Cơn mưa bất chợt hắt vào cửa làm ngôi nhà chưa đầy 18 mét vuông của em Trần Tiết Đạt (16 tuổi, ở tổ 19, Phường 13, Quận 8, TPHCM) thêm chật chội. Từ ngày mẹ của Đạt mất vì COVID-19, căn nhà vốn đầy ắp tiếng cười, nay bị bao phủ bởi bầu không khí ảm đạm.
Nhà có 4 người nhưng chẳng ai nói với nhau câu nào, đến giờ ăn cơm, học hành, anh Trần Thanh Tâm (SN1972 – bố Đạt) lại nhắc các con về nhiệm vụ của mình.
Đạt ngồi bần thần nép mình vào ngay góc giường – nơi ông nội đang nằm, hàng giờ đồng hồ. Từ ngày thiếu đi hơi ấm của mẹ, Đạt ít nói hẳn, tâm tính cũng trở nên lầm lì hơn.
Còn bố của Đạt lại hay tựa mình trên chiếc ghế đặt ngay phía sau cánh cửa sắt hoen rỉ, mắt hướng ra phía đầu ngõ, thỉnh thoảng lại ngoảnh lên phía bàn thờ - nơi có di ảnh vợ vừa cúng 49 ngày. Chỉ có em trai Đạt (bé Trần Tiến Duy, 8 tuổi) là tự tạo niềm vui cho mình bằng những bộ tô màu vừa gửi đến từ nhà hảo tâm.
Đạt vừa kết thúc buổi học online. Nói là học nhưng với Đạt, tham gia các buổi học chỉ như điểm danh cho có tên. Bởi dù từng có nhiều giấy khen, nhưng từ ngày mẹ bỏ hai anh em Đạt đi mãi, em cũng xin bố chuyển sang học hệ bổ túc văn hóa vào các buổi tối để có thể toàn tâm toàn ý giúp bố kiếm tiền, chăm ông và chăm em.
Còn anh Tâm – bố Đạt, khi nghe con giãi bày suy nghĩ về nỗi lo cơm áo gạo tiền, cũng chỉ biết thắt lòng. Sự nín lặng đến xót xa của anh cũng coi như chấp nhận số phận đến trường của con. Bởi cũng chẳng có hướng nào tốt hơn khi nhiều năm qua, anh Tâm làm nghề giao gà, giao vịt ở trang trại của người chú họ.
Với mức lương thư ký của vợ anh, chuyện lo cho hai con học hành cùng người bố đau ốm nằm một chỗ, cũng coi như tạm trọn vẹn. Nhưng từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, mọi nguồn thu không còn vì giãn cách. Cho đến khi vợ ra đi vì COVID-19, mọi thứ trong căn nhà chưa đầy 18 mét vuông này cũng đảo lộn hoàn toàn.
Trong tư thế tay chống cằm, mắt bần thần hướng ra cửa, anh Tâm trải lòng: "Vừa hôm nay đủ 49 ngày mẹ nó ra đi. Từ ngày nhập viện (ngày 27/7) và nhận tin dữ từ Bệnh viện Chợ Rẫy đến giờ, chẳng làm được chuyện gì ra hồn. Thằng Duy biết mẹ nó đi rồi mà tối đến vẫn hỏi mẹ.
Còn thằng Đạt, nó biết suy nghĩ rồi, thấy nhà khó khăn, bố mẹ chạy ăn từng bữa thì giờ cũng xin bố cho nghỉ học, tôi không cho nó nghỉ, tôi bảo rồi, có khó có khốn mấy cũng ráng cho nó ăn học. Rồi thấy tôi khó quá, nó kêu cho con học bổ túc buổi tối, để sau giờ học, được cùng bố đi chở gà, chở vịt kiếm thêm thu nhập. Tôi đi từ 1h đêm đến sáng cơ mà, không biết rồi nó sẽ chịu được sao đây".
Anh Tâm tiếp lời: "Vợ bị COVID-19 nhưng mấy đứa nhỏ và ông đều bình an. Xét nghiệm mấy lần đều âm tính. Vợ mất từ ngày 27/7 nhưng nửa tháng sau gia đình mới được nhận tro cốt.
Ngày đi nhận, anh em bên đằng vợ mỗi người góp vài triệu cũng đủ 18 triệu để lấy hũ tro cốt về (thời điểm gia đình bệnh nhân tử vong do COVID-19 chưa được chi phí nhận tro cốt của thân nhân - PV). Mấy hôm thực hiện giãn cách, tiền trong nhà cũng cạn kiệt, vớt vát được vài đồng cũng phải ra năn nỉ cán bộ trực chốt xin cho qua chút để đi mua bỉm cho ông nằm liệt giường. Mệt mỏi, khốn khó đủ đường cô ơi…".
Nhìn quanh gian nhà chật chội thì người bố hơn 80 tuổi đang nằm bất động trên giường, 2 người con hiểu chuyện đang ngồi thu mình một góc tường… anh Tâm bất lực, sống mũi cay xè.
"Hết dịch, phải đi chở gà chở vịt với ông chú chứ, không là chết đói. Có vợ, vợ còn xoay sở cáng đáng việc nhà, giờ một mình tôi mới chết nè, chưa biết sẽ lo toan sao đây…", anh Tâm nghẹn ngào.
Em Nguyễn Văn Tấn Anh (12 tuổi, ở số 17/68B Mễ Cốc, Phường 15, Quận 8) cũng chẳng khá hơn. Từ ngày mẹ mất vì COVID-19 (12/8) đến nay, nụ cười trên khuôn mặt Tấn Anh đã tắt hẳn, em trở nên ít nói và lầm lì hơn.
Tấn Anh là con trai thứ 3 trong gia đình có 4 anh em. Anh trai cả của Tấn Anh vừa tốt nghiệp lớp 12 cũng học hớt tóc giúp gia đình kiếm thêm thu nhập. Chỉ còn Tấn Anh cùng anh ba, em út là Nguyễn Văn Hùng (5 tuổi) là đương tuổi ăn, tuổi đến trường.
Khi PV Báo Sức khỏe & Đời sống có mặt để thăm, động viên gia đình, Tấn Anh ngồi thu mình một góc ngay bên cạnh bàn thờ mẹ. Chốc chốc, Tấn Anh lại hướng mắt về phía di ảnh sau làn khói nghi ngút.
Thay vì được mẹ kể chuyện, ru ngủ hằng đêm nhưng từ ngày lập bàn thờ mẹ dưới tầng 1, Tấn Anh cũng trải manh chiếu nằm cạnh di ảnh với mong mỏi có được chút gần gũi với mẹ. Còn út Hùng (5 tuổi), khi được hỏi đến mẹ, vẫn bi bô gọi tiếng "mẹ" và ngoảnh mặt tìm trong vô thức.
Anh Nguyễn Văn Khánh (bố bé Tấn Anh) cho biết: "Mẹ đi rồi, chúng nó khóc hoài. Nhất là thằng Tấn Anh, nó đau lắm…".
"Hai vợ chồng mưu sinh bằng nghề đóng gói, phân phối đồ chơi (đồ handmade – PV). Ngày nào học sinh đến lớp thì vợ chồng anh có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, từ ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội, những khoản tiền vợ chồng anh Khánh chắt chiu trước đây cũng phải mang ra để lo cho gia đình", anh Khánh trải lòng.
Từ ngày lâm cảnh "gà trống nuôi con", anh Khánh trở nên tháo vát hơn với mọi việc trong nhà. Tuy nhiên, phải cáng đáng các con ăn học, cộng thêm khoản nợ ngân hàng gần 300 triệu, trong khi thu nhập bấp bênh, anh Khánh chưa biết sẽ xoay sở ra sao.
Năm học mới vừa bắt đầu không lâu, Tấn Anh sẽ học hành chăm chỉ và tự nhủ, những tờ giấy khen đặt trên ban thờ sẽ làm mẹ yên lòng nơi chín suối…
Về trường hợp gia đình bé Trần Tiến Duy, trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, bà Nguyễn Thị Bích Hiền – Trưởng khu phố 2, tổ 19, phường 13, quận 8 cho biết, trước kia, gia đình anh Tâm không khó khăn, đặc biệt nhưng ngay sau khi vợ anh Tâm mất đi do dịch COVID-19, khu phố cũng đưa trường hợp anh Tâm vào danh sách những hộ gia đình cần lưu tâm, hỗ trợ. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ các nhà thiện tâm đối với gia đình trong lúc khó khăn, bối rối là thực sự cần thiết lúc này.
Bởi hiện nay, anh Tâm là lao động chính của gia đình, lo ăn học cho hai con trai và cha già hơn 80 tuổi đang nằm liệt giường nên rất khó khăn. Đó là mặt kinh tế. Còn phía tinh thần thì ngay khi nhà anh Tâm có đại sự, gia đình thân thuộc phía anh Tâm cũng không ở gần, chị gái ruột đã mất nhiều năm nay vì căn bệnh ung thư. Còn anh trai ở huyện Cần Giuộc, Long An cũng vì dịch COVID-19 mà không thể có mặt.
Bà Mao Thị Kim Liên – Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận 8 cho biết, em Trần Tiến Duy (SN2013) đang theo học lớp 3 trường Tiểu học Trần Nguyên Hãn. Mẹ của 2 em Duy và Đạt vừa mất vì nhiễm SARS-CoV-2. Bố Duy (anh Trần Thanh Tâm) là lao động chính của gia đình, kiếm sống bằng nghề giao hàng (giao gia cầm) nhưng đang thất nghiệp vì dịch COVID-19. Gia đình này có người ông nội bị tai biến nằm một chỗ.
Bé Nguyễn Văn Hùng (5 tuổi) đang theo học tại lớp Lá 3, trường Mầm non Bé Ngoan. Bé Hùng là con út trong gia đình có 4 anh em trai. Anh cả vừa học hết lớp 12, đang là thợ cắt tóc. Anh thứ 2 đang học lớp 12. Anh thứ 3 là Tấn Anh đang theo học lớp 7. Mẹ của các bé cũng vừa mất vì COVID-19. Gia đình còn ba là anh Nguyễn Văn Khánh nhưng thu nhập cũng không thực sự ổn định.
Bà Mao Thị Kim Liên cho biết, phía Phòng GD&ĐT đã có buổi đến thăm, động viên tình thần gia đình bé Duy, bé Hùng.
"Điều mà chúng tôi mong mỏi đó là 2 bé được đến trường. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng hỗ trợ phía gia đình theo sát việc học của các em, hỗ trợ các em trong giai đoạn khó khăn này", bà Liên cho hay.