Những chuyến đi của Tổng thống Mỹ được bảo vệ nghiêm ngặt nhất

Nhật Huy |

Mỗi chuyến công du nước ngoài của các Tổng thống Mỹ đều yêu cầu một chiến dịch bảo vệ hết sức quy mô và chu đáo. Những chuyến đi dưới đây có yêu cầu an ninh đặc biệt cao.

Tổng thống Taft thăm Mexico (1909)

Hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ William Howard Taft và Tổng thống Mexico Porfirio Diaz vào năm 1909 là cuộc gặp đầu tiên giữa nguyên thủ của 2 quốc gia láng giềng này.

Những chuyến đi của Tổng thống Mỹ được bảo vệ nghiêm ngặt nhất - Ảnh 1.

Tổng thống Taft (hàng trước, bên trái) và Diaz (hàng trước, bên phải). (Ảnh: Tư liệu)

Đây cũng là chuyến công du nước ngoài lần thứ 2 trong lịch sử của một tổng thống Mỹ. Chuyến công du đầu tiên là của Tổng thống Teddy Roosevelt đến công trường xây dựng kênh đào Panama vào năm 1906.

Địa điểm cuộc gặp bắt đầu tại vùng biên giới El Paso, Texas và sau đó di chuyển sang Ciudad Juárez bên phía Mexico.

Do tình hình lúc này tại vùng biên giới nói riêng và tại Mexico nói chung đều đang rất bất ổn, vì vậy một lực lượng an ninh hùng hậu được huy động để bảo vệ Tổng thống Taft.

Ngoài lực lượng mật vụ còn có cảnh sát tư pháp, đơn vị an ninh đặc biệt Texas (Texas Ranger Division) và hơn 4000 binh sĩ Mỹ và Mexico.

Đặc biệt, tham gia nhiệm vụ bảo vệ còn có 250 vệ sĩ tư được thuê bởi John Hays Hammond, một người bạn thân của Tổng thống Taft và cũng đang có nhiều dự án đầu tư lớn tại Mexico.

Đứng đầu đơn vị này là Frederick Russell Burnham, một nhà thám hiểm người Mỹ và là một trong những người đặt nền móng cho phong trào hướng đạo trên toàn thế giới.

Ngày 16/10/1909, khi hai Tổng thống Taft và Diaz gặp nhau tại El Paso, Burnham và binh nhì C.R. Moore thuộc Texas Ranger Division phát hiện một sát thủ đang đứng lẫn trong đám đông với một khẩu súng cực nhỏ giấu gọn trong lòng bàn tay.

Burnham và Moore kịp thời vô hiệu hóa sát thủ này khi cả 2 tổng thống chỉ đứng cách đó vài mét.

Những chuyến đi của Tổng thống Mỹ được bảo vệ nghiêm ngặt nhất - Ảnh 2.

Frederick Russell Burnham. (Ảnh: Tư liệu)

Tổng thống Kennedy đến Tây Berlin (1963)

Chuyến thăm lịch sử này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng của cuộc Chiến tranh Lạnh và bức tường Berlin chỉ mới được dựng lên 2 năm trước đó.

Cảnh sát Tây Berlin chịu trách nhiệm thực hiện một chiến dịch an ninh lớn nhất trong lịch sử của lực lượng này.

Trong vòng 26 ngày, nhóm chỉ huy chiến dịch đặc biệt thuộc Tổng hành dinh lực lượng cảnh sát đã có 48 cuộc họp với các đơn vị và tổ chức khác nhau để phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cho Tổng thống Kennedy.

Vào ngày 26/6, khu vực Tây Berlin được đặt trong tình trạng tổng báo động. 7000 cảnh sát thường trực được huy động, cùng với 2000 tình nguyện viên thuộc lực lượng cảnh sát dự bị.

Nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Kennedy tất nhiên vẫn thuộc về lực lượng mật vụ Mỹ. Số lượng phương tiện trong đoàn xe hộ tống lần này lớn gấp nhiều lần số lượng tiêu chuẩn.

Trong suốt dọc tuyến đường di chuyển của đoàn xe, 114 điểm xung yếu như các cây cầu hay tòa nhà bỏ hoang, được cảnh sát canh gác nghiêm ngặt.

Hơn 15 km dây và 5 km hàng rào được dùng để rào chắn tuyến đường của đoàn xe. Thợ lặn được triển khai tại các dòng sông và kênh rạch gần đó. Trong khi đó, trực thăng liên tục quần đảo trên không.

Tuy nhiên, một mối lo lớn của lực lượng an ninh lại là thái độ nồng nhiệt của người dân Berlin khi chào đón tổng thống Kennedy.

Giới chức Berlin lo ngại đám đông có thể trở nên mất kiểm soát và gây nguy hiểm. Vì vậy các quan chức và cảnh sát Tây Berlin đã đặc biệt kêu gọi người dân tự kiềm chế và đặt ra 1 số quy định như cấm trưng các biểu ngữ hay ném hoa từ trên các cửa sổ, ban công xuống đoàn xe.

Song người dân Berlin đã lách luật bằng cách sử dụng bông giấy.

Tổng thống Bill Clinton đến Bosnia (1996)

Tổng thống Bill Clinton thực hiện một chuyến thăm chớp nhoáng đến Bosnia vào năm 1996 trong bối cảnh cuộc nội chiến tại quốc gia này vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.

Mục đích của chuyến thăm là nhằm gặp gỡ lãnh đạo các sắc tộc tại Bosnia cũng như ủng hộ tinh thần lực lượng Mỹ đang thực hiện sứ mạng gìn giữ hòa bình tại đây.

Vài ngày trước chuyến thăm, một quả tên lửa rơi xuống một trạm xe điện tại thủ đô Sarajevo, giết chết một thường dân và làm bị thương 20 người khác.

Vì vậy, trong suốt thời gian ngắn ngủi tại Bosnia, tổng thống Clinton chỉ ở trong căn cứ không quân Tuzla, nơi lực lượng Mỹ đang đồn trú.

Tổng thống Bosnia Alija Izetbegovic và các lãnh đạo sắc tộc khác được một máy bay của không quân Mỹ đưa từ Sarajevo đến Tuzla để hội đàm với tổng thống Clinton.

Những chuyến đi của Tổng thống Mỹ được bảo vệ nghiêm ngặt nhất - Ảnh 3.

Mật vụ Mỹ tại Bosnia. (Ảnh: Tư liệu)

.Theo kế hoạch trước đó thì Tổng thống Clinton sẽ đáp xuống sân bay quân sự Aviano, Ý, trên chiếc Air Force One và sau đó sẽ chuyển sang 1 chiếc máy bay vận tải C-17 trước khi bay đến Tuzla.

Tuy nhiên, do tình hình thời tiết xấu nên máy bay phải chuyển hướng và hạ cánh xuống sân bay quân sự Taszar, Hungary để đợi cho sương mù ở Tuzla tan. Vì vậy thời gian dự kiến của chuyến thăm bị cắt ngắn từ 8 giờ xuống còn hơn 3 giờ.

Mặc dù Tổng thống chỉ lưu lại bên trong căn cứ Tuzla, song các biện pháp an ninh nghiêm ngặt vẫn được thực hiện.

Binh sĩ Mỹ được triển khai chiếm giữ điểm cao Vis, nơi mà trong quá khứ lực lượng Serbia từng dùng để pháo kích sân bay Tuzla.

Trực thăng vũ trang Apache liên tục quần đảo trên bầu trời, trong lúc các xe tăng Abram tuần tra các tuyến đường ra vào khu vực.

Tổng thống Clinton (2000) và Tổng thống Bush đến Pakistan (2006)

Pakistan là một đồng minh lâu năm của Mỹ nhưng đồng thời cũng là một điểm nóng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Vì vậy những chuyến thăm của các Tổng thống Mỹ đến đất nước này đều là một cơn ác mộng cho cơ quan mật vụ Mỹ.

Vào năm 2000, Bill Clinton trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Pakistan kể từ năm 1969. Chuyến thăm ngắn ngủi này diễn ra ngay sau chuyến công du đến nước láng giềng Ấn Độ.

Theo Daniel Benjamin và Steven Simon, 2 cố vấn cao cấp thuộc Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Clinton thì cơ quan mật vụ khi đó kịch liệt phản đối ý tưởng này.

Họ lo ngại Air Force One có thể trúng hỏa lực từ mặt đất và không tin tưởng phía Pakistan có thể đảm bảo bí mật, an toàn cho đoàn xe hộ tống.

Tuy nhiên tổng thống Clinton vẫn giữ nguyên ý định của mình. Vì vậy, một chiến dịch nghi binh được thực hiện để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tổng thống.

Tại Mumbai, hình ảnh Tổng thống Clinton đang bước trên thảm đỏ dẫn đến chiếc C-17 chờ sẵn, vẫy chào các quan chức Ấn Độ khi kết thúc chuyến thăm được truyền hình trực tiếp trên truyền hình nước này.

Tuy nhiên, ông Clinton không đi lên thẳng mà lại đi vòng ra phía bên kia của chiếc C-17, nơi đang đậu 2 máy bay thương gia Gulfstream khác.

Một trong 2 chiếc được sơn màu trắng xanh, giống màu chiếc Air Force One với dòng chữ "United States of America" và lá cờ Mỹ. Chiếc còn lại chỉ được sơn trắng và không có bất kì dấu hiệu nào.

Tổng thống Clinton và đoàn tùy tùng lên chiếc thứ 2, trong lúc các mật vụ và quan chức khác lên chiếc thứ 1. Cả 2 máy bay cất cánh và hướng về phía Pakistan.

Chiếc máy bay có màu sơn giống Air Force One hạ cánh trước và di chuyển đến vị trí đón, nơi các phóng viên đã chờ sẵn. Song tất nhiên chỉ có một số nhân viên mật vụ rời khỏi máy bay.

Năm phút sau, chiếc thứ 2 chở Tổng thống tiếp cận sân bay từ hướng ngược lại và đáp xuống một vị trí khác.

Nghi lễ tiếp đón diễn ra rất nhanh chỉ với 2 em bé tặng hoa cho tổng thống, trước khi ông Clinton nhanh chóng lên xe.

Trong đoàn xe hộ tống có 5 chiếc limousine đen giống hệt nhau và liên tục hoán đổi vị trí. Chuyến thăm này chỉ kéo dài 6 giờ đồng hồ.

Đến năm 2006, Tổng thống George W. Bush lại có một chuyến thăm khác đến Pakistan. Yêu cầu an ninh lúc này lại càng nghiêm ngặt hơn chuyến đi năm 2000 vì sự kiện 11/9 và sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan.

Hơn nữa, lần này Tổng thống Bush sẽ ở lại Pakistan qua đêm thay vì chỉ một vài tiếng như Tổng thống Clinton.

Thông tin cụ thể về chuyến đi này chỉ được xác nhận với báo chí 24 giờ trước chuyến thăm. Chiếc Air Force One hạ cánh xuống sân bay quân sự Chaklala trong đêm tối với tất cả các đèn tắt.

Sau đó, Tổng thống Bush di chuyển đến tư dinh của Đại sứ Mỹ tại Pakistan bằng trực thăng Black Hawk, trong khi một đoàn xe hộ tống bên dưới đóng vai trò nghi binh.

Tư dinh của Đại sứ Mỹ cũng là nơi Tổng thống lưu lại trong chuyến đi thay vì tại một khách sạn đã được đặt trước.

Đặc biệt, tuyến đường đi của đoàn xe hộ tống giả này là nơi từng diễn ra 2 vụ tấn công mưu sát nhằm vào Tổng thống Pakistan khi đó là ông Musharraf.

Các máy bay và trực thăng quân sự Mỹ liên tục tuần tra trên không phận thủ đô Islamabad. Mọi chuyến bay đi đến thành phố này đều bị hủy.

Sau chuyến thăm, Tổng thống Bush quay lại sân bay cũng bằng trực thăng Black Hawk.

Tổng thống Obama đến Kenya (2015)

Chuyến thăm Kenya vào tháng 7/2015 của Tổng thống Obama có ý nghĩa biểu tượng cao vì có thể được xem là chuyến đi về thăm "quê cha đất tổ" của vị tổng thống này.

Nhưng mặt khác, nó cũng đặt ra nhiều thách thức về mặt an ninh khi mà Kenya cũng đang là một điểm nóng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Chỉ 3 tháng trước đó, 148 người đã thiệt mạng khi một nhóm khủng bố Hồi giáo Al-Shabaab tấn công một đại học ở Garissa.

Trước đó gần 2 năm, một vụ tấn công tương tự của Al-Shabaab vào một khu mua sắm ở thủ đô Nairobi khiến 67 người thiệt mạng.

Còn vào năm 1998, đại sứ quán của Mỹ tại Nairobi bị Al-Qaeda tấn công bằng bom xe khiến 213 người thiệt mạng.

Ít nhất 800 nhân viên an ninh của phía Mỹ cùng 2000 nhân viên an ninh Kenya trực tiếp chịu trách nhiệm bảo vệ Tổng thống Obama.

Để đảm bảo cho công tác bảo vệ vòng ngoài, hơn 10.000 cảnh sát, khoảng 25% quân số lực lượng cảnh sát quốc gia này được triển khai trong và xung quanh Nairobi.

Không phận Kenya được đóng lại 50 phút trước khi Air Force One hạ cánh và 40 phút trước khi cất cánh.

Các máy bay vận tải của Mỹ chở theo 60 xe các loại cho đoàn xe hộ tống. Máy bay chong chóng lật Osprey cũng được triển khai đến Nairobi từ căn cứ quân sự Mỹ ở Djibouti.

Nhiều phương tiện khác từ căn cứ Manda Bay, nơi các đơn vị đặc nhiệm Mỹ đang hỗ trợ quân đội Kenya chống lại nhóm Al-Shabaab cũng được điều đến để hỗ trợ.

Điểm đáng chú ý là chuyến thăm của ông Obama diễn ra vào thời điểm mà lệnh cảnh báo hạn chế công dân Mỹ đến Kenya vì lí do an ninh của Bộ ngoại giao Mỹ vẫn còn hiệu lực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại