Những "hạt giống đỏ" cũng bị xử lý, thể hiện quyết tâm rất lớn của Bộ Chính trị

N. Huyền |

Quyết định cách chức Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Xuân Anh của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được nhiều chuyên gia, ĐBQH đánh giá cao.

Những hạt giống đỏ cũng bị xử lý, thể hiện quyết tâm rất lớn của Bộ Chính trị - Ảnh 1.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa quyết định thi hành kỷ luật Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền

PGS. TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Có một số thứ, một số điều hình như chúng ta bị lơi lỏng trong công tác quản lý cán bộ.

Một loạt vụ việc bổ nhiệm cán bộ, bổ nhiệm ào ào (bổ nhiệm con, bổ nhiệm cháu, bổ nhiệm anh, bổ nhiệm em…) là di chứng của một quá trình, của một thời gian dài gây hậu quả. Và nguyên Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng là hậu quả của quá trình ấy.

“Chúng ta không thể nói đây là một vấn đề nhỏ được. Hiện giờ chúng ta đã giải quyết dứt điểm, Trung ương cũng đã xử lý và nhiều người có ý hơi nặng so với một số người trước đây hay một số người ở tỉnh nọ tỉnh kia cũng mắc sai phạm nhưng hình thức kỷ luật nhẹ hơn.

Ta không bàn đến cái đó. Đây không phải là vấn đề lấy điểm, mà điều này thể hiện không có vùng cấm, ai vi phạm thì đều phải xử lý. Anh mắc khuyết điểm đến đâu tôi xử lý đến đó và xử lý để dân tin”- PGS. Ngô Thành Can nói.

Những hạt giống đỏ cũng bị xử lý, thể hiện quyết tâm rất lớn của Bộ Chính trị - Ảnh 2.

PGS. TS Ngô Thành Can


Ông Can cũng “rất chia sẻ” và ủng hộ quan điểm mà Tổng Bí thư đã nêu “nếu người cán bộ Đảng viên lãnh đạo đặc biệt cao cấp mà không gương mẫu, không trung thực, không làm ăn đàng hoàng thì sẽ gây mất niềm tin của nhân dân.

Do đó, chúng ta phải kỷ luật đúng người vi phạm nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền”.

Theo PGS Ngô Thành Can việc kỷ luật cán bộ cao cấp nói chung, đặc biệt việc kỷ luật 2 Ủy viên Trung ương Đảng mà Trung ương mới công bố gần đây đã ủng cố niềm tin của dân chúng vào nền công vụ.

Người dân ủng hộ rất cao đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hay việc xử lý sai phạm của lãnh đạo cao cấp mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang thực hiện trong thời gian qua.

“Trước đến nay nhân dân nghĩ rằng thường cán bộ bao che cho nhau, thường là lấp liếm, che giấu cho nhau, bảo vệ cho nhau…còn chỉ dân là thiệt.

Sau này nữa rất nhiều vụ việc họ nhận thấy tham ô là từ cán bộ, dân làm sao tham ô được, nhưng không thấy kỷ luật ai. Nhất là khi tham nhũng trở thành “phong trào”, lợi ích nhóm điều hành cả chính sách…

Khi Trung ương thể hiện quyết liệt của mình đối với công cuộc chống tham nhũng thì mới thấy rằng từ việc nhỏ ra nhiều việc lớn. Từ việc nọ ra việc kia, từ đầu mối Trịnh Xuân Thanh thôi ra không biết bao nhiêu thứ liên quan đến nhau.

Bây giờ không chỉ với cán bộ đã nghỉ hưu mà ngay cả cán bộ đang đương chức, thậm chí còn rất trẻ được coi như những “hạt giống đỏ" cũng bị xử lý, thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Bộ Chính trị trong công tác phòng chống tham nhũng.

Đúng như cách mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra xử một người để cứu muôn người”- ông Ngô Thành Can nói.

Công việc thường xuyên nhằm chỉnh đốn Đảng

Trong khi đó, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đánh giá, việc kỷ luật cán bộ cao cấp trong đó có nguyên Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân

Anh có thể coi là một trong những tuyên bố rõ ràng về việc thực hiện chủ trương và quyết tâm trong công tác kiện toàn bộ máy, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo giữ vị trí cao, người đứng đầu cơ quan của Đảng, Nhà nước.

Theo ông Nhưỡng, việc xử lý đối với cán bộ cao cấp nếu trước đây như “vùng cấm”, chỉ mang tính “nội bộ” thì nay đã là công việc thường xuyên nhằm chỉnh đốn Đảng, phòng chống vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước và vi phạm đạo đức của người lãnh đạo, quản lý.

Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội cũng nhấn mạnh, muốn có lãnh đạo trẻ, tài năng, có độ “chín”, đủ sức gánh vác công việc của Đảng, Nhà nước thì phải thực hiện tốt hai quá trình: Một là, Đảng, Nhà nước cần phát hiện, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, những người vừa “hồng” vừa “chuyên”; Hai là, bản thân người cán bộ đó phải tự rèn luyện, tự học hỏi, tự đào tạo mình thành người có ích, có kiến thức, hiểu biết, đặc biệt phải là người tốt, có lòng nhân, có liêm sỉ, biết phấn đấu vì lợi ích, sự sống còn của Đất nước và Nhân dân.

“Trong hai quá trình đó, cần hết sức lưu ý tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ thể hiện khả năng, bản lĩnh, bộc lộ các phẩm chất tốt đẹp, tức là phải trải nghiệm thực sự.

Vì người ta thường nói, “kinh nghiệm là ông thầy của mọi ông thầy”, muốn có kinh nghiệm đôi khi phải trả giá. Nếu chỉ nhìn vào quan hệ, bằng cấp mà lại là bằng “rởm” để bổ nhiệm, đề bạt thì sẽ vô cùng tai hại” – ông Nhưỡng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại