Những điều ít biết sau câu chuyện Triều Tiên thả 3 tù nhân Mỹ

Hùng Cường |

Để 3 tù nhân Mỹ được phóng thích, cả Mỹ và Triều Tiên đã phải trải qua một chặng đường dài không hề đơn giản.

Mỹ-Triều vượt qua trở ngại cuối cùng?

Việc 3 tù nhân Mỹ được phóng thích hôm 9/5 đã xóa bỏ trở ngại cuối cùng trước cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử mang tính bước ngoặt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Động thái thiện chí của Bình Nhưỡng đưa ra ngay khi hai bên hoàn thành chi tiết những nội dung của cuộc gặp thượng đỉnh. Đây cũng được xem là hành động cụ thể nhất của phía Triều Tiên nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ kể từ khi ông Trump nhậm chức.

Công bằng mà nói, 3 công dân Mỹ được phóng thích không phải là động thái đảm bảo cho thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều - nơi mà hai bên phải đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn nhiều như việc giải quyết khu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hay như sự hiện diện của lính Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên và vấn đề an ninh, ổn định ở châu Á…

Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ, động thái mới nhất của Triều Tiên rõ ràng đã gửi đi một thông điệp tích cực rằng Bình Nhưỡng có thể nghiêm túc hướng đến mục tiêu kết thúc hơn 7 thập kỷ đối đầu với Mỹ và các đồng minh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự phấn khích trước diễn biến này và thậm chí còn nói rằng ông có thể giành được giải Nobel Hòa bình vì nỗ lực ngoại giao của mình. Ông Trump đã đáp trực thăng tới Căn cứ không quân Andrews để gặp trực tiếp 3 ông Kim Hak-song, Tony Kim và Kim Dong-chul sau khi họ được Triều Tiên trả về. Đây là hành động mà các Tổng thống khác thường không làm trong hoàn cảnh tương tự.

“Không ai nghĩ điều này sẽ xảy ra. Và tôi đánh giá cao ông Kim Jong-un vì đã làm như vậy và cho phép họ đi”, ông Trump nói tại Nhà Trắng sau khi có thông tin về việc phóng thích.

Nguồn video: Reuters.

Mỹ trước đó đã liên tục phát đi yêu cầu Triều Tiên phóng thích 3 công dân Mỹ là Kim Dong-chul, Tony Kim và Kim Hak-song, những người này đều bị phía Triều Tiên giam giữ với cáo buộc làm gián điệp và có “hành vi thù địch” chống lại chính quyền Bình Nhưỡng. Hai trong số ba người đã bị bắt sau khi ông Trump nhậm chức hồi năm ngoái.

Ông Evan S. Medeiros, cựu cố vấn cấp cao về Châu Á dưới thời Tổng thống Barack Obama nói: “Đối với ông Trump, việc các công dân Mỹ được phóng thích giúp ông ấy có thêm cơ sở để củng cố quan điểm của cá nhân cho rằng chỉ có ông ta mới có thể đàm phán hiệu quả với Triều Tiên. Trong khi đó, đối với ông Kim, động thái này giúp ông ta làm suy yếu chiến dịch gây áp lực tối đa - có lẽ đã lên đến đỉnh điểm, và hơn nữa là tạo lợi thế, kéo dài thời gian biểu tiến tới phi hạt nhân hóa”.

Trong động thái được cho là lần đầu tiên nhắc đến Hội nghị Thượng đỉnh với Mỹ, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, ngày 9/5, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cảm ơn ông Trump vì thể hiện “sự quan tâm sâu sắc trong việc giải quyết vấn đề thông qua đối thoại”.

Ông Kim nói rằng, cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới sẽ là dấu mốc “lịch sử”, và là bước đi đầu tiên tuyệt vời hướng tới thúc đẩy sự phát triển tích cực tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Khi cùng Ngoại trưởng Mỹ dùng bữa trưa trên tầng 39 của khách sạn Koryo ở thủ đô Bình Nhưỡng, ông Kim Yong-chol, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên – người chịu trách nhiệm đối thoại chính với ông Pompeo nói rằng, sau nhiều năm theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân, Triều Tiên giờ đây đã quyết định chuyển hướng để tập trung vào cải thiện cuộc sống của người dân.

“Chính sách của chúng tôi là tập trung mọi nỗ lực vào phát triển kinh tế [chính sách đã được ông Kim Jong-un thông qua tại một cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng trước –ND]. Tôi hy vọng Mỹ cũng sẽ hài lòng với thành công của chúng tôi. Tôi kỳ vọng rằng Mỹ sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”, ông Kim Yong-chol nói.

Nói như vậy nhưng ông Kim Yong-chol cũng cho biết, quyết định đàm phán với Mỹ không phải là “kết quả của các biện pháp trừng phạt do nước ngoài áp đặt” dù ông Trump từng nhiều lần cho rằng Triều Tiên chuyển hướng chính sách là do áp lực của các lệnh trừng phạt do Mỹ “đạo diễn”.

Đáp lại, ông Pompeo sử dụng những ngôn từ hết sức ngoại giao: “Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã là đối thủ. Giờ đây chúng ta hy vọng có thể cùng nhau giải quyết xung đột này, xóa bỏ các mối đe dọa đối với thế giới và mang lại tất cả các cơ hội mà đất nước của các bạn xứng đáng được hưởng”.

Chặng đường đàm phán cam go

Quay trở lại câu chuyện 3 tù nhân Mỹ bị Triều Tiên giam giữ. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy Triều Tiên sẵn sàng nói về việc phóng thích những tù nhân nói trên xuất hiện vào tháng 3/2018, khi rộ lên khả năng ông Pompeo có cuộc gặp với các quan chức Triều Tiên để thảo luận về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Tổng thống Donald Trump khi đó cảnh báo rằng ông không ủng hộ việc nhượng bộ để đổi lấy tự do của ba công dân Mỹ, nhấn mạnh rằng nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un chân thành với việc gặp ông, Triều Tiên sẽ nhận ra rằng họ cần phải chủ động phóng thích những người này.

Ông Pompeo trở về sau chuyến công du đầu tiên đến Triều Tiên hồi đầu tháng 4/2018 mang theo tin tức lạc quan. Theo các quan chức Mỹ, ông Pompeo đã nói với Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence rằng chuyến đi của ông đạt được kết quả khả quan về công tác chuẩn bị cho cuộc gặp cũng như triển vọng 3 công dân Mỹ được phóng thích.

Theo các nguồn tin giấu tên, ngày 2/5, Phó Tổng thống Pence đã cùng với Ngoại trưởng Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John R. Bolton nhóm họp tại Phòng tình huống ở Nhà Trắng để thảo luận về kế hoạch cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sau khi Bình Nhưỡng yêu cầu ông Pompeo sang thăm lần thứ hai.

Lời mời của Triều Tiên là tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng dường như đã sẵn sàng nhưng các cố vấn của ông Trump vẫn quyết định sẽ khuyến nghị Tổng thống giữ vững quan điểm về địa điểm, ngày giờ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh cũng như việc phóng thích 3 người Mỹ. Chánh Văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly cũng tham dự cuộc họp này và truyền đạt ý tưởng nêu trên đến ông Trump.

Theo lời các quan chức Nhà Trắng, ông Trump đồng ý với kế hoạch của nhóm cố vấn. “Đưa các cậu ấy trở về nhà”, Pence nói với Pompeo sau đó.

Hơn ai hết, giới chức Nhà Trắng hiểu rõ rằng trọng trách đặt lên vai Ngoại trưởng Pompeo trong trường hợp này lớn cỡ nào. Chính vì lẽ đó, Nhà Trắng đã rất thận trọng trong mọi tuyên bố liên quan đến nhiệm vụ bí mật của Pompeo cho đến khi 3 tù nhân lên máy bay rời khỏi Bình Nhưỡng.

Hôm 8/5, trong buổi giới thiệu với các Thượng Nghị sĩ về quyết định của Tổng thống rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, khi được hỏi về trường hợp của các tù nhân, Phó Tổng thống Mỹ Pence chỉ lấp lửng nói rằng chính quyền vẫn đang tích cực làm việc. Tổng thống Trump dường như ít “kín đáo” hơn khi tuyên bố “chúng ta sẽ sớm biết” họ có trở về hay không.

Được biết, Phó Tổng thống Mỹ đã có cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Pompeo ngay khi máy bay chở ông cùng 3 công dân Mỹ vừa được phóng thích đáp xuống căn cứ không quân Mỹ Yokota ở ngoại vi thủ đô Tokyo, Nhật Bản tối 9/5 để cập nhật tình hình.

Bình luận về diễn biến mới đáng chú ý này, ông Lee Byong-chul, chuyên viên cao cấp của Viện Hòa bình và Hợp tác tại Seoul, Hàn Quốc cho rằng: “Sự thể hiện thiện chí này là một tín hiệu tích cực cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều bởi nó phản ánh sự sẵn sàng đàm phán và thỏa hiệp. Nó cũng mang lại điểm số về mặt chính trị cho Tổng thống Trump – người vốn đang phải chịu nhiều áp lực trên chính ‘sân nhà’ của ông ấy”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại