Làm điều thần kỳ kế tiếp ngay khi tiến ra nước ngoài
Ở thời điểm đó, ban lãnh đạo Viettel chấp thuận đầu tư vào Campuchia với số vốn 1 triệu USD với riêng 446.000 USD đã là thiết bị. Quyết định này được đưa ra sau khi Viettel chi 98.000 USD nghiên cứu thị trường của quốc gia láng giềng.
Với 663.000 USD tiền mặt, Viettel đã kéo cáp thành công từ An Giang về thủ đô Phnom Penh. Từ tháng 7-10/2006, tuyến cáp hoàn thành và dịch vụ VoIP mang lại doanh thu chỉ sau 3 tháng. Số tiền 81.000 USD thu được từ VoIP tiếp tục được đầu tư để “nuôi” mảng Internet và di động sau này.
Năm 2009, sau 3 năm có mặt tại Campuchia, Viettel bắt đầu kinh doanh dịch vụ di động với cái tên Metfone. Metfone tăng trưởng siêu tốc dù mới bắt đầu kinh doanh nhờ vào việc phủ sóng toàn bộ 25 tỉnh thành.
Chỉ sau 2 năm, Metfone vươn lên giữ vị trí số 1 về thị phần. Đó là một quá trình còn thần tốc hơn cả việc vươn lên vị trí số 1 ở Việt Nam, khi Viettel phải mất 4 năm mới làm được điều đó – một hiện tượng đã được coi là thần kỳ của ngành viễn thông thế giới.
Thừa thắng xông lên, Viettel đầu tư sang nước bạn Lào. Ở Lào, Viettel đã giúp bạn gây dựng lại một doanh nghiệp của Nhà nước vốn đang gặp nhiều khó khăn cả về vốn và chiến lược phát triển.
Unitel tạo công ăn việc làm cho gần 2.000 cán bộ nhân viên có mức thu nhập trung bình khoảng 2,5 triệu LAK/người/tháng và vài nghìn cộng tác viên.
Người hùng sau thảm họa và những kỳ tích của viễn thông thế giới
Thảm họa xảy ra chỉ 3 ngày trước khi Viettel sang quốc gia châu Mỹ này ký hợp đồng thành lập liên doanh về viễn thông.
Khó có thể tin là Viettel sẽ quay lại và thực hiện cam kết đầu tư bởi 90% các công trình lớn của Haiti bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hỏng rất nặng. Đây là chưa kể đến việc sau đó, bệnh dịch tả khủng khiếp, lây lan nhanh đã cướp đi mạng sống của 5.000 người Haiti.
Nhưng bất chấp tất cả những khó khăn về khoảng cách địa lý, công nghệ, cơ sở hạ tầng và thậm chí là dịch bệnh, những người Việt Nam và Haiti tại liên doanh Natcom không hề chùn bước.
Chỉ sau hơn 1 năm chính thức đầu tư, ngày 7/9/2011, Natcom đã chính thức khai trương mạng viễn thông, với cơ sở hạ tầng về mạng di động đứng số 1 Haiti. Natcom đã nhanh chóng có 250.000 thuê bao di động chỉ sau 1 tháng cung cấp thử nghiệm trước ngày khai trương (7/9/2011).
Tiếp tục dấn thân vào các quốc gia nghèo nhất, Viettel đến Mozambique. Movitel hiện là nhà mạng số 1 tại Mozambique về hạ tầng mạng lưới, thị phần cũng như dịch vụ và sự sáng tạo, góp phần thay đổi diện mạo ngành viễn thông và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia này.
Không phải vô cớ mà Movitel được mệnh danh là “Điều kỳ diệu của châu Phi” và vinh dự nhận tới 6 giải thưởng quốc tế uy tín.
Kể đến thị trường nghèo nhất Đông Nam Á, Đông Timor là một thị trường rất nhỏ (dân số 1,2 triệu), địa hình có 90% là đồi núi nên việc triển khai hạ tầng mạng lưới sẽ rất tốn kém, khó thi công.
Bên cạnh đó, dù dân số ít nhưng mạng di động nào cũng phải đầu tư một hệ thống tổng đài và bộ máy hoàn chỉnh nên chi phí cho mỗi thuê bao sẽ rất cao.
Thần tốc hơn, ở thị trường Burundi, Viettel có lãi chỉ sau 1 tháng. Burundi là thị trường mà Viettel vươn lên vị trí số 1 nhanh nhất trong lịch sử, chỉ sau 7 tháng. Cùng với việc trở thành công ty viễn thông lớn nhất, Lumitel cũng lập kỷ lục doanh thu bù chi phí hoạt động nhanh nhất, sau 2 tháng kể từ khi khai trương.
Bước ngoặt ở Peru và tương lai ở Myanmar
Việc Viettel tới Peru đã tạo ra dấu ấn đặc biệt khi chưa bao giờ có một công ty Việt Nam nào đầu tư mạng viễn thông ở quốc gia có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành với việc thử sức với một thị trường "không nghèo". Khi Viettel xuất hiện, Peru đã có mật độ điện thoại di động đạt trên 100%.
Nhưng dù trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam, mật độ điện thoại di động đã vượt ngưỡng 100%, 3G ở Peru vẫn chỉ tập trung phủ sóng ở thành phố lớn. 3G vẫn "trắng sóng" ở nông thôn và ở môt số vùng núi cao thậm chí chưa có 2G.
Đó chính là cơ hội cho Viettel. Tại Peru, Bitel trở thành mạng di động đầu tiên phủ sóng 3G toàn quốc khi khai trương và là mạng di động 3G Only duy nhất của Viettel vào thời điểm đó (năm 2014).
Trong 3 năm liên tiếp (2015-2017), Bitel là công ty có tốc độ tăng trưởng thuê bao nhanh nhất Peru.
Đây cũng là nguyên nhân giúp cho tốc độ tăng trưởng thuê bao của toàn Peru giai đoạn 2014 - 2018 lên tới 30%, trong khi con số này tại các nước trong khu vực chỉ là 6%. Chỉ sau 2 năm, Bitel đã kinh doanh có lãi trong khi mạng di động khác vào Peru đã 10 năm vẫn lỗ.
Trong gần 30 năm lịch sử, Viettel đã chứng minh được năng lực thực sự khi liên tục làm bùng nổ dịch vụ viễn thông di động ở nhiều quốc gia trên thế giới, có hơn 100 triệu khách hàng, trở thành 1 trong 15 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới về thuê bao.