Cử tri Anh xem ra thích làm nên chuyện bất ngờ. Cách đây gần một năm, khi mọi kết quả thăm dò dư luận trên đảo quốc đều thiên về dự báo kết quả cuộc trưng cầu dân ý là không có chuyện nước Anh ra khỏi EU (Brexit) thì gần 52% cử tri Anh lựa chọn Brexit.
Ở cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vừa rồi, khi ai cũng cho rằng thủ tướng Theresa May và Đảng Bảo thủ nếu không đại thắng thì cũng tăng được đa số hiện có trong quốc hội, thì cử tri Anh lại tước đi của bà May và Đảng Bảo thủ đa số bình thường trong quốc hội mới.
Cử tri Anh đi bỏ phiếu.
Chính trị thế giới có thêm bất ngờ mới sau đắc cử của ông Donald Trump ở Mỹ và ông Emmanuel Macron ở Pháp khi cử tri Anh quyết định giáng cho bà May và Đảng Bảo thủ cú đòn này.
Từ thế có thể yên ổn cầm quyền trong 3 năm tới với đa số hiện có trong quốc hội, bà May giờ phải dựa vào 10 vị dân biểu của Đảng Dân chủ hợp bang (DUP) ở Bắc Ireland để có thể tiếp tục cầm quyền - như ông Edward Health của Công đảng Anh năm 1974. Từ cuối thế kỷ 19 đến nay, ở nước Anh mới chỉ có 6 lần tổng tuyển cử đưa lại kết quả như vậy.
Lần mới đây nhất trước lần này là năm 2010. Khi ấy, ông David Cameron - cũng là người tiền nhiệm của bà May - phải thành lập chính phủ liên hiệp với một đảng khác để cầm quyền.
Bây giờ, bà May rất muốn liên minh với đảng DUP, nhưng đảng này lại không muốn mà chỉ đồng ý dung chấp bà May. Đó là thượng sách đối với đảng này vì như thế vừa không phải gánh chịu trách nhiệm trực tiếp về những biện pháp chính sách của chính phủ lại vừa có thể buộc bà May phải trả giá để được dung chấp.
Nước Anh đang chứng kiến bi hài kịch chính trị mới. Năm ngoái, ông Cameron cho tổ chức trưng cầu dân ý về Brexit trong sự tin tưởng rằng đa số cử tri Anh bác bỏ Brexit, như thế giúp ông Cameron trị được phe chống đối trong nội bộ Đảng Bảo thủ và tăng được vị thế của mình trong EU. Kết quả là cử tri ủng hộ Brexit và ông Cameron phải từ chức.
Bà May kế nhiệm và phải thực hiện Brexit trong khi bản thân vốn không ủng hộ Brexit.
Sau khi lên cầm quyền, người phụ nữ này không chỉ chủ trương "Brexit cứng rắn" - có nghĩa là thực hiện bằng được Brexit, kể cả khi không đạt được với EU thoả thuận về Brexit, theo phương châm "Thà không có thoả thuận với EU còn hơn có một thoả thuận tồi (đối với Anh) với EU về Brexit" - mà còn cho tổng tuyển cử trước thời hạn để tăng thêm đa số trong quốc hội đảm bảo cho "lãnh đạo mạnh và ổn định".
Bà Theresa May chủ trương "Brexit cứng rắn"
Mưu tính của bà May là lợi dụng uy tín cao của Đảng Bảo thủ - hơn Công đảng tới 20 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận - để giành về thắng cử vang dội, tạo thế mạnh cho mình ở trong nước cũng như trong đàm phán với EU về Brexit.
Kết quả là bà May và Đảng Bảo thủ không tăng thêm được đa số mà còn bị mất đa số đã có trong quốc hội. Bà May chẳng khác gì bị "gậy bà đập lưng bà" và Đảng Bảo thủ bị vạ lây.
Thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn
Không khó khăn nhiều để nhìn ra những nguyên nhân khiến bà May và Đảng Bảo thủ đã thất bại thảm hại đến như vậy. Bà May đánh giá mình quá cao trong khi đáng giá đối thủ chính trị là thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn quá thấp và đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi tin rằng cử tri Anh đã ủng hộ Brexit thì sẽ ủng hộ mình và Đảng Bảo thủ.
Mấu chốt ở đây là những cử tri đã ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm ngoái bây giờ ủng hộ "Brexit mềm" của ông Corbyn chứ không muốn "Brexit cứng rắn" của bà May, tức là họ muốn phải có được thoả thuận với EU về Brexit chứ không phải Brexit bằng mọi giá.
Bà May đã không thấy rằng nước Anh một năm sau ngày trưng cầu dân ý về Brexit bị phân hoá còn sâu sắc hơn trên chính trường và trong xã hội, giữa các đảng phái chính trị, ngay trong nội bộ Đảng Bảo thủ, giữa vùng nông thôn và thành thị, giữa thế hệ trẻ và già, giữa người lao động chân tay và trí thức, giữa người Anh và người Anh gốc nước ngoài.
Bà May thất bại lần này vì tiến hành cuộc vận động tranh cử kém hiệu quả, chủ quan và quá tự tin nên vận động tranh cử không quyết liệt và sáng tạo, cương lĩnh tranh cử không thích hợp, gần như nhường hết cả sân chơi và đối tượng cử tri cần vận động cũng như chủ đề vận động tranh cử cần tập trung trước hết cho đối thủ chính trị của mình.
Những vụ khủng bố xảy ra trước ngày bầu cử đã làm bộc lộ rõ nét bản lĩnh lãnh đạo và sự mẫn cảm chính trị của bà May ở mức độ khiến cử tri không thể hài lòng. Bà May đã tận dụng sai cách thiên thời, địa lợi và nhân hoà cho quyền lực của mình.
Tiếp tục cầm quyền sau cuộc bầu cử này, bà May bị yếu thế hơn trước cả ở trong nước lẫn trong đàm phán với EU về Brexit. Cử tri Anh không đồng ý "Brexit cứng rắn" của bà May và làm cho bà May thất thế trước EU. Đàm phán về Brexit sẽ rất khó khăn vì chính trị nội bộ ở Anh đâu có ổn định và vì EU ở thế thượng phong, cho dù EU cũng có cái khó riêng.
Ngày 19.6 này, đàm phán giữa EU và Anh về Brexit sẽ bắt đầu với chính phủ mới ở Anh và bà May. Nhưng khi quá trình đàm phán này kết thúc, chậm nhất sau 2 năm nữa, chưa chắc bà May vẫn còn là thủ tướng Anh. Chính phủ thiểu số năm 1974 của ông Health tồn tại được chỉ có 8 tháng.
Kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất ở Anh là bà May tiếp tục cầm quyền với chính phủ thiểu số được đảng DUP dung chấp, nhưng rồi Đảng Bảo thủ sẽ thay bà May bằng nhân sự khác và người này sẽ tìm mọi cách để chính phủ thiểu số của Đảng Bảo thủ cầm quyền càng lâu dài càng tốt cho tới khi buộc lại phải tổ chức tổng tuyển cử mới - lại trước thời hạn chứ không thể đúng thời hạn được đâu.