Nhiều loài vật tiến hóa để thích nghi với thời tiết khắc nghiệt
Ở phía nam của Baja California - một bang thuộc Mexico, mùa hè thường nóng như thiêu đốt, nhiệt độ lên tới gần 38 độ C. Tuy nhiên, ngay cả trong môi trường khắc nghiệt này, loài vật nhỏ bé với tên gọi là Copepods vẫn phát triển mạnh mẽ. Loài giáp xác này có thể sống tốt ở những nơi có nhiệt độ lớn hơn khu vực miền bắc của Baja California tới tận 7 độ C. Copepods là một trong số những loài sinh vật có khả năng xử lý nhiệt một cách thông minh để sống sót trong môi trường nắng nóng khắc nghiệt.
Theo Martha Muñoz, giáo sư sinh học tại Đại học Yale (Mỹ) cho biết, các loài vật đang tiến hóa để tồn tại trên hành tinh ngày càng nóng lên của chúng ta. Ví dụ như loài thằn lằn sừng ở Mexico đã tăng ngưỡng nhiệt phát triển của chúng lên thêm gần 1 độ C sau khi trải các đợt nắng nóng. Qua nhiều nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của bà nhận thấy rằng những sinh vật càng nhỏ, càng phổ biến và càng ít phức tạp có khả năng điều chỉnh để thay đổi nhanh hơn. Họ đã đặt tên cho hiện tượng tiến hóa này là: Hiệu ứng Bogert.
Loài vật nhỏ bé có tên gọi Copepods có thể phát triển mạnh mẽ dưới cái nóng gay gắt ở Mexico. (Ảnh: Pixabay)
Sở dĩ chúng có thể tiến hóa dễ dàng như vậy là do 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, quần thể lớn hơn thường cung cấp biến thể di truyền nhiều hơn.
Thứ hai, các loại vi khuẩn có thể sinh sản tới 6 lần một ngày, tạo ra nhiều vòng quay tiến hóa. Trong khi đó, cá voi xanh phải mất tới 15 năm để sinh sản.
Đáng ngạc nhiên là trong thế giới động vật vẫn còn rất nhiều loài có thể sống ở điều kiện khô hạn và nhiệt độ cao lên tới 100 độ C. Cùng tìm hiểu xem chúng là những loài vật nào nhé!
5 loài vật chịu nóng giỏi nhất Trái đất
1. Lừa hoang châu Phi
Lừa hoang châu Phi là thành viên hoang dã của họ ngựa. Loài vật này được cho là tổ tiên của lừa nhà và thường được xếp cùng một loài. Lừa hoang thường sống trong các sa mạc và khu vực khô cằn của châu Phi. Để thích nghi với thời tiết khắc nghiệt loài lừa này đã tiến hóa để quá trình trao đổi chất linh hoạt hơn và khả năng uống nhiều nước trong thời gian ngắn.
Lừa hoang châu Phi là loài vật có thể chịu đựng môi trường không có nước trong 1 tuần. (Ảnh: Pixabay)
Ngoài ra, lừa hoang châu Phi có đôi tai lớn giúp chúng tản nhiệt và bộ lông màu xám giúp phản chiếu ánh nắng chói chang. Lừa cũng có thể đi trong thời gian dài mà không có nước và có thể mất 30% lượng nước trong cơ thể mà không gây hậu quả nghiêm trọng. Người ta ước tính chúng có thể đi khoảng một tuần mà không có nước.
2. Cáo Rüppell
Cáo Rüppell là một loài vật thuộc chi Cáo họ Chó. Nó được tìm thấy ở Bắc Phi, Trung Đông và Tây Nam Á. Chúng thường sống ở sa mạc Lut, Iran là một trong những nơi nóng nhất trên Trái đất. NASA đã từng đo nhiệt độ cao nhất ở sa mạc này là 70,7 độ C.
Cáo Rüppell là loài vật sống ở sa mạc Lut nơi có nhiệt độ cao nhất là 70,7 độ C. (Ảnh: Pixabay)
Cáo Rüppell đã phát triển một số đặc điểm thích nghi khác như cơ thể nhỏ để tản nhiệt tốt hơn, trao đổi chất trong cơ thể thấp để tiết kiệm năng lượng, nước tiểu cô đặc giúp giảm lượng nước tiêu thụ, nhờ vậy chúng có thể tiết kiệm nước triệt để. Chúng lấy nước chủ yếu từ việc ăn thịt con mồi. Chúng thường đi săn vào ban đêm để giữ mát cơ thể và hạn chế mất đi độ ẩm.
3. Chuột Greater Bilby
Chuột Greater Bilby hay còn gọi là chuột đất là một họ động vật có túi với hình dáng lai tạp giữa thỏ và chuột túi. Chúng là loài vật đặc hữu của nước Úc. Đôi tai lớn là một trong những bộ phận quan trọng giúp chúng giảm lượng nhiệt cơ thể vì chuột Greater Bilby không có tuyến mồ hôi.
Chuột Greater Bilby là loài vật có thể sống 3 năm mà chỉ ăn hạt khô. (Ảnh: Pixabay)
Chuột Greater Bilby thường hoạt động về đêm và không cần uống nước. Chúng có thể sống 3 năm mà chỉ ăn hạt khô bởi cấu tạo bên trong cơ thể giúp chúng có khả năng lấy nước từ thức ăn của mình. Đây chính là một trong những tiến hóa nổi bật của chuột Greater Bilby để thích nghi với điều kiện khô hạn.
4. Kiến Sahara
Kiến bạc Sahara (Danh pháp khoa học: Cataglyphis bombycina) là một loài kiến trong họ Formicidae sống ở sa mạc Sahara. Chúng là một động vật sa mạc, cái nắng nóng như đổ lửa ở sa mạc không ảnh hướng tới chúng do chúng có cấu tạo đặc biệt.
Loài vật này sở hữu bộ khiên chống nhiệt gồm lớp lông đặc biệt phủ ở phía trên và hai bên cơ thể chúng, cùng phần phía dưới không có lông. Sự thiết kế này giúp lông của chúng phản xạ ánh sáng gấp 10 lần, và có thể giữ cơ thể mát hơn đến 2 độ C dưới ánh sáng. Đồng thời, lớp lông bạc này giúp ích cho việc ngụy trang, hỗ trợ trong thông tin liên lạc và làm giảm sự hấp thụ nhiệt từ ánh sáng, giúp chúng khỏi bị thiêu đốt.
Kiến bạc Sahara là loài vật sở hữu bộ khiên chống nhiệt đặc biệt giúp chúng chống chọi với cái nắng nóng đổ lửa của sa mạc. (Ảnh: Pixabay)
Ngoài những sợi lông bạc, loài kiến này còn có những đôi chân dài hơn nhiều so với những loài kiến khác. Những chi dài giữ cho cơ thể của kiến tránh chạm vào bề mặt nóng. Chúng cũng cho phép những con kiến chạy thật nhanh vào những nơi mát mẻ sau khi tìm con mồi.
5. Bọ gấu nước
Bọ gấu nước chính là loài vật khiến tất cả các sinh vật trên hành tinh ghen tị khi nó có thể chịu nóng giỏi nhất Trái đất. Gấu nước là tên gọi phổ biến của ngành động vật Tardigrada, một phần của siêu ngành Ecdysozoa. Chúng là các động vật nhỏ bé, sống trong nước, rêu, thuộc nhóm các động vật có kích thước hiển vi có 8 chân. Gấu nước thuộc về ngành Tardigrada, Một nhóm cổ xưa, với hóa thạch được tìm thấy cách đây 530 triệu năm trước, vào kỷ Cambri.
Bọ gấu nước là loài vật có thể thích nghi với mọi môi trường sống khắc nghiệt nhất. (Ảnh: Pixabay)
Loài vật nhỏ bé này nổi tiếng nhờ khả năng thích nghi với mọi bề mặt môi trường: Núi băng tuyết, đáy biển sâu, cát, đất, đá… trong những môi trường sống khắc nghiệt nhất: Nơi có nhiệt độ không tuyệt đối (-273,15 độ C) đến trên nhiệt độ sôi của nước (100 độ C), độ phóng xạ cao hay áp suất nước lớn. Khi những loài khác không thể tồn tại thì gấu nước vẫn sinh sôi nảy nở. Một vài thí nghiệm thậm chí cho thấy chúng có thể sống sót khi tiếp xúc với hóa chất độc hại cực cao và cả không gian ngoài Trái đất.
Giới khoa học nhận định rằng loài vật này có thể "bất tử" là nhờ một loại protein chỉ có trong cơ thể của gấu nước, có tên là Dsup (protein ức chế tổn thương), đã giúp bảo vệ cơ thể chúng không bị tổn hại trong môi trường khắc nghiệt. Đây cũng chính là cơ chế bảo vệ mà các nhà khoa học vẫn luôn tìm kiếm để đạt được sự sống lâu dài hơn cho loài người.