Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, trong những năm tới, Tổ hợp công nghiệp-quốc phòng Nga sẽ hoạt động ổn định và nhịp nhàng, còn nhiệm vụ chiến lược là nâng cao thị phần của các vũ khí dân sự trong các xí nghiệp thuộc Tổ hợp công nghiệp-quốc phòng lên 30% vào năm 2025 và lên đến 50% vào năm 2030.
Theo ông Viktor Bondarev, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Liên bang về Quốc phòng và An ninh, cựu Tư lệnh Không quân-Vũ trụ Nga (VKS), thông qua chương trình vũ khí quốc gia mới, Nga sẽ tăng cường hệ thống vũ khí của tất cả các nhánh trong Lực lượng Vũ trang.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57. Nguồn: TASS
Phát triển lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược
Một trong số các hướng ưu tiên trong chương trình vũ khí quốc gia mới của Nga là phát triển lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để phá vỡ thế cân bằng chiến lược bằng cách triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu và hệ thống tấn công ở phiên bản phi hạt nhân nhưng không hề thua kém vũ khí hạt nhân về chất lượng và độ chính xác”, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định.
Trong khuôn khổ chương trình vũ khí quốc gia mới, Lực lượng Tên lửa chiến lược sẽ tiếp nhận các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất Sarmat và Rubezh. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yury Borisov, Sarmat có uy lực rất mạnh, có thể bay tới các mục tiêu không chỉ qua Bắc Cực mà qua Nam Cực, có nghĩa là tên lửa này có tầm bắn toàn cầu.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang về quốc phòng và an ninh, cựu chỉ huy của Không quân- Vũ trụ Nga (VKS) Viktor Bondarev, Nga sẽ tăng sức mạnh cho Lực lượng Tên lửa chiến lược bằng cách loại biên tên lửa Topol và thay thế chúng bằng tên lửa Yars hiện đại và hoàn hảo hơn.
Theo chỉ huy của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga Sergei Karakaeva, ICBM hạng nặng Voevoda sẽ phục vụ cho quân Nga cho đến năm 2027.
Tăng cường sức mạnh cho Hải quân
Trong phạm vi chương trình vũ khí quốc gia mới, Nga dự kiến sẽ triển khai các mẫu vũ khí có độ chính xác cao trên tàu hộ tống và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hải quân. Theo các nguồn tin trong Tổ hợp công nghiệp-quốc phòng Nga, vũ khí đó chính là tên lửa hành trình siêu thanh chống tàu Zircon.
Tháng 11-2017, ông Viktor Bondarev đã công bố về sự hiện diện của tên lửa Zircon trong kho vũ khí của Lực lượng vũ trang.
Hiện nay, Hải quân Nga đang có 5 tàu hộ tống Đề án 20380, còn có 5 chiếc khác đang trong quá trình chế tạo. Hải quân Nga cũng đã đặt đóng 2 tàu hộ tống Đề án 20385 và 1 tàu hộ tống Đề án 20386. Dự kiến, đơn đặt hàng các tàu này có thể sẽ còn tăng thêm.
Nguồn tin này cũng cho biết thêm, Nhà máy đóng tàu Yantar ở Kaliningrad là đơn vị được giao nhiệm vụ đóng các con tàu này.
Dự án Borey-B cũng nằm trong chương trình vũ khí quốc gia mới. Công tác thiết kế-thử nghiệm tàu ngầm nguyên tử chiến lược này sẽ được bắt đầu trong năm nay. Dự kiến, tàu Đề án Borey-B sẽ kết thúc các đợt thử nghiệm và được chuyển giao cho Hải quân trước năm 2026.
Tàu lớp Borey-B sẽ có lớp vỏ giống “người tiềm nhiệm” ( Đề án 955 Borey-A), nhưng tiếng ồn khi tàu di chuyển sẽ giảm đáng kể do lắp đặt động cơ đẩy nước mới. Việc đóng hàng loạt tàu ngầm Borey-B sẽ bắt đầu từ năm 2023 với số lượng ban đầu sẽ là 4 tàu.
Xe tăng T-14 Armata.Nguồn: TASS.
Tiếp thêm vũ khí cho Lục quân và Không quân
Theo Chương trình vũ khí quốc gia mới, Quân đội Nga sẽ tiếp thêm vũ khí cho Lục quân và Không quân. Cụ thể, các loại xe bọc thép thế hệ mới sẽ được cung cấp, bao gồm: Xe tăng T-90M và T-14 Armata, xe bọc thép Boomerang, xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25.
Là một phần trong chương trình vũ khí mới, quá trình sản xuất hàng trăm xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới T-14 Armata sẽ được bắt đầu từ năm 2020. Siêu tăng T-14 sẽ được ưu tiên trang bị cho quân khu miền Tây và miền Nam.
Được biết, Lực lượng vũ trang Nga sẽ nhận được lô vũ khí thiết giáp mới- BMPT Terminator vào mùa xuân năm nay. BMPT Terminator là loại xe chiến đấu bọc thép mới của Nga, được thiết kế để dùng lẫn trong các đội hình tăng nhằm bảo vệ đội hình và làm nhiệm vụ diệt tăng của đối phương.
BMPT Terminator được trang bị hỏa lực mạnh cùng hệ thống phòng vệ tiên tiến hơn hẳn so với nhiều loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện nay.
Chương trình vũ khí quốc gia mới cũng chú trọng tới việc trang bị vũ khí cho Không quân, bao gồm dự án Tu-160M và Tổ hợp hàng không tương lai cho Không quân tầm xa (PAK DA).
Bộ Quốc phòng Nga và Công ty Tupolev đã ký kết hợp đồng cung cấp 10 máy bay ném bom Tu-160M với tổng trị giá hợp đồng là 160 tỷ rúp. Ngoài ra, cũng theo chương trình vũ khí mới, Nga sẽ tiếp tục công tác phát triển dự án PAK DA. Trong tương lai, PAK DA sẽ thực hiện các nhiệm vụ của 3 loại máy bay của Không quân Tầm xa Nga là Tu-160, Tu-95 và Tu-22М3.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết , máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới PAK DA của Nga sẽ có chuyến bay đầu tiên vào năm 2025 hoặc năm 2026 và có thể sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 2028 hoặc 2029.
Ngoài việc mua Su-30SM và Su-35S- những loại máy bay đã chứng tỏ được khả năng của mình trên bầu trời Syria, Không quân sẽ tiếp nhận thêm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 ( trước đây gọi là PAK FA T-50).
VKS sẽ mua các trực thăng tấn công đã thể hiện khả năng tác chiến xuất sắc ở Syria như Ka-52 Alligator ( Cá sấu) và Mi-28N Night Hunter (Thợ săn đêm). Cuối năm 2018, lô trực thăng phiên bản nâng cấp Mi-28NM đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Không quân.
Bên cạnh đó, tên lửa siêu thanh và vũ khí có độ chính xác cao cũng là một trong những ưu tiên của chương trình vũ khí quốc gia.