Những dấu hỏi về sự giàu có của người giàu Việt

N.Huyền |

Không chỉ số lượng người giàu tăng nhanh trong những năm gần đây làm cho mọi người quan tâm mà vấn đề chính nằm ở chỗ nguồn gốc của sự giàu có đó là từ đâu? Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Theo báo cáo Thịnh vượng 2016 (Wealth Report) của Knight Frank thì Việt Nam là một trong số các quốc gia có số người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới. 

Năm 2015, Việt Nam có 168 người siêu giàu (là cá nhân có tài sản từ 30 triệu USD trở lên - theo Knight Frank), tăng 12 người so với năm trước đó. Dự đoán, đến năm 2025 số người siêu giàu ở Việt Nam sẽ tăng hơn gấp đôi (khoảng 140%, lên 403 người).

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV Infonet, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ở Việt Nam, không chỉ số lượng người giàu tăng nhanh trong những năm gần đây làm cho mọi người quan tâm mà vấn đề chính nằm ở chỗ nguồn gốc của sự giàu có hay sự tăng trưởng đó bằng tài năng kinh doanh như thế nào thì nhiều khi không có những bằng chứng thuyết phục.

“Đa phần người giàu ở Việt Nam làm giàu lên từ đất đai là chính, mà đất đai ở Việt Nam theo luật pháp thuộc sở hữu toàn dân. Khi mà trong xã hội một số người khai thác mảng tài sản thuộc sở hữu toàn dân mà giàu lên nhanh chóng thì dễ gây nên những bức xúc và những dấu hỏi về sự giàu có của họ.

Đấy là vấn đề. Còn nếu họ giàu có bằng tài năng kinh doanh thực sự, làm ăn đàng hoàng minh bạch, mang lại lợi ích lớn cho xã hội thì không ai thắc mắc mà mọi người chỉ hoan nghênh sự giàu có đó mà thôi.

Vấn đề chính mọi người quan tâm trước hết là nguồn gốc của sự giàu có đó là từ đâu? Liệu sự giàu có đó có đi cùng với việc chúng ta không có một cơ chế tốt để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người hay không mà cơ hội làm giàu lên một cách đặc biệt chỉ rơi vào một số ít hay không?”, bà Lan đặt câu hỏi.

“Họ làm giàu bằng cách nào và đóng góp của họ cho xã hội ở những mặt nào nhiều khi không được thể hiện rõ. Tất nhiên cũng có thể đo được một phần nào, ví như đại gia bất động sản giờ đã cung ứng được lượng nhà ở cho người dân ở những mức thu nhập khác nhau, giúp giải tỏa bài toán nhà ở cho xã hội.

Thế nhưng, số đáp ứng được đó vẫn không tương xứng với tỷ lệ số người nghèo lớn hơn rất nhiều mà chưa có nhà ở. Giá nhà đất ở Việt Nam luôn vượt quá xa so với tầm với của người dân. Điều này tạo nên nghịch cảnh, làm cho mọi người không thực sự thấy thỏa mãn, đồng tình cao với khả năng của người giàu đóng góp cho xã hội”, bà Lan tiếp lời.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, khi xã hội càng phát triển thì sẽ có những người giàu lên, cá nhân bà cũng hoan nghênh phải có những người giàu, nhưng những người giàu đó phải mang sự giàu có, tài năng của họ đóng góp trở lại cho cộng đồng nhiều hơn.

“Nhất là minh bạch hóa được sự giàu có của họ để làm cho cả xã hội thực sự “tâm phục, khẩu phục” với tài năng của họ, để họ không chỉ nổi tiếng giàu có mà còn có tên tuổi như những người tài giỏi được xã hội kính trọng”, bà Lan nhấn mạnh.

Mặt khác, bà Lan cho rằng, trong nghiên cứu về các lĩnh vực kinh tế như báo cáo Việt Nam 2035 vừa qua, nhiều “đại gia”, người giàu Việt Nam lại tập trung vào những lĩnh vực không có năng suất lao động cao như xây dựng, bất động sản, ngân hàng, tài chính… đấy là điều đáng suy nghĩ.

Lẽ ra, điều mong đợi là những người kinh doanh tài giỏi và giàu có có thể đi tiên phong trong những lĩnh vực có năng suất lao động cao, lĩnh vực mới mà dẫn dắt nền kinh tế đi lên, chứ không chỉ làm chủ yếu trong lĩnh vực năng suất lao động thấp.

Vậy, nguyên nhân khiến người giàu Việt Nam tăng nhanh là gì?

Trả lời câu hỏi này, bà Lan cho hay: Tôi không dám nói nguyên nhân nào khiến người giàu tăng nhanh theo cái gì riêng của Việt Nam vì chưa có nghiên cứu nào để xác định nó cả. Nhưng chỉ cảm nhận từ danh sách những người giàu được công bố lên thì thấy tương đối rõ là số lớn những người giàu có liên quan đến kinh doanh bất động sản.

“Trên thực tế ở Việt Nam, ai cũng hiểu giàu có được bằng bất động sản, lấy được những mảnh đất vàng không dễ dàng nếu đơn thuần đi bằng con đường kinh doanh bình thường, đấu thầu sòng phẳng trên thị trường.

Chúng ta duy trì việc Nhà nước sở hữu đất đai và Nhà nước là người duy nhất có quyền phân bổ đất. Nếu quản lý ở đâu đó, chỗ nào đó thiếu minh bạch sẽ tạo nên những kẽ hở cho các nhóm lợi ích hình thành.

Tôi vẫn cứ mong mỏi ở Việt Nam có những người giàu mà họ đi lên bằng con đường qua tài năng kinh doanh, phát kiến về công nghệ hay ứng dụng công nghệ…. nhưng tiếc là số người giàu có được bằng tài năng kinh doanh trong các lĩnh vực mà họ chứng minh được bằng lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ, không phải đất đai thì số đó ở Việt Nam quá ít”, bà Phạm Chi Lan nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại