Những gia đình doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam đã làm gì trong 1 năm qua?

Ngày doanh nhân 13/10, hãy cùng CafeBiz nhìn lại những gia đình doanh nhân hàng đầu Việt Nam và xem những gì họ đã làm trong 1 năm qua.

Gia đình vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Imex Pan Pacific Group (IPP), là người đứng đầu một trong những gia đình kinh doanh đình đám nhất Việt Nam hiện nay, các thành viên trong gia đình ông đều tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Chị gái ông, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa và em gái ông, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng là những người thành lập điều hành các chuỗi siêu thị Citimart và Maximark.

Trong đó, chuỗi Maximark đã được bà Ánh Hồng bán lại cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng hồi cuối năm ngoài, đồng thời mua lại hãng thời trang Emigo. Thương hiệu này sau đó được đổi tên thành thời trang M.Y.M và hiện do con gái bà Ánh Hồng quản lý.

Về phía ông Hạnh Nguyễn, ông được biết đến với cái tên "Vua hàng hiệu" khi là người đứng sau hàng loạt thương hiệu xa xỉ ở các trung tâm thương mại đắt đỏ và các cửa hàng miễn thuế ngoài sân bay.

Nếu tính riêng nhóm cao cấp thì tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) của ông chiếm khoảng 70% thị phần, còn nếu tính toàn bộ dòng trung – cao cấp thì khoảng 40%.

Không chỉ có hàng hiệu, ông còn sở hữu nhiều chuỗi đồ ăn nhanh như Burger King, Domino’s Pizza, Dunkin' Donuts, Popeyes Chicken...

Gia đình ông sở hữu nhiều siêu xe trong garage, như Rolls Royce hay Maybach… Nhưng không ai sử dụng số xe này để đi làm hoặc đi chơi mà chỉ để đón tiếp đối tác hoặc đi dự sự kiện.

Cũng chỉ khi đi dự sự kiện, ông Hạnh Nguyễn mới mặc đồ hiệu, còn ở trụ sở ông vẫn có thói quen đi dép lê, mặc áo sơ mi ngắn tay đơn giản.

Mới đây, ông Johnathan Hạnh Nguyễn và vợ mình, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên - Tổng giám đốc tập đoàn IPP đã lọt vào top 500 người quyền lực nhất làng thời trang thế giới, theo bình chọn của tạp chí Business of Fashion. Đây là năm thứ 2 liên tiếp vợ chồng ông được chọn vào danh sách này.

Tập đoàn IPP kiểm soát một phần lớn thị trường Việt Nam trong việc phân phối hơn 28 thương hiệu lớn trong đó có các nhãn hiệu có tên tuổi như Salvatore Ferragamo, Versace, Bally, Burberry, Rolex, Cartier... hay các thương hiệu thời trang tầm trung như Nike, GAP, Banana Republic, Diesel, Tommy Hilfiger... "Cặp đôi vàng" này đã thúc đẩy tăng trưởng mua sắm các mặt hàng cao cấp từ 15 - 20%.

Được biết trong thời gian tới, tập đoàn IPP sẽ tiếp tục mang về một số những thương hiệu tên tuổi lừng lẫy khác của thế giới như Marchesa, Johnmy Simkhai, Jimmy Choo, EllieSaab... thông qua hình thức cửa hàng bán lẻ để khoảng cách giữa ngành thời trang Việt Nam và làng thời trang thế giới xích lại gần hơn.

Tháng 5/2016, ông Hạnh Nguyễn cùng 3 nhà đầu tư Mỹ đề xuất với TP.HCM đầu tư dự án 4 tỷ USD ở Thủ Thiêm, để xây dựng khu tổ hợp chung cư, khách sạn 5 sao, tháp tài chính, nhà hát Opera và bến du thuyền tại TPHCM.

Tuy nhiên, đến tháng 8, chính quyền TP.HCM đã chính thức công bố không phê duyệt đề xuất điều chỉnh quy hoạch dự án này, do không đồng ý điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được duyệt

Trần gia - Kido

Hai anh em Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên khởi nghiệp từ một cơ sở sản xuất bánh snack nhỏ ở TPHCM năm 1993, sau đó gây dựng được tên tuổi trong thị trường bánh kẹo.

Bước đột phá đầu tiên của 2 anh em là thương vụ đầu tư hơn 1 triệu USD năm 1996 để nhập dây chuyển sản xuất bánh mì, bánh bơ và tạo ra bước nhảy vọt về doanh thu.

Bước đột phá tiếp theo là năm 2002 khi Kinh Đô cho ra đời bánh trung thu, tạo nên tiếng vang lớn trên thị trường về chất lượng, qua đó tạo dựng thương hiệu.

Ông Trần Kim Thành sinh năm 1960, là người điềm đạm, hoạch định phần chiến lược của công ty. Trong khi đó, ông Trần Lệ Nguyên kém ông Thành 8 tuổi, là người sôi nổi, tham gia vào các thương vụ đầu tư, dàn xếp tài chính bên ngoài.

Nói về hai anh em, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch hiệp hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, "Họ bổ khuyết, bọc lót cho nhau rất ăn ý và tạo dựng được một tên tuổi mà những người anh em khác trong các công ty lớn tại Việt Nam khó lòng theo được".

Trong khi đó, Tổng giám đốc VinaCapital, ông Don Lam từng nói "Họ đưa ra các quyết định quan trọng rất nhanh, thấy cơ hội là chớp liền vì hiểu biết ngành và điểm mạnh của mình", sau khi chứng kiến 2 anh em đưa ra quyết định mua lại kem Wall's từ tập đoàn Unilever.

Những gia đình doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam đã làm gì trong 1 năm qua? - Ảnh 1.

Ông Trần Kim Thành và vợ Vương Bửu Linh (trên). Ông Trần Lệ Nguyên và vợ Vương Ngọc Xiềm (dưới)

Gia đình họ Trần hiện nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt tại Kido. 2 người vợ của ông Thành và ông Nguyên là bà Vương Bửu Linh và bà Vương Ngọc Xiềm đều là thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Phó Tổng giám đốc Kido.

Ngoài ra, ông Trần Quốc Nguyên, em trai của 2 ông Thành - Nguyên cũng có chân trong Hội đồng quản trị và là Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Kido.

Đến nay, Kinh Đô đã bán hoàn toàn mảng bánh kẹo cho Mondelez và đổi tên thành Kido, tập trung vào 3 mảng chính là ngành lạnh (kem, bánh bao...), dầu ăn và mỳ gói.

Kido đang tiến rất nhanh đối với ngành lạnh và dầu ăn, trong đó kem đem về lợi nhuận lớn, bánh bao làm không đủ bán, còn dầu ăn thì Kido đang nắm trong tay các doanh nghiệp đầu ngành thông qua M&A. Ông Trần Lệ Nguyên mới đây đã chính thức ngồi vào ghế Chủ tịch của dầu ăn Tường An.

Theo tính toán, tỷ suất sinh lời hiện tại của Kido thậm chí còn cao hơn 2 ông lớn trong ngành là Vinamilk và Masan Consumer.

Đặng gia - Thành Thành Công

Gia đình ông Đặng Văn Thành - bà Huỳnh Thị Bích Ngọc cùng 2 người con là Đặng Hồng Anh và Đặng Huỳnh Ức My kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, mía đường và địa ốc.

Trong đó, ông Thành là người sáng lập và phát triển Sacombank, con trai Đặng Hồng Anh hoạt động trong lĩnh vực bất động sản với Sacomreal. 2 mẹ con Huỳnh Bích Ngọc và Đặng Huỳnh Ức My cùng nhau xây dựng mảng mía đường.

Những gia đình doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam đã làm gì trong 1 năm qua? - Ảnh 2.

Sau khi Sacombank bị thâu tóm, gia đình ông Đặng Văn Thành hiện đang tập trung toàn lực vào Tập đoàn Thành Thành Công, trong đó ông Thành làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, vợ và 2 con ông đảm nhiệm 3 vị trí Phó Chủ tịch. Tập đoàn có 5 lĩnh vực kinh doanh chính, gồm Bất động sản – Năng lượng - Nông nghiệp - Giáo dục – Du lịch với 21 công ty thành viên.

Tính đến cuối năm 2015, Thành Thành Công có quy mô vốn điều lệ 11.371 tỷ đồng, doanh thu thuần năm ngoái là 15.405 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.114 tỉ đồng.

Những gia đình doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam đã làm gì trong 1 năm qua? - Ảnh 3.

Thời gian gần đây, tập đoàn Thành Thành Công liên tục gây chú ý, khi đang trong quá trình đàm phán mua lại mảng mía đường của bầu Đức, đồng thời có ý định niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Singapore, điều mà chưa một doanh nghiệp nào của Việt Nam làm được.

Bên cạnh đó, ông Đặng Văn Thành vẫn nung nấu ý định quay lại với ngành ngân hàng. "Tôi sẽ trở lại làm ngân hàng nếu điều kiện thuận lợi", ông Thành chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

Đỗ gia - Doji & TPBank

Ông Đỗ Minh Phú sinh năm 1952 và là người con thứ 3 trong gia đình có 11 anh chị em. Ông Phú cùng người em Đỗ Anh Tú là 2 người được biết đến nhiều nhất trong đại gia đình họ Đỗ, gia đình có truyền thống kinh doanh.

Truyền thống này xuất phát từ cụ Đỗ Thế Sử, người khởi nghiệp kinh doanh với công ty phát triển công nghệ và thương mại TTD, tiền thân của Doji. Cụ Đỗ Thế Sử cũng đồng thời sáng lập, điều hành công ty may mặc Gamexco, xuất khẩu sản phẩm may mặc sang Đông Âu.

Những gia đình doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam đã làm gì trong 1 năm qua? - Ảnh 4.

Ông Đỗ Minh Phú và Đỗ Anh Tú là những người tiếp nối truyền thống kinh doanh từ cha mình, trong khi các anh chị em khác cũng rất thành công, trở thành giáo sư, tiến sỹ, thầy thuốc...

2 anh em ông Phú chính là những người đã thành lập công ty Diana, sau đó bán 95% vốn cho tập đoàn gia dụng Nhật Bản Unicharm. Số tiền từ thương vụ này giúp 2 ông mua lại cổ phần tại Tienphong Bank, sau đổi tên thành TPBank.

Ông Phú hiện giữ vị trí lãnh đạo tại hàng loạt công ty lớn như Chủ tịch TPBank, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Doji, Chủ tịch SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, Chủ tịch công ty Đá quý và Vàng Yên Bái, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, Đại sứ Hiệp hội đá quý Quốc tế tại Việt Nam...

Em trai ông Phú, ông Đỗ Anh Tú hiện là Phó Chủ tịch TPBank và đồng thời là Tổng giám đốc Diana Unicharm và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản thị trương hiệu và marketing. Với sự điều hành của 2 ông Tú - Phú, TPBank năm 2015 đạt lợi nhuận sau thuế 562 tỷ đồng, chính thức xóa hết lỗ lũy kế.

Những gia đình doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam đã làm gì trong 1 năm qua? - Ảnh 5.

Ông Đỗ Minh Phú (giữa) cùng 2 con Đỗ Vũ Phương Anh (phải) và Đỗ Minh Đức (trái)

2 người con của ông Phú là Đỗ Vũ Phương Anh và Đỗ Minh Đức hiện đang đều làm Phó Tổng giám đốc tại Doji.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại