Dù những chương trình phát triển xe tăng này chưa bao giờ được trang bị cho Hồng quân, nhưng nó là nền tảng công nghệ giúp các tổ hợp thiết kế xe tăng Liên Xô và Nga cho ra đời các dòng xe tăng nổi tiếng như: T-34, T-72, T-80…
Trong giai đoạn từ những năm 1925-1960, với việc thay đổi tư duy tác chiến dựa trên khả năng cơ giới hóa của lực lượng tăng-thiết giáp, các nhà phát triển Liên Xô đã theo đuổi nhiều chương trình nghiên cứu xe tăng đặc biệt, thậm chí có thể coi là chỉ có thể xuất hiện trong các bộ phim viễn tưởng như: Xe tăng bay hay xe tăng có thể sống sót qua trước vũ khí hạt nhân... Đây là những chương trình thiết kế xe tăng có một không hai trên thế giới.
Xe tăng bay
Năm 1937, ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô được giao nhiệm vụ phát triển một dòng xe tăng đặc biệt và đầy tham vọng là MAS-1. Đây là dòng xe tăng hạng nhẹ, phát triển trên khung cơ sở xe tăng BT-7, nhưng lại có khả năng rất đặc biệt là…bay.
Thiết kế kỳ lạ của xe tăng bay MAS-1.
Về bản chất, thiết kế của xe tăng MAS-1 là sự kết hợp của phương tiện bọc thép với động cơ phản lực. Dòng xe tăng này được trang bị hệ thống cánh linh hoạt có thể gấp gọn vào thân để vượt qua địa hình khó khăn bằng cách lượn trên không, thậm chí là bay.
Để có khả năng bay, MAS-1 cũng được trang bị cánh quạt và cánh lái. Cùng với đó, khi hoạt động trên mặt đất, dòng xe tăng bay này vẫn sử dụng cơ cấu bánh xích hoạt động trên mọi địa hình.
Thiết kế tiêu chuẩn của xe tăng MAS-1 có thể chở theo 2 người với trang bị hỏa lực tiêu chuẩn là súng máy 12,7mm và 7,62mm. Giới chức quân sự Liên Xô kỳ vọng, với khả năng bay, MAS-1 có thể hoạt động sâu phía sau hậu tuyến đối phương hoặc làm nhiệm vụ trinh sát chiến trường khi cần thiết.
Nguyên mẫu MAS-1 bằng gỗ đã được chế tạo. Tuy nhiên, những thử nghiệm thực tế chứng minh thiết kế xe tăng bay kém tin cậy và lạc hậu so với công nghệ xe tăng, máy bay cùng thời.
Xe tăng bơi
Cũng trong năm 1937, một chương trình phát triển xe tăng đầy tham vọng khác của Liên Xô là phát triển phương tiện chiến đấu này áp dụng công nghệ đệm khí có khả năng hoạt động trên mọi địa hình.
Dù có ý tưởng đột phá, nhưng không đủ tin cậy đã khiến chương trình phát triển xe tăng bơi bị đóng băng vô thời hạn.
Nguyên mẫu của xe tăng mới được phát triển trên khung gầm thủy phi cơ L-1. Để đảm bảo khả năng hoạt động của nguyên mẫu này, nó được trang bị hai động cơ máy bay M-25 cung cấp lực đẩy 1.450 mã lực.
Các nhà phát triển kỳ vọng, với những công nghệ đột phá, dòng xe tăng mới sẽ trở thành phương tiện chiến đấu đầu tiên trên thế giới đạt tốc độ di chuyển tới 250km/giờ ở độ cao 25cm trên mọi địa hình.
Tuy nhiên, năm 1939, Thế chiến 2 nổ ra, giới chức Liên Xô cần những thiết kế vũ khí cần sự tin cậy và dễ sản xuất. Điều này đã khiến chương trình phát triển xe tăng bơi bị đóng băng vô thời hạn.
Cả xe tăng bay và bơi dù không thành công, nhưng đã tạo ra những tiền đề công nghệ áp dụng không chỉ trong ngành chế tạo tăng-thiết giáp của Liên Xô sau này, mà còn nhiều loại vũ khí khác.
Xe tăng “Đĩa bay”
Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, trước nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, Liên Xô đã phát triển các phương tiện chiến đấu có khả năng sống sót trong các vụ tấn công nguyên tử.
Đây chính là tiền đề để xe tăng thuộc Đồ án 279 được giới thiệu. Dòng xe tăng mới này có hình dáng hết sức kỳ lạ với kết cấu thân giống như một cái đĩa dẹt, như một vật thể bay không xác định (UFO).
Năm 1959, nguyên mẫu đầu tiên của Đồ án 279 được chế tạo. Các nhà phát triển giải thích, thiết kế thân dạng đĩa dẹt, giống hình ê-líp giúp phương tiện có thể sống sót sau các đợt sóng nhiệt và xung kích cực mạnh do vũ khí hạt nhân gây ra.
Kết cấu bánh xích x4 giúp xe hoạt động tốt hơn trên địa hình dã chiến so với các dòng xe tăng truyền thống. Khung gầm của xe tăng thuộc Đồ án 279 được gia cố để chống chịu được mọi loại vũ khí chống tăng cùng thời.
Tuy nhiên, chính việc nhồi nhét quá nhiều tính năng bảo vệ trước vũ khí hạt nhân đã khiến xe tăng thuộc Đồ án 279 quá nặng nề và chậm chạp. Nó thậm chí được coi như bia tập bắn trên chiến trường vì thân hình đồ sộ và khó xoay sở.
Cùng với đó, chi phí chế tạo đắt đỏ và kết cấu phức tạp khiến công tác bảo trì rất khó khăn đã khiến dòng xe tăng mới không có cơ hội được sản xuất hàng loạt. Sự thất bại của xe tăng thuộc Đồ án 279 đã mở đường cho các dòng xe tăng hạng trung, có khả năng cơ động cao như T-62, T-64 được đưa vào trang bị Quân đội Liên Xô.
Dù không có khả năng chống chịu trước các vụ tấn công hạt nhân quy mô như Đồ án 279, nhưng vẫn đảm bảo khả năng sống sót của tổ lái với cơ cấu lọc khí khoang kín.
Hiện tại, một nguyên mẫu xe tăng thuộc Đồ án 279 vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Tăng-thiết giáp ở Kubina, ngoại ô Moscow.