Chặn Messi, đốn Neymar bằng mọi giá, điều đó có gì là sai?!

Trương ​​​​​​​​​Anh Ngọc |

World Cup 2018 đã chứng kiến quá nhiều những kết quả bất ngờ, thậm chí gây sốc khi các đội bóng yếu hơn chơi thứ bóng đá đổ bê tông.

Khi bạn không mạnh bằng đối phương, để ít nhất gây sát thương cho họ trước khi tiêu diệt họ, cần phải biết "chặt chân" họ. Đấy là điều mà ta đang thấy ở World Cup này, khi bóng đá chặt chẽ và thậm chí, đổ bê tông, đã được áp dụng ở quy mô lớn nhằm phục vụ tối đa ý đồ của các HLV.

Điều đó thực sự có gì xấu và phản bóng đá không, chẳng hạn như cách các cầu thủ Iceland đã ngăn cản Messi bằng mọi giá, hay Thuỵ Sĩ đã không ngần ngại đốn Neymar để chặn bước tiến của anh? Tuỳ góc nhìn của mỗi người, ta sẽ có đáp án khác nhau. Nhưng sự thật là ở World Cup này, để chiến thắng thật khó.

Không tính tới trận thắng 5-0 của Nga trước Saudi Arabia, những trận đấu khác đều diễn ra căng thẳng, kịch tính và trong thế giằng co từ đầu đến cuối, để rồi hoặc được quyết định bằng những sai lầm, những quả đá phạt trực tiếp, phạt đền hoặc những pha bóng xuất thần của ai đó.

Ngay cả trận đấu giữa Bỉ và Panama, dù kết thúc với phần thắng 3-0 nghiêng về "Những con quỷ đỏ" thì cũng đã diễn ra ở thế giành giật trong suốt 2/3 trận đấu, và thế trận chỉ được định đoạt nhờ bàn thắng nâng tỉ số lên 2-0 của Lukaku.

Chặn Messi, đốn Neymar bằng mọi giá, điều đó có gì là sai?! - Ảnh 1.

Xu hướng bóng đá theo kiểu chặt chẽ, triệt tiêu các khoảng trống để không cho đối phương triển khai bóng trên thực tế đã được chứng kiến ở EURO 2016, giải vô địch Châu Âu đầu tiên mở rộng lên con số 24 đội, khi chất lượng chuyên môn không hề giảm như một số ý kiến đã tỏ ra lo ngại, mà ngược lại, rất cao.

Theo xu hướng ấy, việc kiểm soát bóng nhỉnh hơn đối phương và chiếm lĩnh trung tuyến không còn là một lợi thế, một khi các đối thủ hoá giải được ưu thế này. Hai ngoại lệ ít ỏi là Uruguay và Anh, những đội bóng kiểm soát hoàn toàn thế trận, nhưng cũng chỉ chiến thắng bằng những cú đánh đầu từ các tình huống bóng chết ở cuối trận.

Những đội bóng chiếm nhiều bóng hơn đối phương khác, từ Argentina (72%), Morocco (64%), Tây Ban Nha (61%) và Đức (60%) đều không thể giành chiến thắng, khi không thể phá vỡ các phòng tuyến chơi bằng sức mạnh, đôi khi bằng tiểu xảo và sự thô bạo, nhưng được tổ chức có chiều sâu của đối phương.

Những đội bóng yếu đã nâng việc chơi không cần kiểm soát bóng lên thành một dạng nghệ thuật, nghệ thuật bóng đá catenaccio, khi các đội được xếp vào hàng cửa dưới đang áp dụng một cách hiệu quả, bằng cách bịt chặt khung thành và phản công sắc bén.

Chặn Messi, đốn Neymar bằng mọi giá, điều đó có gì là sai?! - Ảnh 3.

Theo cách ấy, Messi và các đồng đội đã bất lực trước Iceland. Muller và các đồng đội ở tuyển Đức đã thua Mexico, và đã may mắn khi không thua nhiều hơn một bàn.

Chặn Messi, đốn Neymar bằng mọi giá, điều đó có gì là sai?! - Ảnh 4.

Các đội bóng lớn (trong đó có cả Pháp, đội đã thắng Australia rất chật vật) có thêm một vấn đề khác: triển khai bóng quá chậm và việc kiểm soát bóng nhiều hơn do đó không có tác dụng, một khi không ai trong đội bóng ấy tạo ra được đột biến bằng tốc độ.

Có một cảm giác rằng, nhiều cầu thủ của Argentina, Đức và Pháp bước vào giải này trong sự mệt mỏi, và thời tiết mát mẻ buổi chiều ở Nga khi trận đấu diễn ra không giúp được gì cho họ.

Có một khía cạnh khác của vấn đề, nếu nhìn theo... thuyết âm mưu. Có khá nhiều trường hợp các đội tuyển mạnh khởi đầu rất chậm, nhưng càng đá càng hay và sau đó thậm chí đã vô địch thế giới.

Tây Ban Nha đã chẳng thua Thuỵ Sĩ ngay ở trận đầu World Cup 2010 mà sau đó họ vô địch, trong khi mới nhất, Bồ Đào Nha cũng chỉ thắng được 1 trận trong giờ thi đấu chính thức ở 7 trận đã đấu tại EURO 2016 mà vẫn đăng quang?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại