Những đại gia lừng lẫy một thời vì đâu "ngã ngựa"?

Pha Lê |

Trong mấy năm gần đây, hàng loạt các "ông trùm" ngành ngân hàng vướng vào vòng lao lý. Mới đây nhất là nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank).

Ông bầu Nguyễn Đức Kiên - Kinh doanh trái phép, trốn thuế...

Chiều tối 20/8/2012, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giam về hành vi "kinh doanh trái phép" theo điều 159 - Bộ Luật hình sự.

Trong quá trình điều tra, ông Kiên còn bị cáo buộc với nhiều tội danh khác. Kết thúc quá trình xét xử, bầu Kiên bị tuyên án 30 năm tù cho 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.

Từ năm 2007 - 2012, Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng 5 Công ty: B&B, AFG, ACBI, ACI, ACI-HN kinh doanh vàng, kinh doanh tài chính với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng.

Tại Thiên Nam, dù không được cấp phép kinh doanh vàng nhưng bầu Kiên vẫn chỉ đạo thực hiện các giao dịch với số vàng lên tới 75.000 ounce thông qua tài khoản ACB dẫn tới lỗ tới hơn 433 tỷ đồng.

Việc kinh doanh tại công ty B&B, dù tiền lãi thu về lên đến 68,8 tỷ đồng nhưng khi quyết toán chỉ kê khai 688 triệu đồng, trốn thuế 25 tỷ đồng thông qua việc chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp sang cho cá nhân.

Những đại gia lừng lẫy một thời vì đâu ngã ngựa? - Ảnh 1.

Bầu Kiên trước phiên xét xử (Ảnh: Báo Giao thông)

Với ngân hàng ACB, khi cổ phiếu giảm mạnh, bầu Kiên cùng thường trực HĐQT ACB đã bàn nhau dùng tiền của ngân hàng này thông qua Công ty ACBS (Công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn) để mua cổ phiếu của ACB.

Từ tháng 5/2010 đến 11/2011, do ACB dư tiền tồn đọng, không có chỗ đầu tư, Nguyễn Đức Kiên cũng một số thành viên HĐQT dã chủ trương để ACB ủy thác nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng khác để hưởng lãi.

Ngoài ra, bầu Kiên trên cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty ACBI đã chỉ đạo nhân viên lập khống biên bản họp và quyết định của HĐQT công ty để bán lại hơn 22 triệu cổ phiếu cho Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát với giá 264 tỷ đồng dù số cổ phiếu này đang được ACBI thế chấp cho ACB.

Hà Văn Thắm: Cho vay không thế chấp, huy động lãi vượt trần

Ngày 24/10/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành Lệnh bắt, khám xét nơi làm việc của ông Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) liên quan đến việc làm thất thoát 500 tỷ đồng, vượt trần lãi suất tiền gửi gây thiệt hại gần 990 tỷ đồng...

Ông Thắm bị truy tố về các tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trong quá trình điều hành Ocean Bank giai đoạn từ 2011-2014, ông Thắm đã chỉ đạo Ban Tổng giám đốc cho Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và Dịch vụ Trung Dung vay vốn dù doanh nghiệp này không đảm bảo các điều kiện vay vốn cũng như không có tài sản đảm bảo. Hành vi này đã trực tiếp gây thiệt hại cho ngân hàng này 500 tỷ đồng.

Những đại gia lừng lẫy một thời vì đâu ngã ngựa? - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, dù hiểu biết các quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tín dụng và kinh doanh ngoại hối nhưng ông Thắm vẫn chỉ đạo chi tiền ngoài lãi suất huy động với khách hàng gửi tiền tại OceanBank, gây thiệt hại gần 990 tỷ đồng.

Trong đó, số tiền ông Thắm và ông Nguyễn Xuân Sơn - cựu Tổng giám đốc Ocean Bank huy động của khách hàng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được hưởng ưu đãi lãi suất đã khiến Ocean Bank thiệt hại 550 tỷ đồng.

Ngoài ra, 2 ông này cũng đưa ra chủ trương "thu phí" của khách hàng vay vốn và khách hàng mua ngoại tệ thông qua Công ty BSC (do ông Thắm chỉ đạo điều hành) dẫn đến thiệt hại cho OceanBank và khách hàng gần 71 tỷ đồng.

Phạm Công Danh: Mua ngân hàng vì nhắm đến bất động sản, chi lãi vượt trần

Sáng 19/7/2016 vừa qua, đại án 9.000 tỷ đồng của Phạm Công Danh và 36 đồng phạm đã được đưa ra xét xử. Đây là đại án làm thất thoát, gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay.

Trong vụ án này, "ông trùm" một thời Phạm Công Danh đã bị tuyên phạt mức án 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù - mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn.

Trước đó, dù biết Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) bị âm chủ sở hữu là 2.800 tỷ và lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng, 95% dư nợ xấu không có khả năng thu hồi song ông Danh vẫn tung tiền ra nhằm "giải cứu" vì nhắm vào khối tài sản ở Nhà Bè được ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Thế nhưng, bất động sản nằm "bất động", khi tiếp quản ngân hàng, ông đã phải sử dụng đến tài sản cá nhân cũng như bán nhiều tài sản tại Tập đoàn Thiên Thanh nơi ông làm Chủ tịch để lấy tiền trả nợ, chăm sóc khác khàng.

Những đại gia lừng lẫy một thời vì đâu ngã ngựa? - Ảnh 3.

Khi tài sản không thể lấy ra, nợ không thể thu hồi, bị rơi vào vòng luẩn quẩn, để duy trì hoạt động ngân hàng, ông đã phải trả lãi suất ngoài vượt trần quy định để vay tiền của các nhóm khách hàng lớn, trong đó có nhóm bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc công ty TNHH Tân Hiệp Phát).

Đồng thời, chỉ đạo dàn lãnh đạo cấp dưới ra chủ trương làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế cũng như trong hoạt động tín dụng để rút tiền của VNCB ra thông qua các hợp đồng khống.

Tổng cộng, ngân hàng này đã bị thất thoát 9.000 tỷ đồng. Đến tháng 7/2014, ông Danh và thiều thuộc cấp bị bắt.

Trần Phương Bình: Sẩy chân vì vàng

Tối ngày 10/12/2016, ông Trần Phương Bình - nguyên Tổng giám đốc DongA Bank bị bắt về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay.

Những sai phạm của ông Bình diễn ra từ những giao đoạn trước năm 2012, có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của Đông Á.

Trước đó, ngày 14/8/2015, Đông Á bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt, đồng thời đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc của ông Bình.

Những đại gia lừng lẫy một thời vì đâu ngã ngựa? - Ảnh 4.

Qua tiến hành kiểm tra quỹ tại ngân hàng hồi tháng 8/2015, phát hiện quỹ Hội sở và quỹ Sở giao dịch bị thiếu hụt hơn 2.000 tỷ đồng. Ngoài số tiền trên, còn có hơn 62.000 lượng vàng "không cánh mà bay". Nguyên nhân là do ông Bình đã dùng tiền của ngân hàng để kinh doanh bất động sản.

Năm 2007, Công ty T.T ký hợp đồng với Công ty E.L và Công ty H.L, DongA Bank đã bảo lãnh nhằm hợp tác đầu tư. Tổng trị giá hợp đồng này là 100 triệu USD.

Đến năm 2008, dự án này đầu tư không hiệu quả nên Công ty E.L và H.L yêu cầu Công ty T.T trả lại 100 triệu USD. Sợ bị mất uy tín nên ông Bình nhờ người nhà của mình đứng ra vay tiền của DongA Bank để lấy tiền mua lại cổ phần, tài sản của Công ty T.T ở các công ty khác mà Công ty T.T đầu tư.

Ông Bình cũng chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục cho Công ty T.T vay tiền của DongA Bank để công ty trả nợ cho Công ty E.L và H.L.

Khi quỹ của DongA Bank cạn kiệt, ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất hơn 60.000 lượng vàng của khách hàng gửi tại DongA Bank mang đi bán, lấy tiền trả nợ các khoản vay và lãi trước đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại