Những “điểm nóng” BĐS đang có dấu hiệu tuột dốc, cắt lỗ bắt đầu xuất hiện

Bình An |

Thị trường đất nền những nơi từng sốt ảo trong cơn sốt đất lan rộng hồi đầu năm đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch covid-19 lần thứ 4, giá đất sụt giảm, hiện tượng cắt lỗ xuất hiện.

Dịch Covid-19 lần thứ 4 lan rộng, phức tạp và kéo dài hơn so với những đợt dịch trước. Điều này đã tác động không nhỏ đến hoạt động giao dịch trên thị trường BĐS. Thời điểm đầu của đợt dịch, sau cơn sốt đất những điểm nóng về đất nền hồi đầu năm như Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì (Hà Nội), Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang chỉ ghi nhận tình trạng giao dịch chậm lại hoặc đóng băng do là tâm dịch (Bắc Ninh, Bắc Giang), giá vẫn neo cao thì đến thời điểm hiện tại tình trạng cắt lỗ sâu bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều.

Tâm lý ban đầu của nhiều nhà đầu tư là "chờ thời", kì vọng dịch sớm được kiểm soát, thị trường sẽ được khởi động lại. Một môi giới BĐS lâu năm cho biết: " Tình hình thị trường hiện nay gần như đóng băng, rất ít giao dịch do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều nhà đầu tư đã không thể "cầm cự", làn sóng rao bán cắt lỗ, giảm sâu bắt đầu xuất hiện trên thị trường."

Tại Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây, cho biết thị trường đất nền đã được kiểm soát sau cơn sốt đất cục bộ ở nhiều địa phương. Giá đất nền ở nhiều khu vực sốt nóng, sốt ảo hiện giờ đã giảm khoảng 10% đến 20% so với lúc đỉnh điểm. Báo cáo của Batdongsan.com.vn (thuộc PropertyGuru Việt Nam), cho thấy toàn thị trường giảm 19% và lượng tin đăng mua bán bất động sản, một số nơi đã xảy ra "sốt" trước đây nay giảm mạnh.

Trên một số trang bất động sản, lượng rao bán đất nền cắt lỗ ngày càng nhiều. Chẳng hạn tại Quảng Ninh, những lô đất tại khu Thống Nhất (phường Tân An, thị xã Quảng Yên) từng được chào bán 24-29 triệu đồng/m2 thì nay nhiều nhà đầu tư rao bán chỉ còn 17-20 triệu đồng/m2. Các lô đất ở Tâm An (Quảng Yên) từng được rao bán 20-22 triệu đồng/m2 lúc sốt thì này còn 15-17 triệu đồng/m2,…

 Những “điểm nóng” BĐS đang có dấu hiệu tuột dốc, cắt lỗ bắt đầu xuất hiện  - Ảnh 1.

Đất nền tại nhiều điểm nóng đầu năm đang tuột dốc không phanh khi dịch bệnh kéo dài.

Khu vực ven Hà Nội, hiện nay thị trường cũng trầm lắng, gần như bất động. Đất khu Ngọc Hồi được rao bán giảm khoảng 5-10 triệu đồng/m2; Khu vực Hoài Đức, Vân Canh lúc sốt từng được rao bán từ 60-80 triệu đồng/m2 thì nay nhiều tin rao bán chỉ còn 60-75 triệu đồng/m2,

Tại Đông Anh, đất mặt tiền Tiên Hội, Đông Trù (Đông Hội, Đông Anh) từng được giao dịch 70 triệu đồng/m2 trong cơn nóng sốt thì có những giao dịch thời điểm dịch chỉ ghi nhận mức 55-60 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền khu vực Xuân Trạch, Lực Canh, Văn Thượng (Xuân Canh) từng được chào bán 50-70 triệu đồng/m2 thì nay mức giá 40-55 triệu đồng/m2 không ghi nhận giao dịch.

Không chỉ vùng ven Hà Nội giá đất đang đi xuống mà những điểm nóng ở Thanh Hoá cũng đang có hiện tượng xả hàng, cắt lỗ so với thời điểm sốt đất. Chẳng hạn đất ven biển Hải Tiến cách đây 3 tháng giá rao bán từ 8-12 triệu đồng/m2 cách đây 3 tháng, giờ nhiều nhà đầu tư ra hàng chỉ 7-10 triệu đồng/m2; Khu Quảng Xương dao động khoảng hơn 15 triệu đồng/m2 thì nay giảm 2-3 triệu đồng/m2; Khu Quảng Phúc, Quảng Tâm (Thanh Hoá) từ mức giá 18-23 triệu đồng/m2 tháng 3/2021 thì nay nhiều nhà đầu tư chào bán chỉ 16-19 triệu đồng/m2; Khu Quảng Tiến đất vị trí đẹp có nơi lên tới 45-48 triệu đồng/m2 thì này được rao bán còn khoảng 45 triệu đồng/m2 nhưng cũng rất ít giao dịch.

Một nhà đầu tư tại Thanh Hoá, cho biết anh mua đất nền ở Quảng Xương lúc sốt, cộng thêm việc vay ngân hàng để lướt sóng nhưng nay dịch covid-19 kéo dài đã khiến kế hoạch của anh bị đảo lộn. Vì thế anh đã quyết định cắt lỗ lô đất mình đã mua nhằm thoát khỏi áp lực lãi vay.

Một môi giới khác tại Hoài Đức cho biết dịch bệnh quá phức tạp đã khiến thị trường trầm lắng kéo dài, sức mua giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư ban đầu cầm cự, kì vọng dịch sớm được kiểm soát, thị trường quay lại nhịp cũ để thoát hàng nhưng dịch bệnh kéo dài hơn dự tính khiến những nhà đầu tư "lướt sóng", phụ thuộc lãi vay đang khốn đốn. Cũng theo người này, phần lớn các nhà đầu tư mua đất trong cơn sốt, giá bị đẩy lên cao nên khi cơn sốt qua đi, giá dần tụt về mức giá trị thực và lại gặp đúng cảnh dịch bệnh nên giá tiếp tục giảm mà không có thanh khoản. Theo đó, ngay cả những nhà đầu tư sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi cũng sẽ khốn đốn khi cơn sốt đã qua và dịch bệnh kéo dài bởi dù giảm giá họ cũng khó bán được hàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại