Đề thi cũng “bắt trend”
Thời điểm đội tuyển Việt Nam giành ngôi vương mùa giải AFF Cup 2018 trùng với đợt thi kết thúc học kỳ I của học sinh trên cả nước. Giáo viên ở nhiều trường phổ thông đã rất nhanh nhạy “bắt trend” (xu hướng, sự kiện đang được quan tâm) để đưa vào đề thi .
Đến thời điểm này đã có 3 trường trung học phổ thông lấy cảm hứng từ chiến thắng của thầy trò ông Park Hang-seo để ra đề thi học kỳ môn Ngữ Văn.
Trường THPT Chuyên Sơn La với câu hỏi đóng góp của ông Park hang-seo và nhóm nhạc BTS trong vai trò là một “đại sứ văn hóa".
Hàng loạt đề thi có nhắc đến hình ảnh đội tuyển Việt Nam.
Trong đề thi môn Ngữ văn học kỳ I dành cho học sinh lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) thì yêu cầu viết về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018.
Mới đây nhất, Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (quận 6, TPHCM) đưa một câu nói của HLV Park Hang Seo vào đề thi để yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về đức tính khiêm nhường của con người trong xã hội hiện nay.
Bất ngờ nhất là sự kiện thể thao hot của năm 2018 không chỉ xuất hiện trong đề thi Ngữ văn mà cả đề thi Hóa, Sử - vốn đề thi những môn này chỉ thấy những công thức, phản ứng hóa học, hay mốc thời gian sự kiện lịch sử.
Hình ảnh ăn mừng bàn thắng của tuyển Việt Nam được giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) đưa vào đề thi Sử và yêu cầu học sinh phân tích việc gia nhập vào ASEAN sẽ mang lại cho cổ động viên bóng đá các nước những thuận lợi và thách thức gì?”.
Trong khi đó đề thi môn Hóa của Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) hỏi học sinh về thành phần trong bình xịt tê giảm đau mà bác sĩ dùng để chăm sóc cho Quang Hải trong trận chung kết AFF Cup 2018.
Hay, nhưng không nên lạm dụng
Việc lồng ghép kiến thức sách vở với hình ảnh đội tuyển Việt Nam để đưa vào đề thi những ngày qua khiến học sinh hào hứng và phấn khởi khi làm bài.
Nhiều bạn học sinh chia sẻ sự thích thú trên mạng xã hội đối với đề thi "bắt trend" này là: “Đề hay, thực tế, không sao chép được”.
Tuy nhiên ngay sau khi những đề thi này xuất hiện trên mạng xã hội đã có nhiều tranh cãi. Người nói rằng không nên ra đề thi theo phong trào, người lại đánh giá cao sự sáng tạo, cập nhật hơi thở cuộc sống của các giáo viên.
Theo cô Nguyễn Mai Loan - giáo viên dạy Văn trường THCS - THPT Đào Duy Anh (TPHCM), môn Văn chính là hơi thở của cuộc sống, nên việc đề thi Văn “bắt trend” các sự kiện nóng của đời sống xã hội và đề nghị học sinh nêu quan điểm, phân tích là chuyện bình thường.
Thầy Phạm Lê Thanh - giáo viên môn Hóa Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) cũng cho rằng việc đưa sự kiện Việt Nam vô địch AFF Cup hay các sự kiện nổi bật ngoài đời sống xã hội vào đề thi không phải là chuyện lạ.
Bởi qua sự kiện này có thể giáo dục học sinh về lòng yêu nước, đưa kiến thức môn học vào thực tế.
Tuy nhiên, theo một giáo viên ở Hà Nội, xu hướng ra đề thi “mở” đang được nhiều nơi áp dụng, nhằm tránh tình trạng “học vẹt”, cũng như giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo.
Có điều, nếu thầy cô lạm dụng, ra đề thi một cách khiên cưỡng, vượt quá khả năng của học sinh sẽ khiến các em gặp khó khăn khi làm bài.
Giáo viên này thẳng thắn: "Những câu hỏi về cơ hội và thách thức của cổ động viên bóng đá các nước trong khối ASEAN không phải học sinh nào cũng biết để trả lời. Còn với những học sinh không yêu thích và không xem bóng đá sẽ gặp khó khăn với những đề Văn đề cập đến môn thể thao này.
Điều quan trọng nhất của đề thi là phải phù hợp với khả năng và sự hiểu biết của học sinh, chứ không phải cứ bám theo trend là hay và tốt".