Những lưu ý với người lao động khi hưởng trợ cấp thất nghiệp

Thùy Anh |

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này khiến nhiều lao động bị mất việc làm, thất nghiệp. Để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần lưu ý một số điều dưới đây.

Lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp, có thời gian đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động thì đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: N.T

Lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp, có thời gian đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động thì đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: N.T

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Dự tính có khoảng hơn 20 triệu lao động bị ảnh hưởng, mất việc, giảm việc, giảm thu nhập.

Trong bối cảnh đó, bảo hiểm thất nghiệp thực sự đã trở thành "cứu cánh" giúp bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm mới.

Theo đó, lao động cần nắm được những lưu ý sau khi đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Điều 43 Luật Việc làm 2013, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp phải tham có hợp đồng lao động, xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn, hoặc hợp đồng thời vụ nhưng có thời hạn từ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; người lao động chấm dứt hợp đồng và được nhận lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng).

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc với loại hợp đồng có xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn.

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Lao động phải nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ (trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; đi giáo dưỡng; cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; tử vong).

Người lao động khi tham gia Bảo hiểm thất nghiệp được 4 quyền lợi gồm: Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ Học nghề; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Điều 50 Luật Việc làm quy định mức hưởng hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Trong đó:

Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng hàng tháng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm chấm dứt hợp đồng.

Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định (ngoài nhà nước) thì mức hưởng hàng tháng tối đa không qua 5 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

Luật cũng quy định, số tháng lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp cụ thể như sau:

Lao động đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Lao động cứ đóng thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa hưởng không quá 12 tháng.

Những lưu ý với người lao động khi hưởng trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 2.

Thay vì trực tiếp qua Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động ở vùng đang giãn cách vì dịch Covid-19 có thể nộp hồ sơ qua đường bưu điện. Ảnh: N.T

Hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:

Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015.

Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (quyết định thôi việc, quyết định sa thải, hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động...).

Sổ bảo hiểm xã hội.

Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Nếu lao động ốm đau, thai sản, bị tai nạn giao thông, gặp hỏa hoạn, thiên tai, dịch bênh.... có xác nhận của cơ sở y tế, cảnh sát giao thông hoặc chính quyền địa phương... thì người lao động được ủy quyền nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu điện.

Sau khi gửi hồ sơ tới Trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương, chờ giấy hẹn kết quả. Sau 3 ngày kể từ thời điểm có giấy hẹn tới nhận kết quả, lao động không tới nhận, hoặc không ủy quyền cho người khác tới nhận thì xem như không nhận trợ cấp thất nghiệp.

Trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát nhiều tỉnh thành, nhiều Trung tâm Dịch vụ việc làm chấp nhận cho lao động nộp hồ sơ trực tuyến qua bưu điện, và xác nhận nhận trợ cấp thất nghiệp qua điện thoại, zalo, email.

Với một số lao động trong vùng giãn cách theo Chỉ thị 16, không thể ra ngoài gửi hồ sơ, hoặc không thể tới nơi để nhận kết quả hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì được ra hạn thời gian để nộp hồ sơ khi hết thời hạn giãn cách. Lao động có thể gọi tới số hotline của các trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại