Những lưu ý quan trọng NLĐ cần nắm rõ để nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng

NLĐO |

Khi đã biết mình thuộc nhóm nhận hỗ trợ trong gói 62.000 tỉ đồng, người lao động cần nắm bắt kỹ một số lưu ý khi làm giấy tờ thủ tục.

Thời gian qua, Báo Người Lao động liên tục nhận được thắc mắc của người lao động (NLĐ) về thủ tục, điều kiện để được hưởng gói chính sách hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ.

Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý NLĐ cần nắm chắc nội dung Quyết định 15/2020/QĐ-TTg để được thụ hưởng gói chính sách an sinh xã hội này.

Nhóm đối tượng nào được hỗ trợ?

Với gói hỗ trợ hơn 62.000 tỉ đồng của Nghị quyết 42, có khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm đối tượng thụ hưởng, bao gồm: NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh; NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ)) nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm; người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với NLĐ.

Đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ tại doanh nghiệp (DN), để được hỗ trợ phải bảo đảm các điều kiện sau: Thời gian tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương theo thời hạn của hợp đồng từ 1 tháng liên tục trở lên, tính từ ngày 1-4 đến hết 30-6; đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương; làm việc tại DN không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

DN lập danh sách NLĐ thuộc đối tượng hỗ trợ, đề nghị Công đoàn cơ sở và cơ quan BHXH xác nhận danh sách.

Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách theo đề nghị của DN, cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH của NLĐ và gửi DN. Sau đó, DN gửi hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở.

Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, trình chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả.

Về hỗ trợ NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Quyết định số 15 quy định NLĐ được hỗ trợ kinh phí khi có đủ các điều kiện sau: có giao kết HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc trước thời điểm ngày 1-4-2020 và đang tham gia BHXH bắt buộc; chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1-4 đến hết 15-6-2020 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định; không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ Quyết định 15/2020/QĐ-TTg thì NLĐ gặp khó khăn do Covid-19 cần làm việc sau đây để nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP (ngày 9-4-2020):

4 lưu ý quan trọng đối với NLĐ

1. Trường hợp NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: NLĐ lập và gửi văn bản đề nghị hỗ trợ theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Quyết định 15/2020 cho UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) để rà soát, xác nhận mức thu nhập và tổng hợp danh sách trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục giải quyết hỗ trợ cho NLĐ.

2. Trường hợp NLĐ không giao kết HĐLĐ (hay lao động tự do) bị mất việc làm: NLĐ lập và gửi văn bản đề nghị theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Quyết định 15/2020 cho UBND cấp xã sau ngày 15 hằng tháng để rà soát và lập danh sách NLĐ đủ điều kiện hỗ trợ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục giải quyết hỗ trợ cho NLĐ.

 Những lưu ý quan trọng NLĐ cần nắm rõ để nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng  - Ảnh 2.

3. Trường hợp lao động tự do có nơi thường trú và tạm trú không trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo Quyết định 15/2020 và ngược lại.

4. Cuối cùng là trường hợp NLĐ bị tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương, thì doanh nghiệp sẽ chủ động lập danh sách NLĐ trong doanh nghiệp có đủ điều kiện được hỗ trợ để gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết hỗ trợ cho NLĐ, nên NLĐ không phải lập và gửi văn bản đề nghị hỗ trợ nữa.

 Những lưu ý quan trọng NLĐ cần nắm rõ để nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng  - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại