Năm 2020, ngành công nghiệp vũ trụ có một số khám phá lớn. Từ việc SpaceX đưa người lên Trạm vũ trụ quốc tế ISS cho đến việc Nokia nhận được hợp đồng đưa 4G lên Mặt trăng, những khám phá mới về không gian vô cùng ấn tượng trong năm qua.
1. Nhiều 'vùng nước' phát hiện trên sao Hỏa
Dấu tích về hồ nước mặn lớn dưới lớp băng ở cực nam sao Hỏa được phát hiện vào năm 2018. Tuy nhiên, năm 2020, các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu radar từ tàu vũ trụ Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) giúp khẳng định thêm về sự tồn tại của hồ nước này, đồng thời tìm thấy một số 'khu vực ẩm ướt khác', được coi là một phần quan trọng trong các cuộc điều tra về sự sống tiềm tàng trên sao Hỏa.
2. Lần đầu tìm thấy oxy trong thiên hà khác
Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học tìm thấy khí oxy trong một thiên hà khác.
Ở Markarian 231, thiên hà cách Trái đất hơn nửa tỉ năm ánh sáng, các nhà thiên văn học bất ngờ phát hiện dấu vết của phân tử ô xy, đánh dấu lần đầu tiên nhân loại tìm ra loại khí cần thiết cho sự sống ngoài Dải Ngân hà.
Oxy phân tử mới chỉ được phát hiện hai lần, một lần trong đám mây Rho Ophiuchi và một lần khác trong Tinh vân Orion, cách Trái đất lần lượt 350 và 1.344 năm ánh sáng. Nhưng đó chỉ là một lượng oxy rất nhỏ, dù vậy kết quả vẫn mang một bước đột phá lớn.
3. Khoảng 30 nền văn minh ngoài Trái Đất đang hoạt động trong thiên hà này
Theo một nghiên cứu của Đại học Nottingham, các nhà khoa học cho rằng sự sống phát triển trên các hành tinh khác theo cách tương tự như những gì đã diễn ra trên Trái đất.
Nhóm nghiên cứu tin rằng phải mất tới 5 tỷ năm để sự sống thông minh phát triển trên Trái đất và có thể sự sống thông minh trên các hành tinh khác cũng mất khoảng thời gian tương tự.
Với quan điểm này, các chuyên gia ước tính 'sẽ có ít nhất vài chục nền văn minh đang hoạt động trong Thiên hà của chúng ta'.
4. Phương pháp mới để tạo ra oxy trên sao Hỏa
Từ lâu, con người đã cố gắng tìm ra cách để có thể sinh sống được sao Hỏa. Năm 2020, các nhà khoa học tại Đại học Washington ở St. Louis đã phát hiện ra phương pháp để có thể tạo ra oxy trên hành tinh đỏ.
Phương pháp mới được đưa ra chính là tách nước muối đông lạnh thành hydro và oxy bằng cách điện phân.
5. Phát hiện hành tinh mới có mưa sắt
Các nhà khoa học đã tìm thấy một hành tinh được gọi là Wasp-76b, có điều kiện môi trường 'kỳ lạ' và xuất hiện mưa sắt. Trên hành tinh này, một bên của nó vĩnh viễn là ban ngày, trong khi bên kia vĩnh viễn là ban đêm. Giữa hai bên cũng có sự chênh lệch 1.000 độ C.
6. Sao Thiên Vương có mùi giống như trứng thối
Các nhà khoa học mô tả sao Thiên Vương có mùi 'thơm' như mùi trứng thối ... 'rất dễ chịu'.
Giáo sư vật lý hành tinh Patrick Irwin tại Đại học Oxford giải thích rằng: "Nếu một người có thể sống sót sau khi rơi xuống sao Thiên Vương họ sẽ ngửi thấy mùi trứng thối khủng khiếp. Tôi không nghĩ hành tinh này sẽ sớm trở thành điểm đến cho một kỳ nghỉ".
7. Phát hiện tuổi mới của Mặt trăng Trái Đất
Nghiên cứu mới phát hiện Mặt trăng của Trái Đất thực sự trẻ hơn so với những gì trước đây người ta từng biết đến. Chính xác là trẻ hơn 85 triệu năm tuổi.
Trước đây người ta tin rằng Mặt trăng xuất hiện cùng thời điểm với Trái đất nhưng mới đây các nhà khoa học tại Trung tâm hàng không vũ trụ Đức phát hiện nó thực sự tạo ra vào giai đoạn cuối của quá trình hình thành Trái Đất.
Phát hiện của các nhà khoa học ước tính rằng Mặt trăng hình thành muộn hơn 100 triệu năm so với suy nghĩ trước đây.