Những người hùng trong lửa

Hoàng Xuân - Ảnh: Thanh Nguyễn; Hoàng Long |

Nhờ tinh thần lăn xả quên mình của những anh hùng như anh An, anh Nhã mà hàng trăm mạng người được cứu thoát khỏi bàn tay thần hỏa trong đám cháy chung cư Carina.

Những người hùng trong lửa - Ảnh 1.

Trụ sở lực lượng  PCCC TP HCM nằm trên con đường Trần Hưng Đạo, một trong những con đường có hàng cây xanh đẹp nhất Sài Gòn. Chiều chiều, tụi con nít đi học về hay đòi ba mẹ chở ngang qua đây, dừng lại ngắm say sưa những chiếc xe cứu hỏa đồ sộ đỏ tươi có chiếc thang dài trên đầu. Bộ đồ chơi của các chú nhóc nào mà chẳng có chiếc xe cứu hỏa. Còn trong trí tưởng tượng của bọn trẻ con, các chú cứu hỏa quá sức oai hùng: chiếc xe đỏ chót phóng trên đường phố, còi thét vang, tất cả mọi người phải dạt hết sang bên. Trong đám cháy, người ta cuống cuồng chạy ra, chỉ có chú cứu hỏa xông vào. Chú đứng ngạo nghễ trên chiếc thang chót vót phun luồng nước mạnh mẽ dập tắt đám cháy, cứu tất cả mọi người. Chú là anh hùng. Chú không bao giờ sợ hãi.

Các cậu nhóc không bao giờ nghĩ , cha mẹ chúng cũng có thể không biết. Nhưng tất cả những người anh hùng ấy đều đã nhiều lần gục ngã vì mỏi mệt như thế này:

Những người hùng trong lửa - Ảnh 2.

Đó là những tấm ảnh người dân chụp được trong đám cháy chung cư Carina ở quận 8 TP HCM hôm 23/3/2018. Trong cái đêm kinh hoàng đó đã có 205 chiến sĩ PCCC thuộc các lực lượng PCCC xông vào ngọn lửa, chạy quần quật hàng ngàn bậc thang trong luồng khói đen mù mịt và trong tầng hầm rực lửa  để dập tắt, hướng dẫn, khiêng, vác, dìu, bế cứu thoát những nạn nhân của vụ cháy.

Những người hùng trong lửa - Ảnh 3.

Một bộ trang phục của lính PCCC, ngoài trang phục chống cháy còn có chiếc mũ bảo hiểm nặng chừng 5 kg, chiếc mặt nạ phòng độc nối với bình ô xy đeo sau lưng, đôi ủng đế dày, chiếc thắt lưng đeo sẵn hai chiếc móc chuyên dụng để dùng nó leo lên tầng cao. Tổng cộng khoảng 30 kg thiết bị trên người anh lính cứu hỏa. Bình ôxy lúc thường đủ hít thở khoảng 45 phút, nhưng khi chạy huỳnh huỵch và mang vác người, vì thở dồn dập nên chúng cạn rất nhanh.

Hôm ấy nhiều chiến sĩ PCCC không kịp chạy ra ngoài để thay bình rồi trở vào lại.

"Tôi cũng bị gần cạn bình ôxy lúc ở trên lầu 8. Nhưng bỏ ra một chút rồi lại chạy lên tiếp chứ nếu chạy xuống dưới đất thay bình rồi lại chạy lên thì không kịp. Vì chỉ cần ngạt thở trong bốn phút thôi là đã tử vong, mà có rất nhiều người đang cần cứu. Hôm đó nếu có sự cố gì trong chung cư, ví dụ như sập đổ… mà cạn bình dưỡng khí thì lính PCCC cũng không kịp thoát ra ngoài được đâu. Nhưng lúc đó không ai nghĩ gì nữa. "-Đại úy Châu Thanh Quang, đội trưởng Đội PCCC chuyên nghiệp quận 8 (nay là Đội phó Đội Cảnh sát PCCC-cứu nạn cứu hộ khu vực V, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an TP HCM) nói.

Tôi đã đến chung cư Carina gần như mỗi ngày, suốt gần ba tuần đầu sau vụ cháy. Ngay cả khi đã dọn dẹp gần như sạch sẽ thì mãi một tháng sau, trong khu chung cư vẫn phảng phất mùi khói khét lẹt độc địa từ nhựa, kim loại của hàng trăm chiếc xe cháy ngùn ngụt, cùng với đường ống dẫn chất thải vỡ toang ở tầng  hầm.  Những ngày đầu thì gần như không thở nổi, phải bịt hai chiếc khẩu trang chồng vào mới có thể gắng gượng.

Đêm xảy ra vụ cháy, toàn 6 ba khối nhà chung cư chìm trong đêm tối như mực vì bị cắt điện, đèn khẩn cấp không sáng. Chung cư có hai lối đi bộ, một lối dẫn thẳng xuống tầng hầm, một lối thoát ra ngoài, phía tiền sảnh hướng ra đường. Nhưng trong đêm tối, hoảng loạn cùng cực vì không hề có loa hướng dẫn, người dân hoàn toàn mất phương hướng. Thay vì chạy ra hướng cầu thang "sống" hoặc chạy lên tầng thượng, rất nhiều người đổ dồn chạy xuống cầu thang phía ngược lại, và do cửa đã bị mở trước đó khiến khí độc tràn ngập buồng thang thoát hiểm, họ chết ngay ở chiếu nghỉ dẫn xuống tầng trệt.

"Tối và rất nóng. Tụi em không có sơ đồ của chung cư, chỉ nhắm nhắm đoán hướng cửa thang bộ. Lúc đó không nghĩ gì nữa, chỉ biết làm sao phải vô được nhanh nhất để cứu người. Em vừa chạy lên mấy bước thì đụng trúng bốn năm người nằm dưới chân cầu thang. Cả một em bé nữa. Kiểm tra lại thì bà con chết hết rồi. Em ôm em bé, các đồng đội khác ôm lấy những người còn lại đưa ra ngoài. Rồi xông vô tiếp."-Nguyễn Phong Nhã (25 tuổi), lính PCCC thuộc Đội Cảnh sát PCCC quận 6 kể lại.

Hôm đó, đội quận 6 gần nhất nên đến đám cháy đầu tiên. Trinh sát xông vào tầng hầm tìm góc lửa để cô lập. Mũi thứ hai theo sau cầm vòi xịt nước làm mát cho đội trinh sát. Nhưng khói, khí độc từ tầng hầm bốc lên cuồn cuộn, họ không thể nào tìm ra cánh cửa dẫn xuống tầng hầm nên phải quay trở ra. Đang ở mũi làm mát, Nhã cùng 3 chiến sĩ khác nhận lệnh tìm lối thoát hiểm quay trở lên cứu người dân.

Những người hùng trong lửa - Ảnh 4.

Nguyễn Phong Nhã, 25 tuổi, chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC quận 6, nay là chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC-cứu nạn cứu hộ khu vực I, Phòng Cảnh sát PCCC-cứu nạn cứu hộ, Công an TP HCM.

Những người hùng trong lửa - Ảnh 5.

Nhã là người đi đầu tiên. Đội trưởng buộc một sợi dây cứu hộ vào người tất cả 4 chiến sĩ để lỡ người nào bị ngạt hay bị thương ngã xuống thì những người kia biết cứu kịp thời. Nhưng khói lửa vẫn rừng rực. Họ phải tiếp cận hai lần mới vào được bên trong khối nhà.

Trong hành lang lầu 10 của lô A, lô trực tiếp hứng toàn bộ khói lửa, Nhã gặp một thiếu phụ mang bầu rất to đi loạng choạng. Chạy và vác người lên xuống nhiều lần rồi, Nhã đã rất mệt. Nhưng người phụ nữ kia bụng bầu đã to, lại như sắp ngất xỉu. Nhã đỡ chị, tháo mặt nạ dưỡng khí của mình cho chị thở. Nhưng không thể đưa chị đi xuống mười mấy tầng lầu vẫn còn ngạt khói được, Nhã dìu chị đi bốn tầng nữa lên sân thượng, giao cho mấy đồng đội ở đó rồi tiếp tục đi xuống tìm người.

"Lúc đó mặt chị ấy cũng đen khói, em cũng vậy, lại còn cái mũ, cái mặt nạ, chẳng ai nhìn ra ai hết. Em hay đi qua chung cư lắm, muốn vô thăm coi giờ thế nào nhưng không dám ghé vô, sợ bà con nghĩ không hay. Nhưng em rất muốn tìm lại chị dó để hỏi coi chỉ (chị ấy) có mẹ tròn con vuông không, cháu bé sanh ra có được mạnh khỏe không. Nếu chị  tìm được, nói em gởi lời hỏi thăm chị ấy nha"-Nhã nhìn tôi hy vọng.

Những người hùng trong lửa - Ảnh 6.

Quy định của PCCC Việt Nam là trong 60 giây kể từ khi có chuông báo, xe chữa cháy và chiến sĩ phải xuất phát khỏi trụ sở. Hai chiếc cột kim loại như thế này được lắp trong khu vực xe chữa cháy, thông với phòng ở của chiến sĩ Đội PCCC khu vực I. Khi có chuông, chiến sĩ có mặt trên phòng sẽ ôm cột tuột xuống khu để xe chữa cháy như thế này, nhanh hơn rất nhiều so với chạy thang bộ.

Tôi đã đi tìm người phụ nữ để chuyển lời thăm hỏi của chú lính cứu hỏa có gương mặt rất "sữa" đó. Ở nhóm cộng đồng của cư dân lô A chung cư Carina, tôi kể lại câu chuyện của Nhã và hỏi xem nếu có người phụ nữ ấy trong này thì cho tôi biết. Tôi không tìm được cô ấy, có thể cô ấy không có trong nhóm, có thể có nhưng chưa kịp đọc, cũng có thể cô ấy đã chuyển đi nơi khác sinh sống.. Thế nhưng tôi lại được biết một câu chuyện khác mà người được cứu cũng là một phụ nữ mang thai tám tháng chạy trốn trên thang bộ tầng 12. Lúc ấy chị đã sắp ngất, nhưng được một cư dân khác cứu đưa vào nhà anh. Đến 4 giờ sáng khi tình hình đã yên ổn, anh dìu người sản phụ lên sân thượng rồi được lực lượng cứu hộ đưa xuống bằng băng ca.

Cái nghĩa của những người cùng trải qua hoạn nạn như thế đó, là không cần biết ai là ai mà chỉ ra hết sức giúp nhau cái đã. Anh bảo vệ tên An đã hy sinh là một người như thế.

Hoạt động tập luyện hàng ngày của các chiến sĩ Đội PCCC.

Những người hùng trong lửa - Ảnh 8.

"Bữa nay mùng 5 (âm lịch). Còn hai ngày nữa là tròn 9 tháng thằng An nó chết, cô à. Tui đếm, tui nhớ từng ngày. Nói thiệt với cô, lúc nó chết, cả mấy tháng sau tui như người muốn điên vậy. Không ăn được. Không ngủ được. Tui không đi ra ngoài, không đi chợ luôn. Ra ngoài gặp người lạ ai cũng hỏi thăm, hỏi chị khỏe không, trong lòng tui khó chịu lắm. Người ta cứ hỏi thăm thì tui lại nhớ: con tui nó chết rồi.

Những người hùng trong lửa - Ảnh 9.

Từ ngày con mất, mẹ của anh An không lên phòng ngủ nữa. Bà cứ nằm đây với con. Ảnh Hoàng Long

Giờ bàn thờ nó để đây, cái ghế này tui cứ kê gối ở đây tui nằm với nó, tui không muốn lên trên lầu ngủ nữa. Bữa chiều đó nó còn ngồi đây bưng tô cơm bự ăn, nó còn ghẹo tui "con đi làm đây mẹ hiền". Nó còn hỏi sáng mai má ăn gì má. Chiều nào đi làm nó cũng hỏi như vậy hết, rồi sáng sau nó mua về hai hộp, hai mẹ con ăn. Sáng nào cũng vậy, mà nó đi đâu về cũng vậy, cái gì ngon cũng mua về cho má. Con tui có hiếu lắm cô à. Xa mấy, mắc mấy nó cũng đi mua cho má bằng được hết.

Rồi nó đi làm, nó chết. Mà lúc đó mình là mẹ nó, mình lại đang ngủ…

Sáng sau tui cũng có biết gì đâu, tui cứ trông con hoài. Sao trễ quá mà nó chưa về! Rồi nghe bên chung cư cháy. Mấy đứa nhỏ giấu giếm đâu có cho tui hay. Nhưng mà tui thấy tụi nó lạ lạ, tụi nó cứ xà quần nói má đi nằm nghỉ đi má, tui thấy… tui thấy không lành rồi.

Tới trưa người ta đưa nó về. Mặt nó cũng bình thường không ám khói gì. Người ta nói nó cứu được nhiều người xuống rồi,nó ra ngoài rồi mà thấy ở trên người ta khóc la dữ quá nó lại chạy lên. Nên nó mệt, nó ngợp khói chết trong hành lang cô à.

Những người hùng trong lửa - Ảnh 10.

Ảnh: Hoàng Long

Hồi mấy tháng sau lúc nó chết, con tui nói má đừng ở trong nhà nữa,  má đi ra ngoài đi cho đỡ buồn. Mà đi đâu? Đi đâu cũng nhớ nó, phải về một ngày ba bữa cúng cơm cho nó, thắp nhang cho nó. Nhiều bữa sáng ra tui còn nhớ sực phải ra mở cửa cho nó cô ơi! Tại vì đi làm về buổi sáng nó hay kêu  "Mở cửa Tư ơi, mở cửa Tư ơi".

Tui thứ Hai, ba nó thứ Tư nên người ta kêu tôi thứ Tư luôn theo ổng, nó con mà nó ghẹo tui vậy đó cô. Con tui nó vui tánh lắm, ở cái xóm này ai cũng thương hết cô à, bữa nó chết ai cũng qua thắp nhang, ai cũng khóc…"

Con trai của dì Trần Thị Nga là anh Trần Văn An (1971-2018). Anh làm bảo vệ ca đêm trong chung cư Carina. Đêm đó, hệ thống PCCC của chung cư không hoạt động. Anh An và một số bảo vệ chạy bộ lên từng lầu, đập cửa hô hoán người dân, hướng dẫn họ chạy thoát. Sau khi cứu được khoảng 40 người, anh An vẫn tiếp tục chạy lên để cứu thêm. Nhưng quá mệt và bị ngạt khói, anh gục chết ngay trong hành lang.

Một anh lính cứu hỏa cho tôi biết đêm đó họ đã chạy lên chạy xuống khoảng 18 lần toàn bộ 14 lầu của lô A chung cư Carina.

"Nhiều người hỏi tui thằng An nó chết vậy chắc Nhà nước cho cái bằng ha. Không cô à! Tui cần con chớ không cần cái bằng. Có thì có, hổng có thì thôi. Nó chết vậy chớ có ai quên nó đâu. Bên chung cư mấy đứa con nít nhỏ xíu cũng biết hết, nó vô đây nói chú An cứu con nè, bác An cứu con nè. Nó chết nhưng mà vì nó cứu người; nó cứu được nhiều người như vậy..  thì thôi tui cũng được an ủi.... Chớ còn cái bằng treo đó, tui nhìn tui còn tủi thân hơn".

Dì Nga năm nay 74 tuổi. Anh An là con thứ ba của dì. Hồi trước, làm ăn ở Sài Gòn khó khăn nên vợ chồng anh về quê vợ ở Tây Ninh sinh sống. Khi con trai lớn, anh và con về lại Sài Gòn, sống chung tại nhà bà nội, còn chị do phải thờ cúng cha mẹ và công việc trên Tây Ninh nên cứ đi đi về về.

"Làm bảo vệ vậy mà nuôi con ăn học đàng hoàng đó chị"-em trai kế của anh An, anh Trần Minh Tâm tự hào khoe.

Trần Anh Huy  con trai anh An năm nay 24 tuổi. Em học khoa cơ khí Cao đẳng dạy nghề Cao Thắng, cách đây hai năm vừa tốt nghiệp thì có công ty của Nhật bên Khu chế xuất Tân Thuận qua tận trường chọn hồ sơ kêu đi làm. "Ba nó cưng nó lắm. Bữa ba nó chết nó chạy xe về tới nhà là té luôn. Nên ở nhà cũng lo ba nó mất thì nó thất thểu, không có sức đi làm. Nhưng mà nó vẫn làm giỏi lắm, tánh thì ngoan, lâu lâu có đi chơi là nói với chú trước, mà nó đi có một xíu là nó về"-anh Tâm kể.

Anh An ơi, dưới chín suối, chắc anh cũng vui mừng.

***

Tôi len lén đặt chiếc phong bì nhỏ lên bàn thờ anh An. Ngay lập tức, Tâm nói- vẫn cái giọng hiền khô nhưng không cho người ta phản đối: "Từ sau đám tang anh An, gia đình không có nhận tiền của ai hết chị à. Có nhiều người chạy xe hơi vô đây, đi đông lắm, họ nói bữa anh An mất họ ở xa hay đi công tác nước ngoài không về kịp, nay họ tới thắp nhang cho ảnh, họ đưa phong bì nói phúng viếng cho ảnh. Hồi trước 49 ngày nhiều người tới đây thắp nhang cho ảnh lắm, giờ thì không còn ai... Nhưng người ta bỏ thời gian tới đây nói chuyện với má đỡ buồn, rồi còn thắp nhang cho ảnh là tình nghĩa lắm rồi, gia đình biết ơn lắm rồi chị à. Mình mà nhận tiền là mình mắc nợ người ta, còn anh An… ảnh bị mang tội".

Trời ơi… trên đời này sao cứ có những câu nói làm người ta nghẹn thắt đi như vậy?

Những người hùng trong lửa - Ảnh 11.

Đội Cảnh sát PCCC-cứu nạn cứu hộ Khu vực I, Phòng Cảnh sát PCCC-cứu nạn cứu hộ Công an TP HCM. Hầu hết những chiến sĩ tại đây đều tham gia cứu nạn cứu hộ vụ cháy Carina.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại