Những lần vượt ngục bất thành của người lính Gạc Ma khỏi nhà tù Trung Quốc xâm lược

NGUYỄN VƯƠNG – TRẦN ANH |

Trong hơn 3 năm bị giam cầm tại Trung Quốc, những người lính Gạc Ma không sợ hãi trước những chiêu trò và đòn roi của địch, nhiều lần tìm cách vượt ngục để trở về.

Biệt giam và những trận đòn

Hầu như năm nào đến ngày tưởng niệm 64 liệt sĩ hi sinh trong trận Trung Quốc xâm lược Gạc Ma (14/3/1988) tôi đều tìm đến nhà anh Trần Thiên Phụng (SN 1967, trú TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) để nghe anh kể những câu chuyện tưởng chừng như vô hạn về cuộc chiến đầy máu và nước mắt tại Gạc Ma năm 1988.

Năm nay, anh Phụng lại ngồi suy tư, trầm ngâm hồi nhớ lại quãng thời gian sống trong nhà tù Trung Quốc.

Anh Phụng kể, tối 13/3/1988, tàu của ta đến Gạc Ma, đến sáng 14/3/1988, quân ta được chia thành 2 nhóm, một nhóm bơi lên đảo để cắm cờ khẳng định chủ quyền trước khi quân Trung Quốc đến; nhóm còn lại vận chuyển vật liệu để xây dựng đảo.

Trong khi bộ đội ta đang cắm cờ, quân Trung Quốc đến gây hấn và nổ súng tấn công vào các chiến sĩ Hải quân Việt Nam.

7h30 ngày 14/3/1988, tàu HQ. 604 bị quân Trung Quốc bắn chìm khiến những người lính Hải quân Việt Nam mãi mãi nằm xuống lòng biển sâu lạnh giá.

Những lần vượt ngục bất thành của người lính Gạc Ma khỏi nhà tù Trung Quốc xâm lược - Ảnh 1.

Tàu HQ. 604 bị Trung Quốc bắn chìm tại Gạc Ma ngày 14/3/1988. (Ảnh tư liệu)

Lúc tàu chìm, anh Phụng may mắn bám được vào khúc gỗ rồi cùng nó trôi lênh đênh trên biển. Chiều tối cùng ngày thì anh bị quân Trung Quốc bắt giữ và đưa về trại giam ở bán đảo Lôi Châu.

Cùng bị bắt với anh còn có 8 đồng đội khác và cùng trong trình trạng đói khát, thương tật đầy mình nhưng không được quân Trung Quốc đoái hoài.

“Tôi đang trôi trên biển thì bị một nhóm quân Trung Quốc khoảng 7 người vớt lên và bắt giữ. Khi bị bắt, tôi và đồng đội đều bị thương. Tôi bị thương ở đầu và tay nhưng không được cứu chữa nên bị ngất xỉu”, anh Phụng nhớ lại.

2h ngày 15/2 năm đó, anh Phụng cùng đồng đội được quân Trung Quốc đưa về bệnh viện của Hạm đội Hải Nam để chăm sóc. Sau đó, cả nhóm bị tách ra đưa về phòng biệt giam và chỉ đến chiều mới được thả ra trong một thời gian rất ngắn.

Trong thời gian ngắn ngủi này, quân Trung Quốc thường đến gây sự, nếu các chiến sĩ của ta chống trả hay phản ứng thì bị chúng đánh đập tàn nhẫn.

Cứ thế suốt hơn 1 năm trời, những người linh Gạc Ma bị quân Trung Quốc bắt giam luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng, bất an, liên tục bị tra tấn, đánh đập.

Những cuộc đấu trí với cai tù

Anh Phụng kể, khi bị giam, quân Trung Quốc tách từng người lính của ta ra để thẩm vấn. Họ thường xuyên dùng một phiên dịch viên người Trung Quốc tuyên truyền rằng Gạc Ma là của họ và nói phía ta đến xâm chiếm nên họ buộc phải bắn trả.

Thế nhưng trước luận điệu xảo trá đó của quân Trung Quốc, anh Phụng và các đồng đội bị bắt giam đều kiên định lập trường, phản bác rằng: “Gạc Ma – Trường Sa là của Việt Nam, phía Trung Quốc đi xâm chiếm và giết người khi đối phương không có một tấc sắt trong tay”.

Chúng tôi, những người lính Gạc Ma lại bị quân Trung Quốc bắt giam, bắt đầu một cuộc chiến – cuộc chiến mang tên “đấu trí với cai ngục Trung Quốc”.

Những lần vượt ngục bất thành của người lính Gạc Ma khỏi nhà tù Trung Quốc xâm lược - Ảnh 2.

Anh Trần Thiên Phụng kể về cuộc đấu trí với "cai ngục" trong nhà tù Trung Quốc của những người lính Gạc Ma.

Theo lời anh Nguyễn Văn Thống (quê Quảng Bình – một trong những người lính Gạc Ma bị Trung Quốc bắt giam), trong những năm đầu tiên bị giam, cứ cách vài ngày anh và các đồng đội lại bị quân Trung Quốc mang đi hỏi cung để tìm hiểu về những người giữ chức vụ quan trọng trong quân đội Hải quân Việt Nam.

Ngoài ra những người lính Gạc Ma bị bắt giam còn luôn luôn phải đấu trí với những bài báo xuyên tạc viết bằng tiếng Việt do quân Trung Quốc đưa vào trại giam mà theo họ nói là: “Của những người phản quốc”.

“Nhận những bài báo ấy, chúng tôi không đọc, thậm chí là xé toạc hoặc đốt trước mặt cai ngục. Xác định mình đã như cá nằm trên thớt rồi, không còn sợ gì nữa.

Điều quan trọng là luôn phải giữ sự trung thành với Tổ quốc để xứng đáng là người lính trong Quân đội Nhân dân Việt Nam” - anh Thống nói.

Theo lời anh Thống, trong số những người lính bị quân Trung Quốc bắt giam khi ấy thì anh Dương Văn Dũng (quê Đà Nẵng và đã mất vì ung thư năm 2017) là người mạnh mẽ nhất.

Có lần, anh Dũng còn dám đánh cai ngục Trung Quốc, cãi nhau với thông dịch viên của Trung Quốc.

Hai lần ‘vượt ngục’ bất thành

Anh Trần Thiên Phụng kể: "Trong hơn 3 năm bị giam cầm tại Trung Quốc, những người lính của ta không hề tỏ ra sợ hãi trước những chiêu trò và đòn roi của địch. Điều đáng sợ nhất là nỗi nhớ nhà da diết, đặc biệt là vào những đêm giao thừa".

Theo lời anh Trần Thiên Phụng, vì quá nhớ nhà mà một trong số người lính Gạc Ma đã ít nhất 2 lần vượt ngục trốn khỏi nhà tù Trung Quốc. Người lính ấy là anh Phạm Văn Nhân (quê Nam Định).

Anh Phụng kể, cả 2 lần anh Nhân cố gắng vượt ngục ở bán đảo Lôi Châu để trốn về nước nhưng đều bị quân Trung Quốc bắt lại. Lần vượt ngục thứ nhất, anh Nhân bị bắt sau đó không lâu. Lần thứ hai, anh Nhân về đến gần sát biên giới Việt - Trung mới bị bắt lại.

Những lần vượt ngục bất thành của người lính Gạc Ma khỏi nhà tù Trung Quốc xâm lược - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Văn Thống kể những kỷ niệm về những người lính Gạc Ma bị bị Trung Quốc bắt làm tù binh.

“Trong lần vượt ngục thứ 2, anh Nhân dùng áo của mình thấm nước rồi cuốn vào song sắn buồng giam rồi dùng sức bẻ gãy để trốn đi.

Khi quân Trung Quốc đến phát hiện có người bỏ trốn thì liền bắt những người còn lại đến tra khảo nhưng chúng tôi đều lắc đầu nói không biết”, anh Phụng nói.

Biết không thể khai thác được gì từ những người lính Gạc Ma nên binh lính Trung Quốc đã dùng loa phát đi thông báo khắp nơi để truy lùng tù nhân vượt ngục.

Về phần mình, sau khi trốn đi, anh Nhân đã lẩn trốn vào rừng để tránh sự truy bắt của quân Trung Quốc. Ngày đi đêm ngủ, anh Nhân đã trốn gần về đến Việt Nam nhưng tiếc là khi chỉ còn cách biên giới chừng 50km thì bị bắt.

Anh Nguyễn Văn Thống nhớ lại: “Anh Nhân trốn được 20 ngày rồi bị bắt và bị đưa về lại buồng giam. Bọn chúng đánh đập nó rất nhiều nhưng anh em lại không thể làm gì được.

Khi Nhân bỏ trốn, phía Trung Quốc cũng rất lo sợ, vì lúc nếu trao trả tù binh mà thiếu người thì không biết nói như thế nào”.

Đến cuối năm 1990 đầu năm 1991 Hội chữ thập đỏ Quốc tế biết tin nên tìm đến nhà tù tại bán đảo Lôi Châu để thăm hỏi các chiến sĩ của ta đang bị giam giữ.

Lúc này những người bị giam cầm mới có thể liên lạc được với gia đình. Những bức thư đầu tiên mà anh Phụng và những người khác gửi về gia đình được phía Trung Quốc kiểm soát khá gay gắt.

Mỗi người chỉ được viết không quá 25 chữ trên tờ giấy chỉ vỏn vẹn bằng bàn tay. Sau này nhờ sự hỗ trợ của Hội chữ thập đỏ Quốc tế thì các cánh thư mới dài hơn.

Sau những nỗ lực của nhiều bên, đúng ngày 2/9/1991, anh Phụng, anh Thống và những đồng đội khác rời bán đảo Lôi Châu để quay về Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị.

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại