Những cặp vợ chồng dắt nhau vào vòng lao lý vì buôn "hàng trắng"

NAM HOÀNG |

Trong những đối tượng phạm tội mà tôi đã từng gặp ở Điện Biên, phần lớn họ là người dân tộc, trình độ hiểu biết còn nhiều hạn chế. Thế nên khi đứng trước những cám dỗ, họ dễ bề sa ngã.

Phạm tội thì phải trả giá, âu đó cũng là cái luật nhân quả ở đời, song điều đáng nói ở đây là có rất nhiều người trong số họ còn lôi kéo cả anh em, bố mẹ, thậm chí là vợ mình vào vòng lao lý.

Buôn ma túy để... thoát nghèo

Sùng Thị Mẩy (SN 1974) là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở bản Pàng Dề A2, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Nhà nghèo, đông anh em, Mẩy lại là chị cả thế nên cô phải bỏ học từ khi mới quen mặt chữ.

Từ bấy, Mẩy chỉ quanh quẩn với nương rẫy, ruộng đồng, đến tiếng phổ thông cô cũng chỉ bập bẹ được vài câu. Thế nhưng, nhờ có chút ít nhan sắc nên từ khi mới 15, 16 tuổi, Mẩy đã có rất nhiều người theo đuổi.

Không muốn mãi phải chịu cảnh đói nghèo như muôn vàn người đàn bà Mông khác, Mẩy quyết chí làm giàu trước khi lập gia đình. Cô vay mượn gia đình, họ hàng chút ít vốn liếng rồi đi buôn hàng tạp hóa.

Song thu nhập của cô mãi cũng chỉ đủ đắp đậy qua ngày. Chán nản, Mẩy đành tặc lưỡi lấy chồng. Chồng Mẩy, Sùng A Phạ, SN 1971, là người cùng xã Xá Nhè. Phận đời bầm dập, trớ trêu, lấy nhau được một thời gian thì chồng Mẩy bập vào ma túy.

Dù cô đã nhiều lần khuyên bảo, động viên chồng cai nghiện nhưng rồi đâu lại vào đấy, Phạ vẫn không thoát khỏi vòng kiềm tỏa của ả phù dung. Bao nhiêu tiền bạc, của nả trong nhà đều bị hắn ném vào làn khói trắng.

Những cặp vợ chồng dắt nhau vào vòng lao lý vì buôn hàng trắng - Ảnh 1.

Tang vật thu được trong vụ án Nguyễn Thị Nga

Chẳng mấy chốc, hai vợ chồng Mẩy lâm vào khánh kiệt. Để có tiền chích hút, Phạ theo chúng bạn đi vận chuyển ma túy rồi bị bắt và phải đi tù, một mình Mẩy phải đánh vật với bốn đứa con nheo nhóc.

Thấy con mình bữa đói bữa no, Mẩy quyết phải kiếm tiền để thoát nghèo bằng mọi giá. Trong trăm nẻo mưu sinh, đáng tiếc là Mẩy lại nối gót chồng. Cô bắt đầu mua ma túy rồi đem về xé lẻ bán cho các con nghiện trong vùng.

Hành vi vi phạm pháp luật của Mẩy nhanh chóng bị phát giác. Cô bị bắt và bị TAND huyện Tủa Chùa tuyên phạt 4 năm tù. Nhưng do lúc đó con út chưa đầy 36 tháng, nên Mẩy được cho hoãn thi hành án.

Những tưởng sau những lầm lỗi phải trả giá đắt bằng bản án 4 năm tù, Mẩy sẽ nhận biết ra giá trị thực của cuộc sống để không phạm phải sai lầm thêm lần nào nữa.

Nhưng phần vì mưu sinh, phần vì mộng “làm giàu” chưa nguội tắt, cộng với không có kỹ năng tự vệ trước cuộc sống xa hoa đầy cám dỗ, Mẩy lại tiếp tục lún sâu vào con đường phạm tội.

Chỉ vài tháng sau khi bị tòa tuyên án, Mẩy bắt đầu chuyển hướng sang móc nối với các mối quan hệ cũ để buôn bán người.

Thời điểm đó, Mẩy có một người em gái tên là Sùng Thị Sài đang sinh sống, buôn bán bên Trung Quốc. Trong một lần trò chuyện qua điện thoại, Sài bảo Mẩy cố gắng lừa dụ những cô gái dân tộc nhẹ dạ cả tin mang bán sang Trung Quốc.

Mỗi trường hợp như thế, Sài sẽ trả cho Mẩy 3 triệu/một người, còn chi phí đi lại sẽ có người đứng ra lo hết. Thấy số tiền quá lớn, có khi bằng đến vài tháng đi nương, lại đương lúc túng quẫn và bí bách, Mẩy đồng ý.

Sau một thời gian khá dài đi tìm và kỳ công thuyết phục, Mẩy đã lừa được hai cô Chang Thị D (SN 1987) và Sùng Thị M (SN 1985) đồng ý sang Trung Quốc lấy chồng.

Sau đó, Mẩy đưa D và M bán cho Sài. Lấy lý do là đang kẹt tiền, Sài đưa trước cho Mẩy 3 triệu đồng, 3 triệu còn lại Sài hứa khi nào Mẩy mang chuyến “hàng” khác sang thì sẽ trả.

Thấy công việc nhẹ nhàng lại có tiền mà không cần đầu tư vốn liếng, sau khi ở chơi vài ngày, Mẩy bắt đầu trở về Việt Nam và tìm kiếm đối tượng.

Ròng rã suốt hàng tháng trời sau đó, Mẩy lân la khắp các bản trong xã để “săn mồi” nhưng không được, cô đành đánh liều sang rủ Chang Thị H (SN 28/3/1997, là em gái của Chang Thị D, người đã bị Mẩy bán cho Sài trước đó) sang Trung Quốc thăm chị gái, nhưng thực chất là để bán cho Sài.

Trên đường đưa H từ Tủa Chùa xuống Lào Cai thì Mẩy bị bắt. Khi đó, cô đã toan bỏ chạy nhưng không thành.

Tại cơ quan điều tra, Mẩy vẫn một mực phủ nhận hành vi phạm tội của mình. Phải mất mấy giờ đấu trí căng thẳng, “nữ quái” Sùng Thị Mẩy mới cúi đầu nhận tội...

Với tội danh “Mua bán người”, Sùng Thị Mẩy bị HĐXX của TAND tỉnh Điện Biên tuyên phạt 8 năm tù, cộng với bản án 4 năm tù mà TAND huyện Tủa Chùa đã tuyên trước đó, tổng hình phạt mà Mẩy phải chịu là 12 năm tù.

Sau khi nghe Tòa tuyên án, Mẩy ngã quỵ xuống phía sau vành móng ngựa. Còn mấy đứa con cô, đứa nào đứa nấy gầy gò, rách rưới, ngồi thu lu góc hội trường xét xử. Không biết rồi đây, khi Mẩy theo chồng nhập trại, ai sẽ là người chăm bẵm chúng?!

Lóa mắt trước đồng tiền

Cũng bị chồng lôi vào con đường phạm tội như Sùng Thị Mẩy, nhưng Nguyễn Thị Nga lại khác, cô không thể vịn vào cái cớ “do ít học, hiểu biết nông cạn” để bao biện cho một chuỗi hành vi phạm tội của mình.

Bởi cô được sinh ra và lớn lên ở một thị trấn của huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, được nuôi dạy, ăn học đàng hoàng. Cô sa chân vào vũng tối là bởi vì không thắng được sự cám dỗ của đồng tiền.

Những cặp vợ chồng dắt nhau vào vòng lao lý vì buôn hàng trắng - Ảnh 2.

Một góc Xá Nhè, quê Mẩy

Vết trượt của Nga, có thể nói là được bắt đầu từ cuộc hôn nhân định mệnh. Bởi thời thiếu nữ, Nga nổi tiếng đẹp, vẻ đẹp thanh thoát, rạng ngời hiếm có ở người miền núi. Êm đềm, sáng trong và đầy hứa hẹn.

Cũng nhờ cái nhan sắc trời ban ấy mà Nga luôn được vây quanh bởi những lời tán tụng, săn đón của cánh đàn ông. Trong số đó, không ít kẻ con nhà bề thế.

Thế nhưng, chả hiểu số phận run rủi, đưa đẩy thế nào, cô lại đồng ý về làm vợ của Hoàng Tuấn Anh, một con nghiện có thâm niên ở đất Đồng Đăng. Bất chấp gia đình cấm cản, cô vẫn nhất quyết với lựa chọn của mình.

Sau khi về sống dưới một mái nhà, Nga đã nhiều lần khuyên bảo, động viên rồi đưa chồng đi cai nghiện nhưng rồi đâu lại vào đấy, Tuấn Anh vẫn không thoát khỏi ả phù dung.

Bao nhiêu tiền bạc, của nả trong nhà đều bị hắn ném vào làn khói trắng. Chẳng mấy chốc, hai vợ chồng lâm vào khánh kiệt.

Bất lực và chán nản, Nga đã buông xuôi. Không những thế, cô còn tự đánh mất mình khi dần trở thành cánh tay đắc lực của chồng trong việc vận chuyển và buôn hàng trắng.

Một vài phi vụ đầu trót lọt, lóa mắt bởi số tiền lợi nhuận khổng lồ, Nga ngày càng dấn sâu vào con đường tội lỗi. Cuộc sống vương giả đó cũng chỉ kéo dài được một thời gian rất ngắn, bởi không lâu sau đó chồng Nga mất.

Nhiều người cho rằng, Tuấn Anh chết là do dùng ma túy quá liều nên bị sốc dẫn đến tử vong.

Vài tháng sau khi chồng mất, Nga móc nối lại với các mối quan hệ cũ để tiếp tục buôn hàng trắng và chọn Điện Biên làm địa bàn hoạt động. Sau vài lần mua bán nhỏ lẻ thành công, Nga quyết định “đánh quả” lớn.

Cô đặt mua của một đối tượng tên Trung 20 bánh heroin để vận chuyển sang Trung Quốc bán kiếm lời. Khi Trung vào Na Ư lấy hàng quay ra thì bị lực lượng phòng chống ma túy Công an tỉnh Điện Biên bắt giữ.

Sau đó, các đối tượng trong đường dây của Nga cũng lần lượt sa lưới.

Khám xét nơi ở của các đối tượng trên, cơ quan chức năng đã thu giữ số lượng ngoại tệ và tiền Việt Nam, một xe ôtô BMW, một súng ngắn quân dụng cùng 110 viên đạn và một số tài sản khác có liên quan trực tiếp đến vụ án.

Khi bị TAND tỉnh Điện Biên đưa ra xét xử, Nguyễn Thị Nga cũng lộ rõ vẻ hoảng sợ, thất thần. Chốc chốc, cô lại quay về phía cuối hội trường ngóng người thân như muốn tìm nơi nương tựa.

Mỗi khi bắt gặp một gương mặt thân quen, mắt cô dừng lại khá lâu, rồi khóc. Nhìn Nga, nhiều người thầm nuối tiếc cho cô. Từ một thiếu nữ xinh đẹp “người đưa kẻ rước”, chỉ vì không làm chủ được mình, Nga đã tự trôi dần vào bóng tối.

Không chỉ hủy hoại tương lai, tiền đồ của bản thân mình, những “lái buôn tử thần” như Nga còn làm cho bao gia đình tan nát, xã hội đảo điên.

Khi được nói lời cuối cùng, Nga đã không thể ngăn dòng nước mắt, cô sụt sùi: “Cũng vì chồng nghiện, cuộc sống khó khăn vất vả quá nên bị cáo mới nghe theo lời rủ rê, lôi kéo để bước vào con đường phạm tội.

Đến khi chồng mất, bị cáo cũng định bỏ nghề nhưng vì không biết làm gì để sống, không biết nương tựa vào ai nên mới tiếp tục đi buôn ma túy để kiếm tiền.

Nay chỉ xin tòa cho bị cáo một con đường sống...”. Sau khi xem xét, nhận thấy thủ đoạn phạm tội của Nga là nguy hiểm cho xã hội, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Thị Nga 20 năm tù.

Lý giải cho việc phạm tội của mình, Nga cũng viện ra cái cớ giống như Sùng Thị Mẩy là do hoàn cảnh xô đẩy, bị chồng nghiện rủ rê lôi kéo.

Nhưng phải thừa nhận một sự thật rằng, cả hai cô đã quá ham những đồng tiền bất chính, để rồi tự đánh mất tương lai và phải chịu một cái kết cục buồn thảm như hôm nay. Âu đó cũng là bài học cho rất nhiều người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại