Đến trước thềm Olympic Rio, có lẽ phần đông giới hâm mộ thể thao thế giới còn chưa hề nghe đến những cái tên này. Nhưng rồi tất cả đã cùng hòa vào sự cổ vũ dành cho đoàn thể thao đặc biệt nhất lịch sử Olympic.
Truyền thông săn đón, CĐV cổ vũ
Khoảnh khắc cô gái 18 tuổi Yusra Mardini đến từ Syria chạm tay vào thành hồ, trở thành người về đích đầu tiên lượt đấu vòng loại của cô ở nội dung 100m bướm nữ, hàng ngàn CĐV trong nhà thi đấu thể thao dưới nước Olympic vỡ òa trong những tiếng vỗ tay, hò reo vang dội, từ những khán giả đến từ bất kỳ quốc gia nào.
Khoảnh khắc đó, sự vui mừng còn lớn hơn khi Michael Phelps mang về chiếc HCV đầu tiên cho tuyển Mỹ, dù ban tổ chức Olympic thật ra đã khôn khéo xếp Mardini vào nhóm thi đấu yếu nhất để tạo ra một chút cảm giác chiến thắng dành cho cô.
Chung cuộc, Mardini kém hơn toàn bộ các VĐV đến từ 5 nhóm thi đấu vòng loại còn lại và cách rất xa chiếc vé vào vòng chung kết. Nhưng có hề gì, với người hâm mộ, sự có mặt của Mardini và 9 đồng đội khác của cô trong đoàn thể thao người tị nạn tại Olympic đã là một chiến thắng vĩ đại rồi.
Ngay từ khi 10 VĐV đặc biệt nhất Olympic Rio 2016 này xuất hiện trong buổi lễ thượng cờ dành cho từng đoàn thể thao trước thềm ngày khai mạc, họ đã nhận được sự quan tâm từ giới truyền thông giống như những nhà vô địch.
Đứng trước cả trăm ống kính máy ảnh, máy quay phim hướng vào mình, VĐV điền kinh James Chiengjiek (Nam Sudan) tỏ ra ngượng ngập. VĐV sở trường trên đường đua 400m này đã phải chạy trốn khỏi quê nhà Nam Sudan từ năm 13 tuổi, để tránh cảnh bị bắt vào đội quân "binh sĩ trẻ em".
Lần đầu tiên trong đời phải nhận sự quan tâm quá mức của nhiều người, dường như một chút hoang mang của tuổi thơ kinh hoàng hiện diện trở lại trên khuôn mặt Chiengjiek. Anh chỉ trở lại bình tĩnh hơn khi trả lời các câu hỏi của giới truyền thông.
"Không có màu cờ sắc áo, không có quốc tịch, anh đại diện cho điều gì ở Olympic?" - một phóng viên hỏi.
"Tôi đại diện cho hòa bình, cho những người đã mất đi mái nhà vì chiến tranh trên toàn thế giới" - Chiengjiek đáp.
Khát vọng không thể bù đắp
Quyết định tìm kiếm những VĐV phải tị nạn trên thế giới và thành lập đoàn thể thao người tị nạn tham dự Olympic của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) được ca ngợi như một hành động nhân văn bậc nhất lịch sử làng thể thao.
Nhưng bỏ ngoài những lời chúc tụng, những tràng vỗ tay phần lớn xuất phát từ lòng thương hại, liệu Olympic Rio có thật sự đủ để bù đắp cho những khát khao bị lấy mất của 10 VĐV tị nạn này?
Rami Anis dù thi đấu không thành công vẫn được truyền thông săn đón. Ảnh: H.Đ
Hôm 11-8, hai VĐV bơi trong đoàn thể thao người tị nạn là Yusra Mardini và Rami Anis tổ chức cuộc họp báo, sau khi cả hai đều kết thúc hành trình thi đấu ở Olympic. Mardini và Anis bước vào phòng họp báo với gương mặt đượm buồn sau thất bại.
"Tôi đã tập luyện và thi đấu hết sức mình. Được có mặt tại đây là một niềm vinh dự với tôi, nhưng với việc không được thi đấu một thời gian dài, tôi cảm thấy đôi chút khó khăn khi bước vào Olympic" - Mardini nói.
Đó là sự thật. Mardini từng là một VĐV bơi lội được đánh giá rất cao về tiềm năng khi mới 14 tuổi và đã được dự Giải vô địch bơi lội thế giới năm 2012 trong màu áo tuyển Syria. Nhưng chiến tranh đã làm gián đoạn sự nghiệp hứa hẹn của cô.
Mardini đã không thể tập luyện suốt một thời gian dài trước khi cả gia đình cô quyết định lánh nạn sang Đức cách đây tròn một năm.
Ở Đức, cô nhận được nhiều sự trợ giúp, được tạo điều kiện để tập luyện trở lại tại Trung tâm thể thao Wasserfreunde Spandau (Berlin), nhưng việc thiếu một quốc tịch đã không cho Mardini cơ hội cạnh tranh ở các giải quốc tế trước khi IOC xuất hiện với quyết định lịch sử tại Olympic Rio 2016.
Sự trợ giúp của IOC là không đủ để bù đắp những tổn thất về mặt chuyên môn mà các VĐV này phải chịu trong cuộc sống tị nạn của mình.
Toàn bộ 10 thành viên của đoàn thể thao người tị nạn đã phải trải qua những điều kiện tập luyện gian khổ, thiếu thốn mà không một đồng nghiệp nào của họ ở Olympic hiểu được. Vì vậy, quá khó để họ gặt hái được thành tích tại Olympic.
Anis, đồng đội cùng quê Syria với Mardini nhưng hiện đang tị nạn ở Bỉ, nói: "Tôi rất cảm ơn IOC, cảm ơn khán giả vì sự quan tâm của mọi người đã cho tôi được một cơ hội thi đấu tại đây cùng những đồng đội cùng cảnh ngộ với mình.
Nhưng tôi ước sao tôi có thể được thi đấu cho đội tuyển quê nhà Syria trong một vai trò hết sức bình lặng. Và tất nhiên nước Bỉ đã cưu mang tôi, tôi cũng sẽ rất vinh dự nếu được thi đấu cho họ".
Câu chuyện về đoàn thể thao người tị nạn mãi mãi đi vào trang sử Olympic như những gì đẹp đẽ nhất của tinh thần thể thao, của tính nhân văn. Nhưng hãy nguyện cầu rằng một đoàn thể thao như vậy sẽ không còn phải xuất hiện tại các kỳ Olympic tới nữa!
Các VĐV đoàn thể thao người tị nạn
1. Rami Anis (môn: bơi lội, quê nhà: Syria, hiện sống tại: Bỉ); 2. Yusra Mardini (bơi lội, Syria, Đức); 3. James Chiengjiek (điền kinh, Nam Sudan, Kenya); 4. Yiech Biel (điền kinh, Nam Sudan, Kenya); 5. Paulo Lokoro (điền kinh, Nam Sudan, Kenya); 6. Rose Lokonyen (điền kinh, Nam Sudan, Kenya); 7. Anjelina Lohalith (điền kinh, Nam Sudan, Kenya); 8. Yonas Klinde (điền kinh, Ethiopia, Luxembourg); 9. Popole Misenga (judo, CH Congo, Brazil); 10. Yolande Mabika (judo, CH Congo, Brazil)