Với NHM Việt Nam, có lẽ ngoài Asian Cup 2007 khi chúng ta là đồng chủ nhà, phải đến Asian Cup 2019, giải vô địch châu Á mới thật sự đáng quan tâm với giới mộ điệu. Bởi trong một vài lần ĐTVN tham dự giải trước đó, chúng ta không đặt nhiều kì vọng và vì thế, lượng theo dõi cũng không lớn.
Năm nay, thầy trò HLV Park Hang-seo nhận được nhiều tình yêu của NHM, vì thế lượng theo dõi Rồng vàng thi đấu ở UAE cũng tăng nhiều hơn hẳn.
Song đấy dù sao vẫn chỉ là lượng theo dõi qua truyền hình, qua internet hoặc các phương tiện truyền thông khác. Thực tế lượng khán giả theo dõi trực tiếp tại UAE vẫn còn rất khiêm tốn. Trận Việt Nam vs Iraq vừa rồi đã diễn ra rất hấp dẫn nhưng lượng NHM có mặt trên sân cũng chỉ ở con số 4.779 mà thôi.
Trận Việt Nam vs Iraq có những mảng khán đài rất đông CĐV nhưng phần còn lại (chiếm số ghế lớn) lại vắng vẻ.
Ngoại trừ 2 trận đã đấu của chủ nhà UAE lần lượt có lượng CĐV tới sân lên đến 33.878 và 43.206, đa phần các trận đấu khác phải chịu phận vắng vẻ. Trận có nhiều CĐV cao thứ 3 từ đầu giải tới giờ là Uzbekistan vs Oman (9.424 khán giả) còn trận ít nhất là Trung Quốc vs Kyrgyzstan (1.839 CĐV).
Trận đấu của Trung Quốc rất vắng vẻ, trong khi trận đấu của chủ nhà UAE chật kín CĐV.
AFF Cup trước đây khi tổ chức vòng bảng ở 2 nước cố định cũng chịu cảnh tương tự, tức trận của chủ nhà thì đông còn các trận khác thì vắng vẻ, lạnh lẽo. Đến năm 2018, AFF Cup thay đổi thể thức thi đấu. Gần như trận nào cũng có 1 đội nhà chủ nhà, nên lượng CĐV tăng vọt. Song Asian Cup khó thay đổi theo hình thức này.
Vòng bảng World Cup 2018, trận nhiều khán giả nhất đạt con số 78,011 - là số lượng chứa nhiều nhất có thể của SVĐ Luzhniki. Sân đấu này tổ chức 4 trận vòng bảng và đều chật kín khán giả, không phân biết có đội chủ nhà hay không (chỉ có 1 trận trong đó của chủ nhà Nga).
Trận ít khán giả nhất vòng bảng World Cup 2018 là Ai Cập vs Urguay (27.015 người tại SVĐ Central).
Tương tự, Euro 2016 có trận đông nhất vòng bảng đạt 75.113 người (Pháp vs Romania), trận ít nhất đạt 28.840 người (Nga vs xứ Wales).
Cách thay đổi của AFF Cup gặp 2 vấn đề lớn: Phải kiểm soát được chất lượng cơ sở vật chất của các nước tham dự, có đủ điều kiện tổ chức trận đấu hay không. Công tác đảm bảo an toàn cũng là phức tạp khi giao cho nhiều nước sở tại, trong khi nếu có vấn đề xảy ra, đương nhiên BTC Asian Cup đều bị liên quan.
Điều thứ 2 là vấn đề di chuyển. AFF Cup dù sao vẫn chỉ trong khu vực ĐNÁ, còn Asian Cup trên khắp châu Á, nên nếu thay đổi giống AFF Cup 2018, sẽ có những đội phải bay rất xa.
Thế nên để kì vọng một ngày các khán đài Asian Cup đều đông nghịt khán giả ngay từ vòng bảng, chẳng có cách nào khác ngoài nâng cao chất lượng, hình ảnh giải đấu, thay đổi cách xem bóng đá thành một ngày hội lớn của fan túc cầu, như Euro và World Cup đã làm được.
Để điều đó trở thành hiện thực, sẽ còn là con đường rất, rất dài nữa và không kém phần phức tạp. Tuy nhiên, điều cơ bản nhất chính là từng nền bóng đá thành viên của AFC cần phải mạnh mẽ và tạo ra được những ĐTQG được yêu mến và chú ý.
Việt Nam đang tạo nên được điều này và đang cho thấy mình cũng xứng đáng là một đội có dấu ấn, không chỉ tham gia Asian Cup làm kẻ lót đường. Mong rằng sau Asian Cup 2019, chúng ta sẽ lại thấy Việt Nam tiếp tục ở các giải vô địch châu Á khác, với các khán đài đầy ắp khán giả.
Asian Cup 2015 tổ chức ở Australia và đội chủ nhà năm đó đã lọt vào Chung kết, thắng Hàn Quốc 2-1 sau 120 phút thi đấu. Trận này có lượng khán giả tới sân lên đến 76.385 người.