Những nguy cơ của cuộc chiến tranh tài chính Mỹ-Trung

Hoài Thanh |

Có nhiều lý do để nhà đầu tư tránh cổ phiếu Trung Quốc. Nhưng COVID-19 không nằm trong số này.

Kinh tế toàn cầu đang chao đảo vì đại dịch COVID-19. Điều cần tránh nhất lúc này là một cuộc chiến tranh thương mại đang nhen nhóm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vậy nhưng chính quyền Mỹ dường như đã sẵn sàng chấp nhận mối nguy đó. Nhà Trắng trong tuần này đã có động thái khơi mào, có thể coi là phát súng đầu tiên trong một cuộc chiến tranh tài chính mới.

Bộ trưởng Lao động Mỹ Eugene Scalia đã viết thư gửi ban điều hành quỹ Kế hoạch Tiế kiệm Hưu trí (TSP), nói rằng Tổng thống Trump yêu cầu quỹ dừng đầu tư vào nhiều cổ phiếu của các công ty đến từ Trung Quốc. TSP nắm giữ khoản tiền gần 600 tỉ USD, đại diện cho 5,9 triệu nhân viên liên bang đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu. Cùng lúc, Nhà Trắng có kế hoạch thay 3 trên tổng số 5 giám đốc của TSP.

Có nhiều luồng tranh luận mạnh mẽ ủng hộ luận điểm quỹ lương hưu liên bang không nên đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc. Một số không hài lòng về hồ sơ nhân quyền tại Trung Quốc, số khác xem Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ. Các công ty Trung Quốc cũng không thuộc đối tượng điều chỉnh của nhiều điều luật như cổ phiếu của các công ty Mỹ phải tuân thủ. Một số nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ cũng lên tiếng hối thúc ban điều hành TSP và Nhà Trắng dừng hoạt động đầu tư của quỹ vào những công ty Trung Quốc.

Thế nhưng sẽ là sai lầm nếu gắn vấn đề đầu tư này với trò chơi đổ lỗi ngày một căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến COVID-19. Tổng thống Trump trực tiếp can dự với Bắc Kinh, trong đó có đề cập việc Mỹ đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại tài chính vì COVID-19. Ông Trump hồi tuần trước đã gọi đại dịch là một cuộc “tấn công” nhằm vào Mỹ tương tự như vụ tấn công Chân Trâu Cảng hay vụ khủng bố nhằm Trung tâm Thương mại Thế giới 11/9/2001.

Bức thư của ông Scalia cũng trích dẫn lời của cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien và Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow, cảnh báo rằng các khoản đầu tư vào Trung Quốc có nguy cơ rủi ro, vì không loại trừ “các lệnh trừng phạt trong tương lai sẽ khởi phát từ những hành vi tội lỗi của chính phủ Trung Quốc” liên quan đến đại dịch.

Tổng thống Mỹ đã đúng khi gây sức ép đòi Trung Quốc cởi mở hơn về nguồn gốc COVID-19. Chính quyền Bắc Kinh có thể bị chỉ trích vì đã giấu thông tin trong giai đoạn đầu, làm chậm những nỗ lực kiểm soát virus. Nhưng nhiều nước và và nhiều lãnh đạo – không chỉ có ông Trump, đã phạm phải nhiều sai lầm nghiêm trọng, làm tình hình dịch bệnh xấu đi. Những tuyên bố đòi Trung Quốc trang trải chi phí để đối phó với đại dịch là vô nghĩa.

Gắn những tuyên bố như vậy với hành động hạn chế đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc có nguy cơ gây tâm lý hoảng sợ trên các thị trường, hoặc phá hỏng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 được ký kết hồi tháng 1 vừa qua. Thực thi hành động như vậy nhằm vào nước đứng hàng thứ hai thế giới về giá trị nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ trong bối cảnh Washington chuẩn bị phát hành hàng nghìn tỉ USD giấy tờ ghi nợ trong năm nay dường như là việc làm liều lĩnh.

Bước đi này chỉ kích thích đòn đáp trả tiềm tàng từ giới chức Bắc Kinh, số lo ngại rằng việc cấm đoán này sẽ được mở rộng, không chỉ giới hạn các quỹ lương hưu, mà còn mở sang cộng đồng giới đầu tư.

Chủ nghĩa dân tộc dâng cao tại Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, những thách thức mà Bắc Kinh gây ra đối với lợi ích chiến lược của Mỹ, việc thiếu tôn trọng bảo vệ sở hữu trí tuệ - đó là những nhân tố kích thích tiếng nói đòi Mỹ phải điều chỉnh can dự và xu hướng này xuất hiện trước cả thời điểm ông Trump lên nắm quyền.

Có nhiều lý do hợp lý để các nhà đầu tư Mỹ, đặc biệt là những thực thể nhà nước, tránh một số chứng khoán Trung Quốc. Đại dịch có thể đã tạo ra một cơ hội hợp tác. Nhưng thay vào đó, chính quyền Tổng thống Mỹ, vì tìm cách đánh loãng dư luận, né tránh chỉ trích xử lý không tốt đại dịch, lại mạo hiểm làm trầm trọng hơn một khủng hoảng toàn cầu vốn đã nghiêm trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại