Những dang dở Tổng thống Pháp François Hollande bỏ lại Điện Élysée

Thái Dương |

Nhiều mục tiêu François Hollande đặt ra vẫn còn dang dở nhưng bức tranh toàn cảnh ông để lại cho tân Tổng thống Macron chưa hẳn là màu xám.

Ngày 14/5 vừa qua, tại Điện Élysée, ông François Hollande đã làm lễ bàn giao với người kế nhiệm Emmanuel Macron, kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Trong 5 năm qua (2012-2017), ông Hollande đã trải qua một chặng đường cam go trên cương vị người đứng đầu nước Pháp.

Bảng tổng kết nhiệm kỳ của ông nổi lên một số điểm nhấn sau:

1. Việc làm được cải thiện chút ít

Một trong những nguyên nhân khiến ông François Hollande không tái tranh cử là do không "đảo ngược được tình hình thất nghiệp". Tháng 4/2014, số người thất nghiệp ở Pháp là 3,6 triệu. Con số này lên tới 3,85 triệu người vào tháng 2/2016. Ông rời điện Elysée khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, còn 3,5 triệu người Pháp trong tuổi lao động không có việc làm.

Nhưng trên thực tế, tình trạng thất nghiệp ở Pháp có được cải thiện, dù ở nhịp độ chậm, chỉ thể hiện ở những tháng cuối cùng nhiệm kỳ của ông. Nếu tỷ lệ thất nghiệp cuối 2015 là 10,2 % thì nay đã hạ xuống còn 9,6 %. Đã có 190.000 việc làm đã được tạo trong năm 2016, con số cao nhất trong 10 năm gần đây.

Theo Cơ quan môi giới tìm việc làm Pôle Emploi, các doanh nghiệp Pháp có ý định tuyển dụng gần 2 triệu nhân viên trong năm 2017. Con số này được cho là cao kỷ lục tính từ năm 2002 tới nay.

2. Kinh tế tăng trưởng dù còn yếu ớt

Sau 3 quý suy thoái từ giữa năm 2012, nền kinh tế Pháp dường như phục hồi vào năm 2014-2015 trước khi lại thụt lùi vào quý 2/2016 (giảm 0,1% PIB). Và tới quý 3/2016 lại tăng 0,2% PIB.

Theo viện Bercy, Tổng thu nhập quốc nội (PIB) của Pháp tăng 1,4% năm 2016 và có thể cao hơn trong năm tiếp theo.

3. Thâm hụt ngân sách giảm nhưng chậm hơn dự tính

Mục tiêu đưa mức thâm hụt ngân sách về mức 3% PIB trong nhiệm kỳ của ông Hollande đã tan thành mây khói.

Dự định trở lại tiêu chuẩn châu Âu theo khuôn khổ của Hiệp ước Maastricht từ năm 2013 đã bị đẩy lui nhiều lần nhưng có thể đạt vào cuối 2017. Dự tính thâm hụt ngân sách của Pháp khi đó vào khoảng 2,7 - 2,9% PIB.

4. Vấn đề thuế má

Theo thống kê, trong nhiệm kỳ của ông Hollande, các doanh nghiệp được hưởng lợi 20,6 tỷ Euro giảm thuế bắt buộc. Trong khi đó, khu vực các hộ gia đình lại chịu thuế nặng hơn, lên tới 35 tỷ Euro.

Vào cuối nhiệm kỳ của ông Hollande, xu hướng này có chút thay đổi nhờ chế độ giảm thuế có lựa chọn cho 12 triệu hộ gia đình, với mức từ 300 đến 1.200 Euro/năm.

5. Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới

Dưới khẩu hiệu "hôn nhân cho mọi người", thừa nhận sự chung sống giữa những người đồng tính, luật về hôn nhân đồng tính ở Pháp đã được thông qua ngày 17/5/2013, mặc dù có nhiều cuộc biểu tình phản đối.

6. Bất cập trong cải cách giáo dục

Các cuộc cải cách liên tiếp không giúp cộng đồng giáo dục tạo sự gắn kết giữa các biện pháp cải cách đó.

7. Thiếu sự đồng thuận xã hội

Nhiệm kỳ của ông Hollande mở đầu thuận lợi với mặt trận xã hội. Những cải cách về việc làm (2013) và đào tạo nghề (2014) được đưa ra trên cơ sở đồng thuận giữa các đối tác xã hội. Và mùa hè 2015, luật về tăng cường đối thoại xã hội đã được thông qua.

Nhưng ông Hollande đã kết thúc nhiệm kỳ với một hình ảnh sa sút trước các công đoàn.

Một phần bởi ông dựa vào Phong trào Doanh nghiệp Pháp (MEDEF) để xây dựng một chính sách kinh tế giảm cổ phần hóa giới chủ, với luật cạnh tranh (2012), rồi luật trách nhiệm (2014). Cách thức này bị nhiều người thuộc cánh tả phản đối vì cho rằng đó là "món quà" cho giới chủ mà không có sự đền đáp. "Hàng triệu việc làm" mà chủ tịch MEDEF Pierre Gattaz hứa hẹn để đổi lấy chính sách này chưa bao giờ được thực hiện.

Nhưng trên hết, việc cải cách Luật Lao động do Bộ trưởng Lao động Myriam El Khomri chủ trì đã dẫn tới sự đoạn tuyệt giữa ông Hollande và các đối tác xã hội. Các công đoàn đã lên án sự thiếu sự đồng thuận và sự ép buộc thông qua đạo luật này (điều 49-3 Hiến pháp).

8. Can dự những cuộc khủng hoảng bất ngờ

Nếu như việc rút khỏi Afghanistan chiếm một phần đáng kể trong chương trình tranh cử của ông Hollande năm 2012, thì hồ sơ này nhanh chóng bị đẩy xuống hàng thứ yếu, khi nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế khác nổ ra.

Chỉ ít lâu sau khi vào Điện Elysée, ông Hollande đã phải mặc áo Tổng tư lệnh khi mở chiến dịch "Serval" can thiệp quân sự tại Mali tháng 1/2013, ngăn chặn sự phát triển của nhóm Al Qaida Maghreb Hồi giáo (AQMI). Chiến dịch ấy kéo dài đến tháng 7/2014.

Tháng 12/2013, tại CH Trung Phi, Pháp mở chiến dịch "Sangaris" theo lời kêu gọi của Tổng thống François Bozizé trước sự đe dọa của nhóm phiến quân Seleka.

Với Syria, mùa hè 2013, ông Hollande đã chuẩn bị kế hoạch tấn công trừng phạt chế độ Bashar Al-Assad dùng vũ khí hóa học. Không được sự ủng hộ của Mỹ và Anh, ông đành từ bỏ kế hoạch này. Để rồi 2 năm sau, sau các cuộc khủng bố tại Paris 13/11/2015, ông quyết định không kích IS tại Syria.

Pháp dưới thời Hollande phản đối sự can thiệp của Nga tại Ukraine, cùng EU áp dụng và duy trì lệnh trừng phạt với Nga.

Kiên định với ý tưởng xây dựng EU, Tổng Hollande đã nỗ lực trong việc hỗ trợ Hy Lạp, tránh để nước này ra khỏi khu vực đồng Euro (Grexit), cũng như từng chấp nhận nhượng bộ để giữ chân Anh ở lại EU trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân dẫn tới Brexit.

Pháp dưới thời Hollande là một trong những trụ cột của EU đối phó với cuộc khủng hoảng người tỵ nạn. Tuy nhiên Pháp chưa tạo được sự đồng thuận trong cách thức xử lý, đặc biệt giữa nhóm nước Tây Âu và nhóm nước Đông Âu.

Ông Hollande cũng thể hiện mối quan tâm lớn hơn tới châu Á-Thái Bình Dương, khu vực Pháp có những lợi ích về lãnh thổ cũng như về kinh tế, thương mại và tự do lưu thông.

9. Đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố

Ít được nhắc tới trong chương trình tranh cử nhưng chống khủng bố đã trở thành một trong những mối quan tâm lớn nhất của Chính phủ Hollande sau khi các cuộc tấn công đẫm máu diễn ra tại tòa báo Charlie Hebdo tháng 1/2015 và đêm 13/11/2015 tại nhà hát Bataclan và nhiều điểm khác tại Paris.

Pháp ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống khủng bố với việc ban bố và gia hạn nhiều lần tình trạng khẩn cấp cùng việc tăng cường các lực lượng và biện pháp an ninh, hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, các cuộc khủng bố vẫn diễn ra, mới nhất vào ngày 20/4, ngày trước vòng 1 bầu cử Tổng thống. Khủng bố và khủng hoảng người tỵ nạn là những tác nhân kích thích làn sóng cực hữu và dân túy, đe dọa khối thống nhất EU.

10. Thành công còn chờ kiểm nghiệm trong vấn đề khí hậu

Một "mốc son" trong nghiệm kỳ của ông Hollande là tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 21 của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris năm 2015 và đi tới một thỏa thuận lịch sử nhằm khống chế độ ấm lên của Trái Đất dưới ngưỡng 2 độ C nhờ cam kết của các quốc gia hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Khác với Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris có hiệu lực chưa đầy một năm sau ngày ký nhờ được chuẩn y nhanh chóng.

Ông Hollande cũng tôn trọng cam kết giảm 50% các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2025. Mục tiêu ấy đã được ghi vào Luật chuyển đổi năng lượng tháng 8/2015, nhưng sẽ khó thực hiện với nhịp độ như hiện nay, chủ yếu do sự lạc hậu của Pháp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại