Nơi chúng tôi đến là Cục Cảnh sát quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (Cục K204), thuộc Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động – Bộ Công an (xã Kim Anh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Lần này, chúng tôi tiếp cận những chú chó không chỉ giỏi đánh mùi mà còn là chìa khóa hỗ trợ đắc lực cho công tác phá án ma túy, giết người.
Đón chúng tôi trước cổng chào K204 là Đại tá Nguyễn Trọng Chí – Cục trưởng Cục K204.
Sau một hồi trò chuyện, Đại tá Chí dẫn chúng tôi đến khu huấn luyện và cho biết: "Ở đây dù ngày mưa hay ngày nắng, các chiến sỹ và chó nghiệp vụ vẫn phải trải qua những bài tập luyện đều đặn.
Nhiệm vụ của những chú chó nghiệp vụ là đi vào những nơi khó khăn".
Khi được hỏi về chiến công của những chiến binh đặc biệt, đại tá Chí cho biết, đơn vị cùng những chú chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ an ninh trật tự trước và trong dịp APEC diễn ra…
Trước mắt chúng tôi là những chú chó nghiệp vụ cao lớn với đôi mắt sáng rực, sắc lẹm. Đây là những “chiến binh” dũng cảm băng mình, vượt qua những thử thách từ rừng sâu đến phố thị cùng lực lượng phá những chuyên án lớn.
Mọi động tác của chúng đều rất nhanh nhẹn, dứt khoát.
Cục trưởng Nguyễn Trọng Chí nói: “Chó nghiệp vụ rất tinh khôn nhưng đôi khi huấn luyện viên vẫn cần những cử chỉ nhẹ nhàng như vuốt ve, khích lệ chúng sau những trận đánh lớn.
Chó nghiệp vụ cũng có tình cảm như con người nên cũng cần có lúc cương, lúc nhu. Sau những giờ làm việc, các chiến sỹ lại vui đùa cùng chúng để lấy lại tình cảm”.
Xin chuyển công tác vì ám ảnh cái chết của "học trò"
Huấn luyện chó nghiệp vụ, đôi khi có cả bóng hồng nhỏ nhắn. Đó là Trung úy Hà Thị Trang, cán bộ phòng 6 (Phòng sử dụng động vật nghiệp vụ).
Với tình yêu đặc biệt dành cho những chú chó nghiệp vụ, nữ chiến sỹ đã quyết tâm đi học và may mắn được công tác tại Cục K204.
Trung úy Trang cùng chú chó Ben của mình.
Nói về ngày đầu làm công tác huấn luyện, Trung úy Trang cho biết: “Quá trình đến với những chú chó nghiệp vụ của tôi rất khó khăn.
Tôi là một trong số ít phụ nữ có mặt ở môi trường mà nhiều người cho rằng chỉ dành cho đàn ông. Để hòa nhập với những chú chó nghiệp vụ cần rất nhiều thời gian, công sức.
Đôi lúc, thấy công việc áp lực nhưng càng gần các "học trò", nắm bắt đặc điểm của chúng nên tôi dần hiểu và xem chúng như những người bạn”.
Thời điểm mới vào, Trung úy Trang được phân công huấn luyện chú chó Ben rất cá tính, lỳ lợm. Bởi vậy, để hòa nhập với Ben cần rất nhiều thời gian.
“Những ngày đầu tiếp xúc, Ben rất khó bảo, tỏ ra không chấp hành lệnh của tôi và không quan tâm đến mọi thứ xung quanh.
Đôi khi cảm thấy như bất lực nhưng tôi nghĩ những chú chó cũng giống như những đứa trẻ nên cần thời gian để quan sát, thủ. Dần dần chúng cũng quen hơi và bắt đầu nghe lời” - Trung úy Hà Thị Trang chia sẻ.
Theo thời gian, đối với chị, Ben không chỉ là người bạn đồng hành, mà còn giống như con của mình. Khi hai bên đã hòa nhập, Trung úy Trang có thể chỉ huy Ben làm theo hiệu lệnh ở khoảng cách 100m.
Sau gần một năm gắn bó, điều Trung úy Trang lo lắng nhất là những lúc Ben ốm. Chị chia sẻ, mỗi lần Ben ốm chị phải ở bên cạnh, cho Ben ăn để động viên nó.
“Nhìn Ben ốm thấy xót lắm! Có lần Ben ốm mãi không khỏi, tôi đã bật khóc. Cảm giác sợ mất Ben giống như sợ mất đi một người thân yêu của mình vậy…”.
Một đồng nghiệp cũng từng làm công việc giống với Trung úy Trang là Trung úy Trần Ngọc Hiếu.
Dù anh không còn công tác tại đơn vị, nhưng câu chuyện về Trung úy Hiếu và chú chó nghiệp vụ Giôn vẫn luôn được các cán bộ chiến sỹ K204 nhắc tới.
Đó là vào ngày hè năm 2014, Trung úy Trần Ngọc Hiếu cùng đồng đội tham gia chuyên án 279, triệt xóa một đường dây mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn từ Lào vào Việt Nam.
Xác định đây là chuyên án phức tạp, Ban chuyên án điều động 8 chiến sỹ cùng 5 chó nghiệp vụ, phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La hóa trang, mật phục.
Sau thời gian điều tra, làm rõ, ngày 21/7/2014, Ban chuyên án bắt giữ 2 đối tượng trong đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia cùng 48 bánh heroin và nhiều súng, đạn. Đến cuối tháng 8//2014, Chuyên án 279 đi vào giai đoạn 2.
Lần này, Trung úy Hiếu, Giôn cùng 5 cảnh khuyển khác tiếp tục tham gia Chuyên án. Trong đêm đầu thu tháng 9 ở bản Thung Cuông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), Ban Chuyên án tính toán đường đi nước rút của tội phạm để rải quân bao vây.
Biết mình đã nằm gọn trong vòng vây ban chuyên án, ổ nhóm tội phạm chạy về phía biên giới Việt – Lào. Trung úy Trần Ngọc Hiếu cùng 6 cảnh khuyển nhanh chóng truy kích, đón đầu nhóm tội phạm.
Trong đêm tối, 6 cảnh khuyển lao vun vút về phía các đối tượng. Trên đường bỏ chạy, nhóm đối tượng liên tiếp nổ súng bắn lại phía sau.
Do đã quen với tiếng đạn trong thời gian huấn luyện nên Giôn không ngần ngại, luôn bám sát “con mồi”. Quá trình quật ngã tên tội phạm để các cán bộ chiến sỹ ập vào khống chế, bắt giữ, Giôn trúng một viên đạn rồi ngã xuống nhưng miệng vẫn ngậm chặt khẩu súng K59.
Cục trưởng Nguyễn Trọng Chí chia sẻ: “Giôn mất, là sự mất mát to lớn với tập thể K204. Suốt 3 tháng kể từ khi Giôn mất, Hiếu rất ít khi cười nói, sau đó, có lẽ việc Hiếu xin rời khỏi đơn vị cũng là vì ám ảnh bởi cái chết của Giôn…”.
Rời Cục K204 khi trời vừa nhá nhem tối, nhưng câu chuyện về chú chó nghiệp vụ Giôn và Trung úy Trần Ngọc Hiếu khiến chúng tôi cay sống mũi.
Chúng tôi biết rằng, ngoài kia, vẫn còn những chiến sỹ, những chú chó nghiệp vụ vẫn ngày ngày phải chiến đấu, đối mặt với lằn ranh sinh – tử./.