẽ là vị cứu tinh, ai sẽ đưa ra những biện pháp cụ thể để giúp Trung Quốc thoát khỏi cuộc khủng hoảng này? Đây là những vấn đề đang được tranh luận rất nhiều trong dư luận Trung Quốc hiện nay, theo Nikkei.
Trong đó, một trong những chủ đề nóng nhất là những quầy hàng rong bán các loại đồ ăn, quần áo và thực phẩm khô giá rẻ.
Trong vài năm qua, chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực dẹp các sạp hàng rong này để duy trì an ninh và tăng cường quản lý. Trong khi đó, tuyên bố ủng hộ "nền kinh tế vỉa hè" của ông Lý Khắc Cường lại đi ngược lại với chính sách này.
Ngày nay, khác với những người bán hàng rong của thời trước thường buôn đồ giả, những người bán hàng rong thế hệ mới đều ít nhiều am hiểu về công nghệ.
Nhiều người treo hẳn mã QR để người mua hàng có thể quét mã bằng điện thoại của mình để thanh toán. Nếu có bất cứ vấn đề gì, thì họ có thể truy lại lịch sử giao dịch.
"Nếu tất cả mọi người đều làm việc chăm chỉ, thì việc kinh doanh sẽ sống sót và phát triển mạnh mẽ hơn, và đất nước sẽ tạo điều kiện cho họ phát triển", Thủ tưởng Lý nói với một chủ sạp hàng rong tại thành phố Yên Đài, hãng Tân Hoa Xã đưa tin hôm 2/6.
Vài ngày sau, cụm từ "nền kinh tế vỉa hè" đã nhận về không chỉ một phản ứng trái chiều. Tờ Nhật báo Bắc Kinh, cơ quan ngôn luận chính thức của Thành ủy Bắc Kinh, đã đăng tải một bài xã luận nêu luận điểm rằng các sạp hàng rong không phù hợp với thành phố thủ đô của Trung Quốc.
Bài xã luận này cũng đã chỉ trích việc sử dụng cụm từ "nền kinh tế vỉa hè", điều Thủ tướng Lý đã khuyến khích trong chuyến thăm thành phố Yên Đài và trong phát biểu trước đó.
Một ngày sau đó, đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng đã đưa ra bình luận tương tự.
Một người bán hàng rong ở Bắc Kinh Ảnh: Reuters
Các thông điệp trái ngược đã khiến nhiều thành phố của Trung Quốc trở nên bối rối. Một ngày sau khi Thủ tướng Lý khen ngợi "nền kinh tế vỉa hè", tại thành phố cảng Đại Liên của tỉnh Liêu Ninh, lệnh cấm họp chợ đêm đã được dỡ bỏ tại nhiều khu vực.
Tuy nhiên, ngay sau đó, giới chức thành phố Đại Liên đã đảo ngược quyết định.
Rộ đồn đoán về "sóng ngầm" ở Trung Nam Hải
Những phát ngôn và bình luận trái chiều đã dấy lên nhiều đồn đoán về cơn "sóng ngầm" tại Trung Nam Hải. Còn theo Nikkei, một điều thú vị liên quan tới vấn đề này là các bên công khai chỉ trích đề xuất về "nền kinh tế vỉa hè" đều có người thân cận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hai cơ quan được nêu tên là chính quyền thủ đô Bắc Kinh, và cơ quan quản lý truyền thông của trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCS TQ).
Một trong những nhân vật cấp cao tại Bắc Kinh có thể kể đến là Bí thư Thành ủy Thái Kỳ, một trong 25 ủy viên Bộ chính trị trung ương ĐCS TQ.
Trên cương vị là Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, ông Thái từ lâu đã nỗ lực "chỉnh trang" bộ mặt đô thị, trong đó phải kể đến việc dẹp bỏ những tòa nhà tồi tàn - nơi các lao động nhập cư đến từ vùng nông thôn sinh sống.
Ông Thái cũng đã dẹp bỏ các sạp hàng rong vì lý do an ninh và ngừa ô nhiễm môi trường. Thậm chí một số cửa hàng gia đình nhỏ ở tầng 1 tại một số tòa nhà cũng phải dời đi.
Kết quả là nhiều người có thu nhập thấp - lực lượng làm nên nền kinh tế đường phố - đã buộc phải rời khỏi Bắc Kinh.
Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ. Ảnh: Kyodo
Thủ tướng Lý được cho là khá được lòng những người dân nghèo. Một người trí thức bình luận rằng "những người bình thường sẽ cảm thấy Thủ tướng nghĩ cho họ và sinh kế của họ nhiều hơn".
Người thầy của Thủ tướng Lý, nhà kinh tế học Lệ Dĩ Ninh, cũng từng có đánh giá lạc quan về vai trò của các sạp hàng rong đối với nền kinh tế.
Thực tế là không phải toàn bộ 1,4 tỉ dân Trung Quốc đều làm việc trong các tập đoàn, công ty lớn. Phần đông trong số đó làm nghề tự do hoặc làm việc tại các công ty vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, một nửa dân số Trung Quốc sinh sống ở vùng nông thôn.
Trong cuộc họp báo hôm 28/5, Thủ tướng Lý đã đề cập tới thực tế về cấu trúc xã hội: "Vẫn có khoảng 600 triệu người có thu nhập thấp hoặc trung bình, hoặc thậm chí thấp hơn thế. Thu nhập hàng tháng của họ chỉ ở mức 1.000 nhân dân tệ (khoảng 142 USD), không đủ để thuê một căn phòng ở một thành phố hạng trung của Trung Quốc".
600 triệu người nói trên tương ứng với hơn 40% dân số Trung Quốc, và phát ngôn của Thủ tướng Lý đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người dân nước này.
Trong khi đó, ông Tập được cho là đang cố gắng đạt được những thành tựu trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã nhanh chóng có phản hồi về thông tin Thủ tướng Lý đã đưa ra trong phát biểu của mình.
Theo đó, cơ quan này giải thích rằng trong số 600 triệu người được ông Lý đề cập có cả trẻ em và người già không có thu nhập. Điều này khiến mức thu nhập trung bình của nhóm đối tượng này giảm xuống mức rất thấp. Thực tế, nhiều người kiếm được nhiều hơn mức 1.000 Nhân dân tệ/tháng rất nhiều, cơ quan này cho biết.
Nikkei cho biết động thái của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc khá lạ lùng, bởi cơ quan này vốn thuộc sự quản lý trực tiếp của Thủ tướng Lý.
Đặc biệt, sự "lạ lùng" nói trên được đặt trong bối cảnh Trung Quốc đang bước vào mùa chính trị có lẽ là quan trọng nhất trong vòng 1 thập kỷ, bởi trong mùa hè năm nay, phương hướng về thay đổi nhân sự trong kỳ đại hội đảng toàn quốc năm 2022 sẽ được quyết định, theo Nikkei.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: