Những mảnh đời Việt mưu sinh ở Singapore: Người Việt và những nghề kỳ lạ ở đảo quốc (kỳ cuối)

Đặng Thuận |

Những người bạn người Việt tôi gặp ở Singapore sau vài chầu bia kể những câu chuyện khiến người khác phải tò mò và thú vị về nghề nghiệp của họ.

Nghề "xếp hàng"

Ninh là người bạn tôi gặp ở quán bia trên đường Geylang 11, bạn đồng hương cùng học cấp 3 anh bạn đồng hành của tôi. Ninh là một cử nhân ngành du lịch. Tuy nhiên, Ninh qua Singapore với giấy phép lao động là đang làm việc cho một công ty hội chợ triển lãm và truyền thông. Nhưng việc chính của Ninh là "xếp hàng".

Anh cũng đã ngơ ngác khi mới nghe đến nghề lạ thế.

Ninh giải thích là trước khi mới qua đây, cậu ấy cũng làm đúng việc là nhân viên một công ty hội chợ triển lãm. Việc của Ninh lúc đó là quảng bá hội chợ, tìm khách hàng tham gia triển lãm, chuẩn bị sự kiện, hậu cần cho các doanh nghiệp tham gia triển lãm do công ty cậu ta tổ chức.

Lương của Ninh cũng gần 1.800 đô Sing một tháng nhưng cậu bảo sống ở Sing thế không đủ vì chi phí rất cao. Ninh làm việc được 3 năm.

Sau đó, có quan hệ, cậu ấy làm việc dẫn tour tự do cho các khách Việt sang Sing như việc làm thêm vào cuối tuần. Tiếng là dẫn tour chứ việc của Ninh là cậu ấy quảng cáo trên internet nhận khách đoàn du lịch đến Sing. Ninh bảo, nhiều người miền Bắc đi Sing dẫn theo cả gia đình, có khi là vài chục người vì họ đi cùng với vài gia đình bạn bè nữa.

Những mảnh đời Việt mưu sinh ở Singapore: Người Việt và những nghề kỳ lạ ở đảo quốc (kỳ cuối) - Ảnh 1.

Xếp hàng mua sản phẩm điện tử mới mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người Việt ở Singapore

Thường những khách này ít mua tour ở các công ty du lịch vì sợ đi đâu cũng gấp rút, mà lại hay bị dẫn vào các trung tâm mua sắm. Nên khi mới ra làm, Ninh rất đông khách, thời gian cuối tuần không đủ.

Công việc của cậu ấy là sẽ giúp đặt khách sạn, đặt vé đi lại, mua vé vào các cổng vui chơi, ăn uống, mua sim điện thoại, thẻ MRT (hệ thống đi lại bằng tàu điện ngầm và xe buýt ở Sing), đưa đón từ sân bay về khách sạn và ngược lại. Thường là Ninh sẽ đón khách khi khách vừa đặt chân đến sân bay cũng như đưa ra sân bay đợi cả đoàn qua khỏi cửa hải quan là coi như nhiệm vụ hoàn thành.

Ninh bảo, tiền dịch vụ và hoa hồng Ninh kiếm lúc mới ra làm cũng khá do chưa có ai "cạnh tranh". Rồi khi có những mẫu điện thoại, hay máy ảnh, đồng hồ có khuyến mãi lớn hoặc ra mắt mẫu mới mà Việt Nam chưa bán, cậu ấy sẽ đi xếp hàng mua rồi gửi khách mà cậu dẫn đoàn cầm về.

Ninh cho hay vài năm trước kiếm khá lắm do ít người làm. Có khi vào mùa hè và cuối năm, cậu ấy kiếm được đến 4.000-5.000 đô Sing mỗi tháng. Do công việc như thế nên cậu cần phải xếp hàng rất nhiều. Thế là từ đó cậu ấy gọi vui luôn nghề của mình là "xếp hàng".

Ninh nói giờ nhiều du học sinh qua đây cũng làm việc này. Nhưng nhiều nhất là các chị người Việt lấy chồng Sing mà không có điều kiện tìm việc chính ngạch. Theo Ninh, những "cô dâu Việt" ở đây xem việc này như việc làm thêm vi dễ làm, không yêu cầu giấy phép, chứng chỉ gì phức tạp.

Dịp những người "xếp hành" kiếm nhiều nhất là những lúc các hãng điện thoại ra mắt sản phẩm mới, đặc biệt là iPhone. Những dịp đó, mỗi ngày có người kiếm được cả 1.000 đô Sing.

Nghề "dẫn mối" chữa bệnh

Ninh thành thật là gần đây do nhiều người làm nên cũng vắng khách. Dạo gần đây, Ninh kiêm thêm việc khác mà cậu ấy bảo ở Sing cũng là nghề. Đó là nghề "dẫn mối" chữa bệnh.

Ninh kể cũng tình cờ mà có thêm nghề này. Vài năm trước, trong một đoàn khách Việt mà Ninh đón từ Hải Dương sang có một bác ngoài 60 đã về hưu, kinh tế khá giả. Bác bị thoát vị đĩa đệm chữa hoài không hết, người ta bảo qua Sing chữa hết. Ninh tìm thông tin trên mạng, sắp xếp được lịch hẹn khám bệnh cho bác đó. Và Ninh có cả hoa hồng từ phía bệnh viện tư đó cũng như từ bác bệnh nhân này.

Cậu ấy cho biết, khám chữa bệnh ở Sing không rẻ nhưng rõ ràng điều kiện, trang thiết bị tốt. Nhiều người có tiền ở Việt Nam không an tâm khám chữa bệnh trong nước nên thường sang Sing. Mỗi ca khám bệnh Ninh cũng được vài chục đô. Nếu có phẫu thuật, hay thuốc thang thì có khi vài trăm, đến vài ngàn đô tiền hoa hồng.

Những mảnh đời Việt mưu sinh ở Singapore: Người Việt và những nghề kỳ lạ ở đảo quốc (kỳ cuối) - Ảnh 2.

Người Việt sang Singapore khám chữa bệnh ngày càng nhiều và là cơ hội cho những người dẫn mối kiếm tiền

Ninh chỉ cô bạn đi cùng ngồi kế mình bảo là người yêu, mới sang đây du học được 2 năm. Cô ấy cũng đang làm thêm việc này cùng với dạy thêm. Cả hai người thuê được căn phòng khoảng 18 mét vuông nhưng ở cùng với một cậu em nữa.

Có kinh nghiệm xếp hàng, cân hành lý ở sân bay khi hỗ trợ cho khách của mình, Ninh dặn là nên cẩn thận. Nhiều người lạ bắt chuyện bảo hành lý thừa cân nên gửi mình cầm giùm một ít thì tuyệt đối đừng cầm. Ở Sing, người ta phát hiện vật cấm là phạt nặng lắm. Còn ma túy như heroin thì bị tử hình, không ai can thiệp giảm án hay minh oan được.

Ninh bảo không ít người bị như thế rồi. Có người bị bắt vì mang ma túy vào Sing, có người thì cả tin người nói là bánh sô-cô-la nhưng thật ra là sừng tê giác, ngà voi. Anh gật đầu đồng ý. Anh cũng đã từng đọc, từng nghe những chuyện đó.

Anh nghĩ khi gặp đồng hương nơi xứ người sẽ vui lắm. Khi đang ở nơi nước khác, người ta không nói thứ tiếng mà anh quen thuộc, thật vui biết bao khi có những người cùng quê hương chia sẻ với mình những câu chuyện vui bằng chính tiếng Việt.

Nhưng nhiều con người anh gặp nơi đây cứ làm anh nghĩ đến có chút cảm thông về những thân phận xa xứ. Đó là Thạch, là chị Mai, là Cháng, là Dũng, những cô gái Việt váy áo ôm sát ở khu đèn đỏ Geylang, và phần nào là cả Ninh nữa. Số phận của họ, những con người vất vả mưu sinh ở đảo quốc được gọi là phồn thịnh đầy mơ ước này cứ xoắn lấy anh. Lẫn lộn ở đấy bao đau đớn, vui buồn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại