1. Trận chiến duy nhất loài chim giành chiến thắng
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 1 , quân đội Australia bắt đầu cuộc Đại chiến Emu – chống lại kẻ thù chưa từng có tiền lệ: Đà điểu Emu hay còn gọi là đà điểu châu Úc. Cuộc chiến nhằm ngăn chặn loài chim này xông vào các khu dân cư phá phách, tìm kiếm thức ăn khi tình trạng hạn hán kéo dài.
Những người lính đã cố gắng tiêu diệt đà điểu bằng súng máy. Cuộc chiến này kéo dài 6 ngày, với 2.500 viên đạn được sử dụng. Tuy nhiên, chiến dịch của quân đội Australia đã kết thúc thảm bại khi có chưa đầy 1.000 con trong số 20.000 con đà điểu bị tiêu diệt. Cuộc chiến với chim đà điểu châu Úc năm 1932 được ghi nhận là cuộc chiến đầu tiên mà loài chim giành chiến thắng trong lịch sử.
2. Suýt nổ ra chiến tranh chỉ vì một trò đùa
Vào cuối những năm 1700, có một lá thư xuất hiện trên tờ báo lớn của London phàn nàn rằng, nước Anh đang bị buộc phải tiếp nhận các tù nhân bị Pháp trục xuất. Sau khi đọc lá thư này, người Anh rất tức giận và muốn hoạt động này dừng lại. Người Pháp thì trở nên khó chịu khi dư luận cho rằng Anh đối xử quá tốt với các tù nhân của Pháp. Khi tranh cãi leo thang và khiến 2 quốc gia đứng trên bờ vực chiến tranh thì sự thật bất ngờ được làm sáng tỏ: Thực chất bức thư này chỉ là một trò đùa. Sau nhiều năm, người ta mới biết sự thật rằng bức thư gốc được viết bởi Benjamin Franklin – người từng đảm nhiệm cương vị đại sứ Mỹ tại Anh trong vòng 6 tháng. Ông viết lá thư này đơn giản chỉ để bớt buồn chán.
3. Mang đạn dược cho kẻ thù
Năm 1821, Hy Lạp nằm dưới sự kiểm soát của người Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc chiến giành độc lập của Hy Lạp, một đơn vị đồn trú của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị các chiến binh Hy Lạp bao vây ở Acropolis. Khi người Thổ Nhĩ Kỳ sắp hết đạn, họ bắt đầu tháo dỡ các cột đá cẩm thạch để lấy viên chì bên trong làm đạn. Người Hy Lạp đã gửi cho đối phương đạn dược với lời nhắn: "Hãy sử dụng đạn này và đừng chạm vào cột”.
4. Ăn mừng chiến thắng không có rượu vodka
Vào lúc 1h10 đêm 9/5/1945, người dân Liên Xô nghe thông tin từ đài phát thanh cho biết phát xít Đức đã chính thức đầu hàng Liên Xô. Thay vì chờ đến sáng để ăn mừng, toàn bộ người dân đã đổ ra đường khi vẫn còn mặc nguyên bộ đồ ngủ. Niềm vui lên đến đỉnh điểm đến mức khoảng 22 giờ sau đó, vào thời điểm nhà lãnh đạo Joseph Stalin có bài phát biểu trước toàn quốc, Liên Xô phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới: Toàn bộ đất nước hết sạch rượu vodka để uống mừng chiến thắng. Một phóng viên của Liên Xô cho biết: “Không còn một chai rượu vodka nào ở Moscow vào ngày 10/5. Chúng tôi đã uống cạn”.
5. Kẻ ám sát đen đủi nhất thế giới
Chắc hẳn ít ai biết đến cái tên Franz Ferdinand - Thái tử của đế quốc hùng mạnh Áo- Hungary của những năm trước Thế chiến I. Thế nhưng, vụ ám sát ông được cho là do tổ chức “Bàn tay đen” thực hiện vào năm 1914 lại là vụ việc gây chấn động nhất lịch sử vì đây là nguyên nhân trực tiếp làm bùng nổ Thế chiến I.
Tuy nhiên, điều gây bất ngờ là âm mưu ám sát ban đầu đã thất bại khi một quả bom do kẻ ám sát ném vào xe chở Franz Ferdinand đã không hoạt động. Một lúc sau nó mới phát nổ và thổi bung một cỗ xe ở phía sau xe ông.
Kẻ ném quả bom này vào xe của Franz Ferdinand không biết rằng nó có chế độ hẹn giờ trong 10 giây, vì thế đã để trượt mục tiêu. Khi sự việc bại lộ, sát thủ đã nuốt một viên thuốc độc xyanua nhưng do thuốc hết hạn sử dụng nên hắn chị bị nôn ói. Sau đó, hắn nhảy xuống một con kênh gần đó để tự vẫn và kế hoạch này cũng thất bại khi con kênh chỉ sâu đúng 13 cm. Đối tượng cuối cùng đã bị cảnh sát bắt giữ.
Tuy vậy, Franz Ferdinand vẫn không thể thoát khỏi số phận bi thảm. Một kẻ khủng bố của tổ chức “Bàn tay đen” trong lúc dừng lại để mua bánh mì sandwich đã nhìn thấy ông trong cửa hàng. Hắn ta đã rút khẩu súng lục 9mm và bắn chết cả 2 vợ chồng thái tử. Một ngày sau đó, đối tượng mới bị bắt giữ.
6. Chiến dịch ném bom tài tình của Mỹ
Trong Thế chiến thứ II, Mỹ đã cử hai phi đội ném bom đến cùng một địa điểm để thực hiện nhiệm vụ. Một phi đội bay ở độ cao thấp hơn hàng nghìn mét so với đội còn lại. Không ai trong số họ nhìn thấy nhau cho đến khi hoạt động ném bom được thực hiện. Thật kỳ lạ là chiếc máy bay ở bên dưới không bao giờ bị trúng bom của chiếc bay cao hơn. Điều đó khiến Đức Quốc xã lo sợ rằng Mỹ đã nghĩ ra một chiến lược ném bom tài tình để ném bom vào cùng 1 khu vực với số lượng bom nhiều gấp đôi.
7. Chiến dịch tỉa cây tốn kém nhất trong lịch sử
Năm 1976, những binh sỹ Mỹ canh gác biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên được giao một nhiệm vụ tưởng chừng rất đơn giản: cắt tỉa một cây bạch dương chắn tầm nhìn của sở chỉ huy Liên Hợp Quốc trong khu phi quân sự (DMZ) nằm giữa hai miền Triều Tiên.
Quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên ở thời điểm đó vốn đã rất căng thẳng. Vào ngày 5/8, Triều Tiên cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc đang tìm cách kích động chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên. Một ngày sau đó, một nhóm nhỏ các binh sỹ do Mỹ dẫn đầu đã cố gắng chặt cây bạch dương này, tuy nhiên người dân Triều Tiên đã yêu cầu giữ lại nó. Chính vì thế, nhóm binh sỹ trên chỉ quyết định tỉa bớt cành.
Vào sáng ngày 18/8, hai sĩ quan Mỹ dẫn đầu một đội gồm 15 nhân viên của Liên Hợp Quốc đến chỗ cây dương. Khi họ bắt đầu cắt tỉa cành cây thì 11 binh sĩ Triều Tiên xuất hiện. Sau khi biết rằng cây dương đang được cắt tỉa, một sĩ quan Triều Tiên nói rằng: “Tốt”. Nhưng 15 phút sau, một sỹ quan Triều Tiên khác đã yêu cầu dừng cắt tỉa cây. Khi các binh sỹ Mỹ từ chối, Triều Tiên đã điều quân tiếp viện.
Vụ cắt tỉa cây dương gần như khơi mào cuộc chiến tranh thứ hai giữa Triều Tiên và Mỹ, dẫn đến một chiến dịch điều động quân sự quy mô lớn với sự tham gia của hàng trăm binh sĩ, máy bay ném bom B-52, máy bay chiến đấu và một tàu sân bay. Nó được gọi là Chiến dịch Paul Bunyan, đặt tên theo một người thợ rừng khổng lồ trong truyền thuyết dân gian của Mỹ.
8. Chết vì cười không dứt
Chrysippus – một trong những nhà triết học hàng đầu của Hy Lạp (năm 206 trước Công nguyên) có thể không phù hợp với câu ngạn ngữ “Tiếng cười là liều thuốc tốt nhất”. Ông đã chết vì cười không dứt trong một trò tiêu khiển của mình. Chrysippus là người có ảnh hưởng rất lớn đến Chủ nghĩa Khắc kỷ. Ông đã viết hơn 700 cuốn sách, trong đó có những quyển sách tóm tắt và đánh giá phê bình các trường phái của Hy Lạp. Tuy nhiên, ông cũng là người thích tiệc tùng. Năm ông 73 tuổi, khi đang say xỉn trong một bữa tiệc rượu, ông nhìn thấy một con lừa đang ăn quả sung. Sau đó Chrysippus nảy ra ý tưởng cho con lừa uống rượu nguyên chất. Con lừa bị say khướt, chân đi loạng choạng, nghiêng bên này, ngả bên kia nhưng vẫn cố tìm cách để ăn những quả sung. Thấy cảnh tượng này, ông đã phát ra một tràng cười không thể kiểm soát được và tử vong sau đó.
9. Vẹt không được dự đám tang vì thói chửi thề
Tổng thống thứ 7 của nước Mỹ Andrew Jackson qua đời năm 1845. Ông có một con vẹt cưng khi còn sống, nhưng tính tình con vẹt này rất khó ưa. Một số nguồn tin cho biết, trong lễ tang tại nhà riêng của ông, con vẹt này đã bị kích động quá mức và liên tục chửi thề rất to trong khi xung quanh nó là những người đưa tang. Sau đó linh mục William Menefee Norment đã yêu cầu mang nó ra khỏi ngôi nhà.
10. Tham gia chiến đấu mà không mặc quần
Trong cuộc chiến Agincourt, quân đội Anh không chỉ đối mặt với quân đội Pháp áp đảo họ về số lượng mà còn bị ảnh hưởng bởi bệnh kiết lỵ và tiêu chảy, trong khi họ phải hành quân trung bình 13 dặm một ngày trong hơn 2 tuần liên tiếp. Bị mất hành lý trong quá trình di chuyển, hầu hết binh lính Anh không có đồ để thay và cũng không thể giặt quần áo của họ. Vì thế họ đã ném những chiếc quần dính đầy phân và bùn đất đi. Đội ngũ binh sỹ không mặc quần đã cố gắng chống chọi với các kỵ binh của Pháp và việc thiếu trang phục đã mang đến lợi thế cho họ. Trên chiến trường đầy bùn đất, họ có thể dễ dàng ngụy trang và di chuyển, cũng không bị vướng víu bởi quần áo. Cuối cùng quân đội Anh đã chiến thắng trước đối thủ.