1. Công Phượng từng là ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam dưới thời Hữu Thắng, là cầu thủ luôn nhận được sự kỳ vọng của người hâm mộ mỗi khi bước ra sân. Sự kỳ vọng ấy thậm chí còn biến thành những cơn giận dữ, chỉ trích dữ dội khi tiền đạo HAGL chơi cực kỳ mờ nhạt ở trận ra mắt của HLV Park Hang-seo với Afghanistan.
Ở VCK U23 châu Á lần này, với chỉ 1 bàn thắng và 1 trận duy nhất được chơi trọn vẹn, rất nhiều người đang đặt dấu hỏi cho phong độ, cũng nhưng đẳng cấp của tiền đạo Nghệ An, cũng như đóng góp của anh vào thành công của U23 Việt Nam. Liệu Công Phượng có tệ đến thế?
Không. Tất nhiên là không. Bởi đơn giản lối chơi của U23 Việt Nam ở giải đấu thành công rực rỡ này không xoay quanh Công Phượng như Hữu Thắng từng xây dựng. Công Phượng ra sân không phải với nhiệm vụ của một người "chia bài" hay phân phối bóng. Đấy là công việc của Xuân Trường.
"Nhiệm vụ chính của Công Phượng là đánh chặn và cậu ấy đã làm rất tốt những gì mà ông Park Hang-seo đề ra", cựu trung vệ ĐTQG Nguyễn Mạnh Dũng khẳng định. "Do vậy, nếu để ý kỹ, sẽ thấy Công Phượng chơi rất đơn giản: đánh chặn, cướp bóng và chuyền cho Xuân Trường".
Tuy nhiên, dù được ông Park Hang-seo yêu cầu đánh chặn, nhưng Công Phượng vẫn có phạm vi để phô diễn những điểm mạnh của mình. Đá đơn giản ở giữa sân và phần sân nhà, nhưng trong vòng cấm địa đối phương, Công Phượng được phép thoải mái rê dắt, xử lý kỹ thuật để tạo đột biến, hoặc tìm kiếm phạt đền.
Biết đâu với một pha bóng như thế, hoặc giả như thành công trong vai trò "chim mồi" để Quang Hải hay Phan Văn Đức tận dụng thành công cơ hội ghi bàn, Công Phượng sẽ có được dấu ấn cho riêng mình. Tuy nhiên, vai trò thầm lặng mà ông Park Hang-seo chắn chắn sẽ được Công Phượng đặt lên ưu tiên hàng đầu, trước đối thủ mạnh nhất, và trong trận đấu quan trọng nhất.
Công Phượng sẵn sàng hi sinh những pha đột phá sở trường để trở thành tuyến phòng ngự đầu tiên của U23 Việt Nam.
2. Nếu không có lời chia sẻ đượm nỗi buồn vì nỗi đau mất mát của gia đình, chắc hẳn Đức Huy sẽ là cái tên "chìm" nhất trong thành công rực sáng của U23 Việt Nam. Chưa bao giờ Đức Huy được ca ngợi như một tài năng thiên bẩm như Quang Hải hay Công Phượng. Thậm chí rất nhiều người hâm mộ cực kỳ lạ lẫm khi nhắc đến cái tên này.
Giá trị của Đức Huy không nằm ở nhãn quan chiến thuật hay kỹ thuật, cũng chẳng ở khả năng cầm nhịp trận đấu hay tung ra những đường kiến tạo "chết người", mà từ nền tảng thể lực sung mãn và những pha tranh chấp không hề ngần ngại.
Luôn có một Đức Huy đầy chất thép bên cạnh Xuân Trường.
HLV Miura từng bảo bóng đá trẻ Việt Nam là sự kết hợp giữa "lụa" và "thép". Nếu như Xuân Trường - "con bài tẩy" trong tay HLV đầy chất nghệ sỹ với nhiệm vụ "chia bài", phân phối bóng và điều tiết nhịp độ trận đấu, thì Đức Huy là "vệ sỹ" đắc lực cho tiền vệ người Tuyên Quang ở khu vực giữa sân, giúp "giải quyết" gọn gàng lối đá rắn, không ngại va chạm từ đối phương.
Trong "ván bài lật ngửa" mà HLV người Hàn Quốc sử dụng ở giải lần này, với đội hình gần như không thay đổi trong suốt 5 trận đấu vừa qua, vai trò phòng ngự để Xuân Trường, Quang Hải lao lên của Đức Huy chính là đại diện cho sự kỷ luật, tuân thủ chiến thuật và sự tập trung luôn ở mức cao nhất. Ở tuyến giữa, đó là Đức Huy.
Đằng sau kỳ tích của U23 Việt Nam là sự đóng góp thầm lặng của ông Jurgen Gede.
Sau trận đấu với Qatar, HLV Park Hang-seo trân trọng nói lời cảm ơn đến Đức Huy ngay trong buổi họp báo. Đấy không phải là sự bù đắp cho nỗi buồn khôn nguôi của một cầu thủ trẻ, mà là sự hàm ơn với một cầu thủ bình thường, giữ một vị trí phi thường trong "đoàn quân" chiến thắng của mình.
U23 Việt Nam chỉ còn cách ngôi vô địch châu Á có một trận đấu, và cùng với một "người thầm lặng" khác là Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede - người cực kỳ am hiểu và đầy kinh nghiệm với bóng đá Uzbekistan, người luôn đóng góp vào những chiến thắng của Việt Nam bằng những ý kiến chuyên môn đắt giá về đối thủ, hơn lúc nào hết, Công Phượng và Đức Huy hẳn sẽ tự hào làm nốt kỳ tích của riêng mình, theo cách thầm lặng và đáng tự hào nhất.
Bán kết U23 châu Á 2018: U23 Việt Nam 2-2 U23 Qatar (luân lưu 4-3)